Nhiều phụ huynh Hàn Quốc dốc lòng đầu tư cho việc học của con cái. Ảnh minh họa: Phim Sky Castle. |
Vanuatu, quốc đảo gồm 83 hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, là thiên đường cho những người yêu thiên nhiên. Nhưng ở Hàn Quốc, quốc đảo tươi đẹp này còn đang thu hút sự chú ý vì một lý do khác: mua quốc tịch.
Bae (30 tuổi), một bà nội trợ sống tại Seocho-gu, phía nam Seoul, đang nghĩ đến việc xin quốc tịch Vanuatu vì cậu con trai 4 tuổi của mình.
“Con trai tôi đang theo học tại một trường mẫu giáo tiếng Anh. Tôi hy vọng cháu có thể đăng ký vào các trường quốc tế ở Hàn Quốc, thay vì các trường bình thường”, cô nói với Korea Herald, với lý do muốn con có môi trường học tập đa văn hóa và chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.
Bae cho biết nếu cô trở thành công dân Vanuatu, con trai cô sẽ đủ điều kiện để được nhận vào các trường quốc tế.
Theo các trường quốc tế được Bộ Giáo dục Hàn Quốc công nhận, chẳng hạn như Trường Quốc tế Yongsan Seoul và Trường Ngoại ngữ Seoul, trẻ em có quốc tịch Hàn Quốc, như con trai của Bae, chỉ có thể được nhận vào học nếu bố hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài hoặc nếu đứa trẻ đã sống ở nước ngoài ít nhất 3 năm.
Hiện nay, các cơ quan di trú tư nhân ở nước ngoài giúp các bậc phụ huynh muốn ghi danh cho con mình vào những trường như vậy bằng cách đáp ứng phần đầu tiên của yêu cầu - một trong hai phụ huynh có quốc tịch nước ngoài. Các chương trình "Nhập tịch theo diện đầu tư" của một số quốc gia vùng Caribe và Thái Bình Dương được nhiều người giàu có ở Hàn Quốc lựa chọn.
Ví dụ, quyền công dân Vanuatu thường đòi hỏi phải đầu tư vào quốc gia này, hoặc chỉ cần quyên góp tiền mặt, 130.000 USD/người, 150.000 USD cho một cặp vợ chồng hoặc 180.000 USD cho một gia đình 4 người, theo ông Cho, giám đốc một công ty tư vấn nhập cư tại Seoul.
“Vanuatu là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất (để có được quyền công dân thông qua đầu tư). Quá trình nộp đơn mất từ 3 đến 6 tháng và không yêu cầu thời gian cư trú bắt buộc”, ông cho biết.
Giáo dục hơn quốc tịch
Nếu Bae có được quốc tịch Vanuatu, cô sẽ tự động mất quốc tịch Hàn Quốc. Cô cũng sẽ gia nhập một nhóm nhỏ nhưng ngày càng đông đảo công dân Vanuatu đang sinh sống tại Hàn Quốc.
Dữ liệu từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho thấy số người từ bỏ quốc tịch nước này để nhập quốc tịch Vanuatu trong giai đoạn 2019-2022 là 18. Mặc dù không có dữ liệu nào cho giai đoạn sau năm 2022, nhưng nếu các công ty như của Cho ngày càng phát triển, con số này có thể sẽ tăng lên.
Theo Điều 15 của Luật Quốc tịch, người Hàn Quốc sẽ tự động mất quốc tịch kể từ thời điểm họ có quốc tịch nước ngoài.
Một bà nội trợ 33 tuổi họ Chang, có cậu con trai 10 tuổi đang theo học tại Trường Ngoại ngữ Busan ở Haeundae-gu, Busan, chia sẻ rằng tại trường của con trai cô, "nhiều" phụ huynh đã chọn sinh con ở nước ngoài hoặc nhập quốc tịch các nước Thái Bình Dương vì tương lai của con cái.
Lối vào của một công ty tư vấn di trú tại Seoul chuyên về việc lấy quốc tịch nước ngoài thông qua đầu tư. Ảnh: Korea Herald. |
Tính đến năm 2023, tổng cộng có 49 trường quốc tế được công nhận đang hoạt động tại Hàn Quốc, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Giáo dục nước này. Học phí hàng năm cho các trường quốc tế tại Hàn Quốc dao động từ 30 đến 40 triệu won (21.471-28.628 USD) - tương đương với mức lương hàng năm của một nhân viên văn phòng trung bình.
"Với việc có nhiều con em của các giám đốc điều hành và nhà ngoại giao nước ngoài theo học, các trường này sẽ là bàn đạp để vào các trường ưu tú ở nước ngoài.
