Quảng cáo iPhone 16 trước một cửa hàng Apple. Ảnh: Bloomberg. |
Trang tin CNBC dẫn nguồn từ truyền thông địa phương Indonesia, cho biết chính phủ nước này muốn Apple nâng mức đầu tư được Táo khuyết đề xuất. Động thái trước đó của hãng di động nhằm khuyết phục nhà chức trách gỡ lệnh cấm bán iPhone 16.
Đề xuất của Apple được đưa ra sau khi Bộ Công nghiệp Indonesia từ chối cấp giấy phép bán iPhone 16 vào tháng 10, do tỷ lệ linh kiện nội địa và nhân công địa phương với mặt hàng smarphone/tablet chưa đạt 40% theo quy định.
Theo chính phủ Indonesia, Apple chỉ đầu tư 95 triệu USD thông qua hoạt động đào tạo nhà phát triển, thấp hơn mức cam kết (110 triệu USD). Quốc gia Đông Nam Á cũng cấm bán điện thoại Google Pixel do đầu tư chưa đủ.
Lệnh cấm bán iPhone 16 tại Indonesia là động thái mới nhất từ chính phủ tân Tổng thống Prabowo Subianto, nhằm gây áp lực lên các công ty nước ngoài để thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo hộ doanh nghiệp địa phương.
Tính đến 10/11, có 11.000 chiếc iPhone 16 được mang vào Indonesia để sử dụng cá nhân. Theo trang tin Antara, Bộ Công nghiệp nước này sẵn sàng chặn IMEI nếu phát hiện iPhone 16 được phân phối trong nước.
Chính phủ Indonesia có kế hoạch triển khai hệ thống xác minh điện thoại mua từ nước ngoài, mang vào bằng hành lý của hành khách.
Hệ thống sẽ kiểm tra IMEI đăng ký với hải quan để xác minh thiết bị được sử dụng cá nhân hay mua bán. Nước này cũng chỉ thị các nền tảng thương mại điện tử không được bán hoặc quảng cáo iPhone 16.
"Nếu có bằng chứng cho thấy iPhone 16 được mua bán, chúng tôi sẵn sàng hủy kích hoạt IMEI của dòng điện thoại này", Febri Hendri Antoni Arif, người phát ngôn Bộ Công nghiệp Indonesia, trả lời báo chí trong nước ngày 21/11.
Bộ Công nghiệp Indonesia đã gặp gỡ đại diện Apple về đề xuất đầu tư 100 triệu USD trong 2 năm. Kế hoạch đầu tư bao gồm phát triển một chương trình nghiên cứu và phát triển, cũng như học viện phát triển chuyên môn.
Apple cũng có kế hoạch sản xuất linh kiện, bao gồm lưới tai nghe cho AirPods Max từ tháng 7/2025 tại Bandung, phía đông nam Jakarta. Học viện Apple dự kiến thành lập tại Bali và Jakarta vào tháng 6/2026.
iPhone 16. Ảnh: Tech Advisor. |
Dù đề xuất 100 triệu USD gấp 10 lần con số trước đó, chính phủ Indonesia vẫn muốn Apple tăng mức đầu tư để có được "cam kết công bằng".
"Với quan điểm của chính phủ, tất nhiên chúng tôi muốn khoản đầu tư lớn hơn", ông Arif nhấn mạnh.
Theo ông Arif, khoản đầu tư lớn hơn sẽ giúp phát triển ngành sản xuất tại Indonesia, khẳng định ngành công nghiệp trong nước đủ khả năng hỗ trợ sản xuất một số thiết bị Apple như củ sạc và phụ kiện.
Dù Indonesia là thị trường nhỏ với Apple, đất nước này vẫn mang đến cơ hội tăng trưởng với dân số đông thứ 4 trên thế giới, theo nhà phân tích Le Xuan Chiew từ Canalys.
"Lượng dân số trẻ, am hiểu công nghệ với trình bộ hiểu biết thế giới số ngày càng tăng tại Indonesia phù hợp chiến lược mở rộng (doanh số toàn cầu) của Apple", Chiew cho biết.
Trả lời CNBC, ông cũng lưu ý Indonesia có tiềm năng sản xuất, lắp ráp để hỗ trợ chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple. Dù vậy, công ty cần có cách tiếp cận dài hạn để thành công, việc đề nghị đầu tư thể hiện cam kết tuân thủ luật pháp địa phương, mở đường cho sự tăng trưởng trong tương lai.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/indonesia-cung-ran-voi-apple-a198602.html