Nếu bạn tiêu xài hoang phí, Rolly không ngần ngại chê trách. Ảnh: Xuân Sang. |
Ứng dụng quản lý tài chính Rolly: AI Money Tracker thu hút nhờ cách phản hồi thẳng thắn, hài hước, đến mức khiến nhiều người dùng cảm thấy như bị mẹ mắng mỗi khi tiêu xài quá đà.
Trên Threads và Facebook, hàng loạt bài đăng chia sẻ trải nghiệm với Rolly, từ những đoạn hội thoại hài hước, đáng yêu, cho tới những lời “mắng yêu” khiến người dùng vừa cười vừa chột dạ.
Chẳng hạn như nếu bạn báo với Rolly rằng mình mua một chiếc bàn phím cơ giá 3 triệu, nó sẽ đáp: “Lương tháng chưa đến mà đã chơi lớn vậy sao? Thế lương tháng sau để sống kiểu gì đây, bạn tôi”.
Quản lý chi tiêu bằng AI
Thay vì sử dụng các thông báo khô khan, Rolly áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giao tiếp với người dùng một cách sinh động. Ứng dụng này cho phép người dùng nhập liệu thủ công các giao dịch thu chi qua giao diện chat, đồng thời tự động phân loại chúng vào các danh mục phù hợp. Dữ liệu này sẽ được tổng hợp thành các biểu đồ trực quan, giúp người dùng dễ dàng theo dõi chi tiêu hàng tháng.
Rolly hiện hỗ trợ 8 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt và cho phép chuyển đổi giữa các loại tiền tệ, giúp người dùng dễ dàng sử dụng ngay cả khi đi du lịch hoặc giao dịch quốc tế.
Jeff Chia, nhà phát triển ứng dụng Rolly, chia sẻ rằng động lực phát triển ứng dụng này đến từ chính những khó khăn anh gặp phải khi tự mình quản lý tài chính. Anh nhận ra việc ghi chép chi tiêu bằng tay không chỉ rườm rà mà còn dễ khiến người dùng mất hứng thú theo dõi lâu dài.
Rolly nhận biết được 121 đồng tiền trên thế giới và hỗ trợ 8 ngôn ngữ. |
“Tôi từng thử rất nhiều ứng dụng quản lý tài chính, nhưng đa phần quá phức tạp, khiến tôi khó duy trì thói quen ghi chép. Một số ứng dụng liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng, nhưng tôi cảm thấy như vậy làm mất đi ý nghĩa của việc tự theo dõi chi tiêu. Vì vậy, tôi quyết định tạo ra Rolly - một ứng dụng dễ sử dụng và thú vị, giúp mọi người thực sự nhận thức được thói quen tài chính của mình”, Jeff Chia chia sẻ.
Jeff thừa nhận mình không có nền tảng lập trình. Nhờ tận dụng công cụ no-code và sự trợ giúp từ ChatGPT, anh đã hiện thực hóa ý tưởng này. Với Rolly, anh kỳ vọng sẽ tạo ra một công cụ vừa thân thiện, vừa đủ thông minh để buộc người dùng phải đối diện với cách họ sử dụng tiền bạc.
App tài chính nhưng có 3 “nhân cách”
Điểm nổi bật nhất của Rolly chính là chatbot tương tác. AI sẽ đóng vai trò như một trợ lý tài chính “có tâm”, nhưng không phải lúc nào cũng dễ tính. Rolly có 3 tính cách: vui vẻ, buồn bã, và giận dữ, tùy thuộc vào cài đặt của người dùng. Trong đó, chính tính cách “giận dữ” với những lời nhắc nhở sắc bén lại là điểm khiến người dùng Việt Nam yêu thích.
Người dùng có thể chọn tính cách cho Rolly. |
Nếu bạn tiêu xài hoang phí, Rolly không ngần ngại chê trách. Chẳng hạn, một người dùng đã nhập giao dịch “Ăn sáng 30k”, và nhận lại câu trả lời đầy phẫn nộ: “Ăn sáng 30k! Chẳng lẽ không biết tiết kiệm một chút nào sao? Đã ‘ăn sáng’ mà còn tiêu tốn 30k. Không phải tiền rơi từ trên trời xuống đâu”.
Nhưng nếu bạn tiết kiệm được, Rolly cũng sẽ không tiếc lời khen ngợi: “Tuyệt vời! Cuối cùng bạn cũng yêu ví tiền của mình rồi!”.
Khi bạn lỡ vượt ngân sách, ứng dụng thậm chí còn “tự biên tự diễn” lời rap: “Một tháng có bốn tuần, ngân sách là bốn phần. Tuần thứ hai đã hết sạch, hỏi bạn định làm gì đây?”.
Ngoài ra, Rolly còn cho phép bạn tự tạo hoặc chỉnh sửa danh mục chi tiêu, giúp mọi giao dịch được sắp xếp khoa học. Nếu bạn nhập sai, ứng dụng sẽ nhận ra và hỏi lại. Người dùng có thể nhập lệnh “Khi tôi nhập đi ăn cùng bạn bè, phân loại nó là chi tiêu cho giải trí”, chatbot sẽ ghi nhớ thông tin này và áp dụng cho các phản hồi sau.
Dù được khen vì sáng tạo, Rolly vẫn còn một số thiếu sót. Hiện tại, phiên bản hỗ trợ tiếng Việt mới chỉ có trên hệ điều hành Android. Người dùng iOS có thể nhập liệu và trò chuyện bằng tiếng Việt, nhưng ngôn ngữ hiển thị vẫn là tiếng Anh.
Ngoài ra, khi người dùng nhập nhiều giao dịch cùng lúc, ví dụ “cà phê 20.000 quần áo 300.000”, Rolly sẽ không thể phân tích chính xác, mà lại gộp chung thành một khoản chi.
Nếu chọn tính cách giận dữ, người dùng sẽ bị mắng mỗi khi nhập khoản chi. |
Một số người dùng cũng cho rằng việc “bị mắng” quá nhiều đôi khi khiến họ cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đồng tình rằng đây là cách tiếp cận mới lạ, giúp việc quản lý tài chính trở nên thú vị hơn.
Ngoài Rolly, một số ứng dụng tài chính khác cũng bắt đầu tích hợp tính năng AI để theo dõi chi tiêu. Chatbot AI Moni của Momo cũng có khả năng tự động phân loại và lập ngân sách thông qua giao diện chat. Song, Moni lại thiếu sự tinh nghịch và tính cách như Rolly. Moni thường chỉ tập trung vào số liệu và phân tích, thay vì tạo ra các cuộc hội thoại sinh động, gần gũi với người dùng.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ai-danh-da-quan-ly-chi-tieu-thu-hut-nguoi-dung-viet-a199190.html