Nội dung chính Trung Quốc chi 11,5 tỷ USD xây dự án điện mặt trời trên sa mạc Cuộc cách mạng năng lượng sạch trong các sa mạc của Trung Quốc |
Cảnh tượng bất ngờ trên sa mạc Trung Quốc
Theo bài đăng trên Sohu ngày 30/10, vệ tinh Mỹ gần đây đã chụp lại một hình ảnh gây sốc tại Trung Quốc. Cụ thể, nằm giữa sa mạc Kubuqi ở phía bắc Nội Mông (Trung Quốc), hàng triệu tấm pin mặt trời được sắp xếp ngay ngắn dưới ánh mặt trời. Nhìn từ trên cao, chúng giống như một "tấm chăn" màu xanh phủ lên sa mạc, tạo nên một cảnh tượng khiến người ta phải trầm trồ. Đây chính là dự án điện mặt trời trị giá 11,5 tỷ USD của quốc gia này. Dự án khổng lồ này bao gồm 34 nhà máy quang điện.
Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, sa mạc có nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào nên sản lượng điện cao hơn 30% so với các khu vực thông thường. Sau khi hoàn thành, dự án này có thể sản xuất 10 tỷ kWh điện mỗi năm. Con số này tương đương với lượng điện tiêu thụ của một thành phố cỡ trung bình của Trung Quốc trong một năm.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là những tấm pin mặt trời này không chỉ phát điện mà còn mang lại lợi ích sinh thái bất ngờ. Các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc phát hiện ra rằng, bóng của tấm pin mặt trời dẫn đến nhiệt độ ban ngày mát hơn và nhiệt độ ban đêm ấm hơn so với phương pháp truyền thống. Hiệu ứng tạo bóng của các tấm pin mặt trời đã làm giảm nhiệt độ bề mặt sa mạc gần 10 độ C. Các vùng bóng râm bên dưới giúp giảm 40% lượng nước bốc hơi. Những thay đổi này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thực vật trồng dưới các tấm năng lượng mặt trời.
Theo chia sẻ của người phụ trách dự án cho biết họ đã trồng các loại cây chịu hạn bên dưới các tấm pin. Những cây này không chỉ sống sót mà còn phát triển rất tốt. Một phần điện năng được tạo ra từ các tấm pin được sử dụng để tưới cho những cây này. Dần dần, sa mạc vốn không có cây cối bắt đầu xuất hiện những điểm xanh.
Lợi ích kép của dự án điện mặt trời trên sa mạc
Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên Quốc gia Trung Quốc thống kê cho thấy độ che phủ thực vật trong khu vực dự án đã tăng 15%. Con số này có vẻ không lớn nhưng việc đạt được kết quả như vậy ở khu vực sa mạc đã là một thành công. Quan trọng hơn, mô hình này đã chứng minh rằng việc phát điện bằng năng lượng mặt trời và cải tạo sinh thái có thể kết hợp hoàn hảo với nhau.
Điều thú vị là những tấm pin mặt trời này còn có thể chắn gió và cố định cát. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Sa mạc giải thích, cấu trúc đặc biệt do các dãy pin mặt trời tạo thành có thể làm giảm tốc độ gió trên bề mặt, từ đó giảm lượng cát bụi bay lên. Qua theo dõi, số ngày có bão cát trong khu vực dự án đã giảm 30% so với các khu vực xung quanh.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế chỉ ra rằng, dự án điện mặt trời trên sa mạc của Trung Quốc đã tạo ra một mô hình mới trong việc sử dụng năng lượng tái tạo. Nhiều quốc gia đã cử đoàn đến khảo sát, hy vọng học hỏi kinh nghiệm này. Quả thực, diện tích các vùng sa mạc trên toàn cầu rất lớn, nếu đều có thể được tận dụng theo cách này thì đó sẽ là một việc làm mang lại lợi ích rất lớn.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành, dự án này có thể giảm gần 8 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Điều này tương đương với hiệu quả giảm phát thải của việc trồng 5 triệu mẫu rừng. Hơn nữa, tuổi thọ của các tấm pin mặt trời là trên 25 năm, nên hiệu quả rất đáng kể.
Hiện nay, giai đoạn hai của dự án đã được lên kế hoạch. Theo tìm hiểu, dự án mới sẽ sử dụng công nghệ phát điện hai mặt tiên tiến hơn, dự kiến sẽ tăng hiệu suất phát điện thêm 20%. Đồng thời, hệ thống quản lý thông minh cũng sẽ được áp dụng để điều chỉnh chính xác việc phát điện bằng năng lượng mặt trời và cải tạo sinh thái.
Sa mạc Trung Quốc có tổng diện tích vào khoảng 700.000 km2 với tám sa mạc chính phân bố chủ yếu ở Tây Bắc nước này. Trong đó, Tân Cương nổi bật với diện tích sa mạc lớn nhất, chiếm khoảng 60% tổng diện tích sa mạc của Trung Quốc.
Do đó, việc đổi mới công nghệ và tiến hành xây dựng các dự án điện mặt trời đã mang tới một hướng phát triển mới. Việc kết hợp phòng chống sa mạc hóa với phát triển xanh, tích cực phát triển các ngành công nghiệp năng lượng mới dựa vào nguồn tài nguyên đất đai và năng lượng mặt trời của các địa phương nằm trong khu vực sa mạc thực sự đã mang lại hiệu quả kép.