Gói bảo hiểm cổ xúy 'tăng ca đến chết' gây phẫn nộ ở Trung Quốc

Gói bảo hiểm "996" của một công ty hàng đầu đã nhanh chóng gây ra sự chỉ trích rộng rãi trên mạng xã hội khi dường như khích lệ văn hóa "tăng ca đến chết" tại Trung Quốc.

Gói bảo hiểm gây bức xúc với quảng cáo ủng hộ văn hóa tăng ca độc hại. Ảnh: SCMP.

Quảng cáo về gói dịch vụ có tên "Bảo hiểm chăm chỉ không lo lắng 996" do China Pingan Insurance - một công ty bảo hiểm hàng đầu - phát hành đã lan truyền và gây phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc, theo Xiaoxiang Morning Herald.

"Đừng sợ làm thêm giờ. Hãy mua bảo hiểm thức khuya để cổ vũ cho giấc mơ của bạn", khẩu hiệu viết.

Giữa quảng cáo là ảnh biếm họa mô tả một người đàn ông đang làm việc trên máy tính, bên ngoài cửa sổ là bầu trời đêm và đồng hồ treo tường hiển thị thời gian đã quá 22h.

Văn hóa "996" - làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần - là vấn đề gây nhức nhối tại đất nước tỷ dân, đặc biệt sau nhiều vụ người lao động đột tử vì làm việc quá sức.

Tòa án Tối cao Trung Quốc cùng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội đã nêu rõ việc sắp xếp làm thêm giờ này là bất hợp pháp vào năm 2021, nhưng nó vẫn là một thông lệ phổ biến trong các doanh nghiệp công nghệ và công ty khởi nghiệp, nơi người lao động được khuyến khích hoặc bị ép buộc phải kéo dài giờ làm việc.

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ tham gia phong trào tẩy chay văn hóa tăng ca khốc liệt, vốn bị công chúng và phương tiện truyền thông dán nhãn là hệ thống "độc hại" hoặc "hút máu".

Bởi vậy, gói bảo hiểm "996" đã nhanh chóng gây ra sự chỉ trích rộng rãi trên mạng xã hội khi dường như khích lệ văn hóa "tăng ca đến chết".

van hoa 996 anh 1

Gói bảo hiểm ủng hộ hành vi ép tăng ca đã bị cấm khiến dư luận Trung Quốc tức giận. Ảnh: SCMP.

Theo tài liệu quảng cáo, người mua cần phải trả ít nhất 18 nhân dân tệ (2,5 USD) mỗi năm để nhận được quyền lợi bảo hiểm lên tới 600.000 nhân dân tệ (83.000 USD) cho nhiều tình huống liên quan đến tử vong hoặc tai nạn đột ngột do tăng ca.

Một đại lý bảo hiểm giấu tên lưu ý rằng phạm vi bảo hiểm tử vong và tai nạn đột ngột trong chính sách này là phổ biến trong các sản phẩm khác.

“Tuy nhiên, vấn đề của gói bảo hiểm này là cách quảng cáo của nó gây khó chịu cho khách hàng. Nó đặt hệ thống làm thêm giờ vô lý, như 996, vào trung tâm của tiếp thị, điều này có xu hướng khiến công chúng cảm thấy tức giận", đại lý này nói.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, người dùng bày tỏ sự phẫn nộ trước quảng cáo bảo hiểm này.

"Sản phẩm bảo hiểm này sẽ chỉ làm gia tăng sự cạnh tranh tại nơi làm việc. Người lao động không phải là công cụ kiếm tiền. Người sử dụng lao động nên tập trung vào việc cải thiện môi trường làm việc và tăng lương cho người lao động, thay vì chuyển rủi ro cho công ty bảo hiểm", một người quan sát trực tuyến bình luận.

Một cá nhân khác nhận xét: "Hệ thống làm thêm giờ 996 là bất hợp pháp. Chính sách bảo hiểm này ủng hộ một hành vi bất hợp pháp. Tôi sốc đến không nói nên lời".

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/goi-bao-hiem-co-xuy-tang-ca-den-chet-gay-phan-no-o-trung-quoc-a200650.html