Ông Trump công bố hành động ngay trong ngày nhậm chức, một nước bắt đầu "xa lánh" hàng Trung Quốc

Các quan chức Mexico lo ngại nước này có thể mất Hiệp định thương mại USMCA vì cáo buộc buôn bán thép và sản phẩm ô tô của Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, Mexico đã bị Mỹ cáo buộc là trung gian vận chuyển các linh kiện và sản phẩm của Trung Quốc vào Bắc Mỹ.

Các quan chức Mexico lo ngại rằng việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ hoặc Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang chịu nhiều sức ép chính trị có thể sẽ tìm cách rút khỏi Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Mexico thay thế linh kiện Trung Quốc bằng linh kiện trong nước

Đảng cầm quyền Morena của Mexico rất sợ mất thỏa thuận thương mại này và Tổng thống Claudia Sheinbaum vừa tuyên bố hôm 22/11 rằng chính phủ Mexico đã triển khai một kế hoạch để thay thế các linh kiện của Trung Quốc bằng các linh kiện được sản xuất trong nước.

"Chúng tôi có một kế hoạch nhằm mục đích thay thế các mặt hàng nhập khẩu này từ Trung Quốc và sản xuất phần lớn chúng tại Mexico, bằng các công ty Mexico hoặc chủ yếu là các công ty Bắc Mỹ", bà Sheinbaum nói.

Ông Trump công bố hành động ngay trong ngày nhậm chức, một nước bắt đầu "xa lánh" hàng Trung Quốc- Ảnh 1.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum. Ảnh: Getty

Theo SCMP, trong khi Tổng thống Mexico tuyên bố nước này đã tìm cách thực hiện nỗ lực đó kể từ cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu vào năm 2021 khi các nhà máy trên khắp thế giới bị đình trệ do thiếu linh kiện và đặc biệt là chip máy tính từ châu Á, thì có vẻ như đây là một cuộc chiến khó khăn.

Ngay cả Mỹ cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc chuyển hoạt động sản xuất chip trở về nước mặc dù đã có hàng tỷ đô la trợ cấp và ưu đãi.

Mexico đã có thêm hàng chục nghìn việc làm khi các nhà sản xuất ô tô Mỹ và các nước khác chuyển nhà máy của họ đến Mexico theo hiệp định thương mại để tận dụng mức lương thấp hơn nhiều.

Nhưng một số người Mỹ lo ngại rằng linh kiện của Trung Quốc, hoặc thậm chí là toàn bộ ô tô của nước này, có thể dựa vào các thỏa thuận như vậy để tiếp tục làm rỗng ruột ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

Vì vậy, chính phủ Mexico đang đàm phán với các doanh nghiệp để họ chuyển hoạt động sản xuất linh kiện đến đây.

"Năm tới, nếu Chúa muốn, chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất vi mạch tại Mexico", Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard cho biết hôm 21/11. “Tất nhiên chúng vẫn chưa phải là những con chip tiên tiến nhất, nhưng chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất chúng tại đây.”

Việc từ bỏ hoàn toàn hiệp định là không thể

Theo Hiệp định thương mại USMCA, các quốc gia ký kết phải có một số cơ quan độc lập, một phần là để bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, họ có thể ngăn chặn chính phủ phê duyệt độc quyền cho một công ty nhà nước có thể buộc các đối thủ cạnh tranh rời khỏi thị trường.

Vì vậy, các nhà lập pháp của đảng cầm quyền Morena tại Mexico đang tìm cách sửa luật để mô phỏng chính xác các yêu cầu tối thiểu được chấp thuận theo hiệp định.

“Những gì đang được thực hiện là tạo ra một cuộc cải cách sao cho gần như tương đồng với những gì đang tồn tại ở Mỹ”, Bộ trưởng Kinh tế Ebrard cho biết.

