Tại buổi khai mạc Hội nghị ngoại khoa và phẫu thuật nội soi toàn quốc (diễn ra các ngày 21-23/11 ở TPHCM), Giáo sư Trần Bình Giang, Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam cho biết, kể từ khi ra đời vào năm 1962, Hội đã có nhiều thành tựu, là một trong những niềm tự hào của y học Việt Nam.
Các bác sĩ ngoại khoa Việt Nam luôn tìm tòi, học hỏi các phương pháp mới để các ca phẫu thuật ngày càng hiệu quả hơn và ít xâm lấn hơn. Phẫu thuật nội soi không chỉ điều trị khỏi bệnh mà còn giảm thiểu tác hại không mong muốn đến người bệnh, giúp giảm đau, phục hồi sớm và có tính thẩm mỹ cao.
Cho đến nay, chúng ta có thể khẳng định phẫu thuật nội soi Việt Nam sánh ngang tầm các trung tâm y khoa trong khu vực và thế giới. Nhiều phương pháp phẫu thuật khó trước đây phải mổ mở, thì đến nay đã được thay thế bằng phẫu thuật nội soi, như các ca sửa hay thay van tim.
Phẫu thuật nội soi sọ não, nội soi nền sọ qua ngã mũi để điều trị u não cũng đã được thực hiện tại nhiều trung tâm. Phẫu thuật nội soi lấy gan và thận từ người hiến khỏe mạnh để ghép cho người bệnh là kỹ thuật mổ phức tạp, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm cao, trang thiết bị hiện đại đồng bộ cũng được bác sĩ Việt Nam thực hiện.
Năm 2003, Trung tâm huấn luyện Phẫu thuật nội soi đầu tiên của Việt Nam được thành lập ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tạo nền tảng cho sự phát triển phẫu thuật nội soi nước nhà. Đến nay, Trung tâm đã huấn luyện cho hàng ngàn bác sĩ về phẫu thuật nội soi, đặc biệt đã có hơn 800 bác sĩ từ 11 quốc gia đến học tập.
Trong khi đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong những trung tâm thực hiện những trường hợp ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam. Hiện nay, đơn vị này đứng đầu cả nước về ghép thận, ghép tim, ghép phổi, và ghép gan từ người cho chết não.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai chương trình ghép gan từ tháng 10/2017. Trong quá trình phát triển, Bệnh viện đã xác lập nhiều kỷ lục, như hoàn thành 5 ca ghép gan từ người cho sống chỉ trong một tuần, thực hiện thành công ca nội soi lấy mảnh ghép gan phải đầu tiên và ca nội soi cắt gan toàn bộ cho người nhận đầu tiên tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực ghép tạng, với 1.226 ca ghép thận, 30 ca ghép gan và 7 ca ghép tim thành công, góp phần nâng cao chất lượng sống của hàng ngàn người bệnh.
Còn Bệnh viện Bình Dân đã trở thành nơi triển khai ứng dụng phẫu thuật robot cho người lớn đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2016. Đến nay, Bệnh viện đã phẫu thuật robot thành công cho hơn 3.000 trường hợp, tập trung nhiều nhất phẫu thuật điều trị ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, bướu thận và ung thư bàng quang.
Ngoài tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ phẫu thuật robot tại Việt Nam, Bệnh viện Bình Dân cũng đi chuyển giao kỹ thuật mổ robot cho các nước trong khu vực, như Philippines.
Giáo sư Trần Bình Giang khẳng định, trong tương lai, với nền tảng đã được xây dựng, ngành Ngoại khoa Việt Nam tiếp tục có tiềm năng phát triển, hướng tới những tiêu chuẩn cao hơn về an toàn và hiệu quả.
Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam chia sẻ, Hội nghị ngoại khoa năm nay thu hút sự tham gia của gần 2.000 Giáo sư, Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, các nhà quản lý y tế và lãnh đạo các cơ sở y tế, với 420 báo cáo viên đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Có nhiều chủ đề nổi bật của Hội nghị, như: Điều trị ngoại khoa ung thư tiêu hóa; Các tiến bộ trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam; Tiến bộ trong phẫu thuật tim và lồng ngực… Đáng chú ý là các ca mổ thị phạm được truyền hình trực tiếp tại 4 bệnh viện, trong các phiên đào tạo tiền hội nghị.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/phau-thuat-noi-soi-o-viet-nam-ngang-tam-the-gioi-bac-si-11-nuoc-den-hoc-a198321.html