Một số người có thể chỉ trích các cha mẹ mua quốc tịch vì quá ám ảnh với việc học của con cái, nhưng đó là lựa chọn của họ. Miễn là không vi phạm pháp luật, thì nên được tôn trọng", theo Chang.
Đối với Bae, khoản chi phí tối thiểu 130.000 USD có vẻ "đáng tiền", đặc biệt là khi xét đến số tiền mà các bậc phụ huynh Hàn Quốc đã chi để đưa con mình vào con đường ưu tú.
"Chi phí giáo dục tư nhân ở Hàn Quốc rất cao. Tôi nghe nói rằng gánh nặng tài chính sẽ tăng gấp đôi nếu một đứa trẻ chuẩn bị nhập học vào các trường đại học nước ngoài trong khi sống ở Hàn Quốc. Học tại một trường quốc tế sẵn đảm bảo trình độ tiếng Anh và mang lại lợi thế để được tuyển sinh vào các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài", Bae nói.
Theo báo cáo "Tình hình chi phí giáo dục tại Hàn Quốc" năm 2020 của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, tại xứ củ sâm, tổng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ từ khi mới sinh đến đại học (22 tuổi) trung bình là 275 triệu won (196.531 USD).
Có những trường quốc tế cung cấp chương trình giảng dạy tiếng Anh được công nhận, như các khóa học Tú tài quốc tế hoặc Nâng cao, không yêu cầu quốc tịch nước ngoài hoặc từng sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong số 52 trường dạng này, chỉ có 14 trường được các cơ quan giáo dục của Hàn Quốc công nhận, cho phép sinh viên lấy bằng chính thức. Tại các trường không được công nhận, sinh viên phải vượt qua một kỳ thi để xác nhận trình độ học vấn và đủ điều kiện học lên cao hơn sau đó.
Tuy nhiên, các trường "dành riêng cho người nước ngoài" lại được các bậc phụ huynh đánh giá cao và thậm chí còn tìm cách mua quốc tịch nước ngoài để cho con em mình theo học.
Chang cho biết: "Những gì họ muốn đạt được khi đổi lấy quyền công dân nước ngoài là môi trường học tập đa văn hóa cho con, cũng như cơ hội giao lưu với các bậc phụ huynh nước ngoài có xuất thân danh giá".
Không phạm pháp
Trên mạng xã hội, không thiếu các bài đăng hướng dẫn chi tiết quy trình xin quốc tịch nước khác với các tiêu đề như: "Cách nhanh nhất để vào trường quốc tế". Thậm chí, việc mua quốc tịch không chỉ là cách để một số phụ huynh Hàn Quốc lấy suất học trường quốc tế cho con mà còn được dùng để trốn thuế hay trốn nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới nước này.
Theo luật sư Kim Hanna tại công ty luật Yulsaseojae, rõ ràng không có cơ sở pháp lý nào để ngăn cản mọi người mua quốc tịch nước khác.
Việc cha mẹ đổi quốc tịch để con học trường quốc tế không phạm pháp. Ảnh minh họa: Yonhap. |
“Luật quốc tịch hiện hành đảm bảo quyền tự do từ bỏ quốc tịch của một người. Nếu muốn ngăn chặn việc quốc tịch nước ngoài bị lạm dụng để trốn nghĩa vụ quân sự hoặc thuế, chính phủ sẽ phải đưa ra các biện pháp quản lý. Nhưng sẽ luôn có những người cố gắng lách luật", Kim cho biết.
Nhiều công ty tư vấn di trú quảng cáo dịch vụ nhập quốc tịch để con cái có suất học trường quốc tế cho các bậc phụ huynh cũng đang lách luật.
Cụ thể, Luật Di trú của Hàn Quốc yêu cầu các công ty dạng này phải đăng ký với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Tuy nhiên, bộ này chỉ quản lý quá trình đăng ký của các công ty mà không quản lý phương thức kinh doanh.
“Điều 10 của Luật Di trú nêu rõ các hành động bị cấm đối với các công ty tư vấn di trú, chẳng hạn như quảng cáo sai sự thật và thu phí bất hợp lý. Tuy nhiên, nếu các công ty chỉ quảng cáo dịch vụ bằng các khẩu hiệu như 'tuyển sinh trường nước ngoài' hoặc 'tiết kiệm thuế', thì việc quản lý các hoạt động này có thể gặp khó khăn”, Kim nhận xét.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nhung-nguoi-han-quoc-giau-co-tu-nguyen-bo-quoc-tich-vi-con-cai-a199272.html