Sân bay dã chiến nằm ẩn mình dưới công trình thuỷ lợi đẹp nhất nhì Việt Nam: huy động nhiều cỗ máy nặng 40 tấn, 10.000 người ngày đêm xây dựng "thần tốc", 10 năm thi công rút ngắn xuống 3 năm

Hơn 40 năm trước, hàng nghìn người đã có mặt trên mảnh đất cằn cỗi của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) để xây dựng công trình đại kỳ vĩ nhất lúc bấy giờ

Trong cuốn lịch sử ngành Giao thông Hà Tĩnh có đôi dòng về sân bay Li Bi, về những trận bom ác liệt trên tuyến tuyến đường 22 khiến nhiều TNXP, dân công hỏa tuyến và bộ đội hy sinh.

Qua nhiều tư liệu, đầu năm 1965, chỉ có 2 tuyến đường nối miền Bắc với chiến trường miền Nam chạy dọc trên đất Hà Tĩnh là quốc lộ 1 và quốc lộ 5. Để hỗ trợ hiệu quả cho 2 tuyến đường này hơn, ngành giao thông vận tải đã tổ chức lực lượng mở tuyến đường 21.

Tuyến đường chiến lược 22 được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cuối năm 1966, sau khi địch đánh phá ác liệt xuống quốc lộ 1 để ngăn chặn những đoàn xe vận tải vào Quảng Bình. Tuyến đường dài 65km, từ ngã ba Thình Thình (nay thuộc xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) đi qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), chạy qua nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình).

Trong quá trình mở đường 22, lực lượng quốc phòng đã chọn vùng Đá Bạc để xây dựng công trình quốc phòng 723 (còn gọi là sân bay dã chiến Li Bi). Hồ Kẻ Gỗ lúc bấy giờ chưa đắp đập, tích nước như bây giờ nên một phần tuyến đường 22 đi qua vùng lòng hồ.

Sân bay dã chiến Li Bi gắn với tuyến đường 22 được xác định là sân bay gần nhất để miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1972 - đầu năm 1973, sân bay cơ bản hoàn thành nhưng bị địch phát hiện rồi dùng máy bay B52 đánh phá ác liệt. Để rồi, một công trình trọng điểm, tốn bao xương máu của quân và dân ta, chưa kịp xuất kích chuyến nào thì đã bị phá tan tành bởi hàng trăm tấn bom.

Năm 1976, khi hòa bình lập lại, Nhà nước triển khai xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ nhằm phát triển nông nghiệp. Đến năm 1980 hoàn thành tất cả hạng mục chính và đi vào hoạt động chính thức vào năm 1983. Hồ Kẻ Gỗ hoàn thành và tích nước, đưa mặt trận xưa chìm vào lòng hồ

Hồ Kẻ Gỗ có chiều dài lên tới 29km, diện tích lưu vực đạt 223km2 với diện tích lòng hồ hơn 30km2. Hồ có dung tích lưu trữ lên đến 345 triệu m3, bao gồm một đập chính và 3 đập phụ.

Phương án ban đầu cho hồ Kẻ Gỗ là hoàn thành trong 10 năm, sau rút xuống còn 6 năm, rồi 3 năm. Để đáp ứng tiến độ khẩn trương của dự án, có thời điểm đã phải điều động những cỗ máy nặng từ 30-40 tấn vào công trường, xây dựng 30.000m3 sỏi đã được huy động để phục vụ cho việc xây lắp.

Sân bay dã chiến nằm ẩn mình dưới công trình thuỷ lợi đẹp nhất nhì Việt Nam: huy động nhiều cỗ máy nặng 40 tấn, 10.000 người ngày đêm xây dựng "thần tốc", 10 năm thi công rút ngắn xuống 3 năm- Ảnh 1.

Dưới lòng hồ là chi chít những hố bom, vết tích của đường 22 và sân bay Li Bi

Trên công trường, thường xuyên có khoảng 10.000 đội viên thủy lợi làm việc liên tục, cùng với hàng chục nghìn lượt người từ các hợp tác xã, khu phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học, quân đội được huy động đột xuất. 

Để đảm bảo công trình đạt tiến độ trong 3 năm, việc huy động nhân lực tính theo từng địa phương, từng hợp tác xã. Mỗi thanh niên tham gia đóng góp ít nhất 30 ngày công trong một năm. Từng đoàn xe tải chở người đổ bộ xuống dọc các cánh rừng, con sông. 

Ngày 3/2/1979, hồ Kẻ Gỗ làm lễ mở nước đợt đầu. Hàng nghìn nông dân ở hai huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà bất chấp mưa phùn, giá rét kéo nhau ra hai bên bờ kênh để đón dòng nước ngọt tươi mát sau bao ngày mong đợi. Việc hoàn thành công trình đại thủy nông trong 3 năm được coi là một kỳ tích.

Hồ Kẻ Gỗ thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong khu vực. Hồ cung cấp nước tưới cho 21.136ha đất canh tác tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà...., đồng thời giúp chống lũ quét và xói mòn cho vùng hạ du. Bên cạnh đó, hồ còn cung cấp nước tưới với lưu lượng 1,6m3/s và phát điện với công suất lắp máy 2,3MW.

Không thể phủ nhận, sự ra đời của hồ Kẻ Gỗ không chỉ mang lại lợi ích thiết thực về mặt kinh tế và công nghiệp mà còn góp phần quan trọng trong việc cải tạo môi trường sinh thái và nâng cao vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên của một vùng rộng lớn.

Năm 2005, khi nước hồ xuống thấp, một số người đánh cá đã phát hiện dấu tích các ngôi mộ, hàng trăm hố bom lớn nhỏ, minh chứng cho sự tàn khốc của những trận oanh tạc năm xưa.

Ngày nay, hồ Kẻ Gỗ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong khu vực mà còn trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách từ nhiều nơi. Đến nơi này, du khách không chỉ được đắm chìm trong bầu không khí trong lành, mát mẻ mà còn có thể được lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng về một sân bay giã chiến đặc biệt. 

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/san-bay-da-chien-nam-an-minh-duoi-cong-trinh-thuy-loi-dep-nhat-nhi-viet-nam-huy-dong-nhieu-co-may-nang-40-tan-10000-nguoi-ngay-dem-xay-dung-than-toc-10-nam-thi-cong-rut-ngan-xuong-3-nam-a199483.html