Bước ngoặt 250 tỷ USD vừa được thiết lập: Việt Nam thu hơn 1300 tỷ đồng cách đây chưa lâu

Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá rất cao bước ngoặt này của Việt Nam.

Bước ngoặt lớn tại COP29

Ngày 24/11, Reuters thông tin, Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra ở thủ đô Baku của Azerbaijan vừa đạt được bước ngoặt lớn liên quan đến giao dịch tín chỉ carbon.

Theo đó, COP29 đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường mua và bán tín chỉ carbon trên quy mô toàn cầu mà những người đề xuất cho rằng sẽ huy động hàng tỷ đô la vào các dự án mới để giúp chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. 

Tại sao gọi thỏa thuận này là bước ngoặt? Bởi trước đây, việc mua và bán tín chỉ carbon chỉ mới diễn ra ở cấp quốc gia hoặc khu vực.

Bước ngoặt 250 tỷ USD vừa được thiết lập: Việt Nam thu hơn 1300 tỷ đồng cách đây chưa lâu- Ảnh 1.

Giao dịch tín chỉ carbon quy mô toàn cầu sẽ bắt đầu từ năm 2025. Ảnh minh họa

Liên Hợp Quốc cho biết, thỏa thuận bước ngoặt này cho phép hệ thống thương mại tập trung của cơ quan này được triển khai sớm nhất vào năm 2025.

Hiệp hội giao dịch khí thải quốc tế (IETA) đánh giá, một thị trường giao dịch tín chỉ carbon như vậy do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn có thể có giá trị 250 tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ năm 2030 và giúp bù đắp thêm 5 tỷ tấn khí thải carbon mỗi năm.

Bên lề COP29, các nhà đàm phán tiếp tục dành phần lớn thời gian còn lại ở Azerbaijan để cố gắng thống nhất các chi tiết về một hệ thống song phương riêng biệt để các quốc gia có thể giao dịch tín chỉ carbon trực tiếp với nhau.

Trong khi việc củng cố thị trường tín chỉ carbon toàn cầu là trọng tâm chính của các cuộc đàm phán tại Baku, hoạt động thương mại song phương đã bắt đầu vào tháng 1/2024 khi Thụy Sĩ mua tín chỉ carbon từ Thái Lan và hàng chục quốc gia khác đã đạt được thỏa thuận chuyển giao tín chỉ.

Thực chất, hoạt động giao dịch tín chỉ carbon đã xuất hiện và thu được thành quả ban đầu tại Việt Nam. Tháng 3/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) thông tin, Việt Nam đã nhận được khoản thanh toán 51,5 triệu đô la Mỹ (khoảng hơn 1300 tỷ VND) cho các khoản giảm phát thải đã được xác minh (tín dụng carbon) nhằm giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả từ Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) của WB.

Khoản thanh toán được thực hiện cho Việt Nam để giảm 10,3 triệu tấn khí thải carbon từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019. 

Bước ngoặt 250 tỷ USD vừa được thiết lập: Việt Nam thu hơn 1300 tỷ đồng cách đây chưa lâu- Ảnh 2.

Ảnh minh họa về rừng. Nguồn: Theconversation

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết: "Khoản thanh toán mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước tiến nữa của Việt Nam hướng tới việc gia nhập thị trường tín dụng carbon toàn cầu và mở ra cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của đất nước".

Việc COP29 đạt được thỏa thuận giao dịch tín chỉ carbon quy mô toàn cầu (dưới sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc) sẽ giúp đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch, từ đó thúc đẩy dòng giao dịch trên toàn thế giới tăng lên, góp phần đưa thế giới đạt được mục tiêu kìm giữ nhiệt độ Trái đất dưới 1,5 độ C như Thỏa thuận Paris đã nêu.

Tín chỉ carbon (Carbon credit) được tạo ra thông qua các dự án như trồng cây hoặc xây dựng các trang trại gió ở một quốc gia nghèo hơn, nơi nhận được một tín chỉ carbon cho mỗi tấn khí thải mà họ giảm phát thải ra bầu khí quyển. Các quốc gia và công ty có thể mua các tín chỉ carbon đó để được mục tiêu khí hậu của họ.

300 tỷ USD mỗi năm: Vẫn còn quá nhỏ!