Mexico hy vọng những động thái này sẽ khiến Mỹ hoặc Canada không từ bỏ khi Hiệp định thương mại USMCA được xem xét lại vào năm 2026.

Các chuyên gia đồng ý, nói rằng việc từ bỏ hoàn toàn hiệp định là không thể.

Gabriela Siller - giám đốc phân tích kinh tế của tập đoàn tài chính Banco Base có trụ sở tại Mexico - lưu ý rằng, nếu một quốc gia không hài lòng với Hiệp định thương mại USMCA trong các đợt xem xét định kỳ, như năm 2026, thì có một điều khoản trong hiệp định nêu rằng họ có thể yêu cầu xem xét lại mỗi năm để tìm ra giải pháp và tiếp tục làm như vậy trong một thập kỷ trong khi thỏa thuận vẫn có hiệu lực.

“Tức là họ [Mỹ và Canada] sẽ không thể từ bỏ cho đến năm 2036”, Siller nói. “Tôi nghĩ họ sẽ cứng rắn với Mexico trong cuộc đánh giá năm 2026”.

C.J. Mahoney – cựu Phó đại diện thương mại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump – nói trong bài phát biểu tại Viện Baker có trụ sở tại Texas hồi tháng 9 rằng, Mỹ có thể sẽ không chấm dứt Hiệp định thương mại USMCA, nhưng việc gia hạn có thể bị trì hoãn trong nhiều năm giữa những chỉ trích ngày càng gay gắt về thỏa thuận này.

Ông Trump công bố hành động ngay trong ngày nhậm chức, một nước bắt đầu "xa lánh" hàng Trung Quốc- Ảnh 2.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 18/11/2024. Ảnh: AFP

Mexico không dễ hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

SCMP dẫn lời các quan chức Mexico cho biết họ nhập khẩu linh kiện và sản phẩm của Trung Quốc ít hơn so với những gì Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, xét đến sự chênh lệch lớn về quy mô giữa hai nền kinh tế, đây là một lập luận đúng nhưng yếu.

Vào tháng 7/2024, Mỹ đã áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Mexico nhưng được sản xuất ở nước thứ ba, nhằm ngăn Trung Quốc trốn thuế nhập khẩu bằng cách chuyển hàng qua Mexico: 25% đối với thép không được nấu chảy hoặc đổ khuôn tại Mexico và 10% đối với nhôm.

Thượng nghị sĩ Mỹ Sherrod Brown đã kêu gọi ngừng nhập khẩu thép của Mexico, nói rằng "sự gia tăng đáng báo động về thép và nhôm của Trung Quốc vào nước này thông qua Mexico... là không bền vững và là mối đe dọa đối với việc làm của người Mỹ, cũng như nền kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta".

Theo các chuyên gia, cuối cùng, Mexico có thể buộc phải hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng sẽ không dễ dàng.

Jose Maria Ramos - giáo sư quản lý công tại tổ chức tư vấn Colegio de la Frontera Norte của Mexico - cho biết: "Việc giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ không thể đạt được trong ngắn hạn hoặc trung hạn."

Trong diễn biến mới nhất, Reuters cho hay Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tối 25/11 (giờ Mỹ) đã tuyên bố trên Truth Social rằng, ông dự định ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức sẽ ban hành thuế quan 25% đối với hai quốc gia láng giềng là Canada và Mexico, đồng thời tăng 10% thuế đối với hàng hóa tới từ Trung Quốc.

"Vào ngày 20/1 năm sau, tôi sẽ ký tất cả giấy tờ cần thiết để áp mức thuế 25% với Mexico và Canada, áp dụng với toàn bộ sản phẩm mà họ xuất khẩu sang Mỹ. Đây là một phần trong loạt sắc lệnh hành pháp đầu tiên", ông Trump viết.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ong-trump-cong-bo-hanh-dong-ngay-trong-ngay-nham-chuc-mot-nuoc-bat-dau-xa-lanh-hang-trung-quoc-a199223.html