Một vùng có tình hình lây nhiễm HIV phức tạp

() - Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, tình hình lây nhiễm HIV tại một số tỉnh ở khu vực phía nam có nhiều chuyển biến phức tạp.

Tại chương trình "Công bằng từ lời nói đến hành động", hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, vừa diễn ra tại TPHCM, các chuyên gia cho biết, từ năm 2020 đến nay, tình hình lây nhiễm HIV tại đồng bằng sông Cửu Long có nhiều chuyển biến phức tạp.

Song song đó, các ca mắc mới có chiều hướng tăng, ngay cả tại các tỉnh không phải vốn là địa bàn trọng điểm. Độ tuổi nhiễm HIV phổ biến cũng đang trẻ hóa, phần lớn trong nhóm 16-29 tuổi.

Người mắc bệnh hiện nay chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ đồng giới, sinh viên nam, lao động tự do, đặc biệt là ở nhóm trẻ tuổi.

Một vùng có tình hình lây nhiễm HIV phức tạp - 1

Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa (Ảnh minh họa: DL).

Theo thống kê của Bộ Y tế, gần 70% ca nhiễm HIV mới tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ và TPHCM. Gần 40% ca mắc mới ở độ tuổi 15-25, xuất hiện trong nhóm người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngoài ra, xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh không phải trọng điểm cũng bắt đầu gia tăng, kèm theo các hành vi nguy cơ phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng ma túy khi quan hệ tình dục và quan hệ tình dục tập thể.

Điều này còn kéo theo nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường tình dục, viêm gan B, C…, làm tăng gánh nặng cho ngành y tế.

Mới đây, nhóm báo cáo viên của Viện Pasteur TPHCM và CDC các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang cũng có báo cáo nghiên cứu tỷ lệ đồng nhiễm HIV - giang mai cùng các yếu tố liên quan ở nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tại đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2015-2022).

Kết quả cho thấy, đồng nhiễm HIV - giang mai có xu hướng tăng trong nhóm MSM tại khu vực trên. Có 3 yếu tố liên quan đến việc đồng nhiễm được chỉ ra ở nghiên cứu trên, là việc nhận bao cao su miễn phí trong 6 tháng qua, dùng bao cao su ở lần quan hệ tình dục gần nhất và đã từng điều trị thuốc ARV.

Nhóm nghiên cứu nhận định, cần tăng cường các chương trình truyền thông và can thiệp giảm tác hại, để giảm lây truyền HIV và các bệnh đường tình dục ở nhóm MSM.

Chương trình "Công bằng từ lời nói đến hành động" do 6 tổ chức cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS cùng thực hiện dưới sự hỗ trợ bởi Kế hoạch Cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) thuộc Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Một vùng có tình hình lây nhiễm HIV phức tạp - 2

Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM (Ảnh: Diệu Linh).

Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức này trong việc hỗ trợ chính phủ Việt Nam hướng tới mục tiêu chấm dứt AIDS như một mối đe dọa cộng đồng trong năm 2030.

Cụ thể, các tổ chức đã có những đóng góp đáng kể vào hoạt động phòng chống HIV quốc gia, tư vấn chính sách, cung cấp dịch vụ xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm (PreP), điều trị bằng thuốc kháng virus, giải quyết sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đồng thời hỗ trợ thu thập dữ liệu về HIV/AIDS tại Việt Nam.

Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM cũng bày tỏ hy vọng trong tương lai, các tổ chức cộng đồng nói trên có thể phát triển thành trung tâm của hệ sinh thái cộng đồng mà chính phủ Hoa Kỳ thông qua PEPFAR đang hỗ trợ xây dựng và duy trì.

Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2024 của Việt Nam là công bằng, bình đẳng trong dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo đó, các tổ chức cộng đồng sẽ giúp đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình ứng phó với HIV, và bệnh nhân có thể tiếp cận dịch vụ HIV một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng. Đồng thời, tất cả các hạn chế về công bằng đều được giải quyết.

Diệu Linh

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/mot-vung-co-tinh-hinh-lay-nhiem-hiv-phuc-tap-a198404.html