300 tỷ USD là số tiền mà các quốc gia giàu cam kết đóng góp cho cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu trong buổi bế mạc COP29 vào sáng sớm Chủ Nhật 24/11 tại Baku.

"Thỏa thuận trị giá 300 tỷ đô la Mỹ chỉ bằng chưa đến một phần tư những gì khoa học cho thấy là cần thiết; và hầu như không đủ để ngăn chặn thảm họa khí hậu" - Đại diện của Sierra Leone (quốc gia ở Tây Phi) cho biết các quốc gia châu Phi đã thất vọng về kết quả này.

Bước ngoặt 250 tỷ USD vừa được thiết lập: Việt Nam thu hơn 1300 tỷ đồng cách đây chưa lâu- Ảnh 3.

Một góc nhìn trong phiên họp toàn thể bế mạc tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP29, tại Baku, Azerbaijan ngày 24/11/2024. Ảnh: REUTERS/Maxim Shemetov

Phản ứng trước kết quả này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết mặc dù một thỏa thuận tại COP29 là hoàn toàn cần thiết để duy trì giới hạn 1,5 độ C, thì ông vẫn hy vọng vào kết quả tham vọng hơn. Tuy nhiên, ông Guterres cho biết, các quốc gia cần tôn trọng đầy đủ thỏa thuận tài chính này và thực hiện đúng hạn.

Nói về con số 300 tỷ USD mỗi năm, The Business Standard ngày 24/11 đã có bài viết phân tích để hiểu số tiền đó có giá trị như thế nào khi so với các lĩnh vực khác:

- Chi tiêu quân sự

The Business Standard trích số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển) cho hay, năm 2023, các chính phủ trên toàn cầu đã chi 6,7 tỷ đô la Mỹ mỗi ngày cho chi tiêu quân sự. 

Điều đó có nghĩa là mục tiêu tài chính khí hậu hàng năm 300 tỷ đô la tương đương với khoảng 45 ngày chi tiêu quân sự toàn cầu.

- Thế giới 'đốt' dầu thô

300 tỷ USD là mức giá của toàn bộ lượng dầu thô mà thế giới sử dụng trong hơn 40 ngày, theo tính toán của Reuters dựa trên nhu cầu dầu thô toàn cầu là khoảng 100 triệu thùng/ngày và mức giá dầu thô Brent ước tính vào cuối tháng 11/2024.

- Tài sản của người giàu nhất hành tinh

Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Elon Musk là 321,7 tỷ đô la Mỹ vào khoảng cuối tháng 11/2024. 

Elon Musk là người đàn ông giàu nhất thế giới và là chủ sở hữu của mạng xã hội X (trước đây là Twitter) cũng như sở hữu nửa tá công ty, bao gồm nhà sản xuất ô tô điện Tesla và nhà sản xuất tên lửa SpaceX.

- Thiệt hại do bão

Bão Katrina, một trong những cơn bão tàn khốc và chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ, đã gây thiệt hại 200 tỷ đô la Mỹ chỉ riêng trong năm 2005.

- Mỹ phẩm

Theo Bain & Company, thị trường hàng xa xỉ toàn cầu được định giá 363 tỷ Euro (378 tỷ đô la Mỹ) vào năm 2024.

- GDP của Chile 

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Chile - quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới - đạt mức 335,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023.

- Cứu trợ Hy Lạp

Các nước khu vực đồng Euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã chi khoảng 260 tỷ Euro (271 tỷ đô la Mỹ) từ năm 2010 đến năm 2018 để cứu trợ Hy Lạp - đây là gói cứu trợ có chủ quyền lớn nhất trong lịch sử kinh tế.

- Cổ phần của Microsoft

Theo dữ liệu của Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), 10% cổ phần của 'gã khổng lồ công nghệ' Microsoft có giá trị hơn 300 tỷ đô la. Trong khi đó, vốn hóa thị trường của công ty dầu mỏ lớn của Mỹ Chevron là 292 tỷ đô la.

Tham khảo: Reuters, WB, The Business Standard Carbonherald, UN


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/buoc-ngoat-250-ty-usd-vua-duoc-thiet-lap-viet-nam-thu-hon-1300-ty-dong-cach-day-chua-lau-a198768.html