Quán cà phê ở TP.HCM dẹp bớt quy định để chiều lòng khách 'sống ảo'

Nhiều quán cà phê ở TP.HCM dẹp bớt các quy định dành cho khách “sống ảo” và gặp áp lực liên tục thay đổi trang trí không gian để hút khách trong dịp cuối năm 2024.

14h ngày đầu tuần và trời đang chuyển mưa, Khánh Linh (21 tuổi, quận Bình Thạnh) chạy vội vào quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng. Lúc này, quán có hơn 30 khách và lượng người lui tới tăng dần đến chiều tối.

Sau khi gọi đồ uống, cô đi ngay vào nhà vệ sinh của quán nước để thay bộ đồng phục thể dục thành chiếc váy trắng. Tương tự, nhiều khách cũng vào quán cà phê rồi tập trung ở các khu vực trang trí theo chủ đề Giáng sinh.

Những chiếc ghế hiếm có ai ngồi. Trên bàn, nhiều ly nước còn đầy ắp, có ly còn chưa được đụng đến. Bởi lẽ, khách đến đây đa phần để chụp hình “sống ảo” trong không gian quán trang hoàng lộng lẫy.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chủ quán cho biết lượng khách đông nhất vào buổi tối và ngày cuối tuần, ngày đỉnh điểm lên đến gần 400 khách. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở nhiều quán cà phê nổi tiếng nhờ trang trí đẹp ở TP.HCM. Trang hoàng quán theo chủ đề trong năm là cách để những nơi này thu hút khách. Song, điều này cũng gây không ít áp lực, buộc quán phải đầu tư, thay đổi liên tục.

ca phe check-in cuoi nam anh 1

Tiệm Trà Tháng Tư trang trí quán theo chủ đề Giáng sinh từ giữa tháng 9. Ảnh: Đức An.

Dẹp bớt quy định “sống ảo”

Cuối năm 2023, khi bước chân vào Tiệm Trà Tháng Tư trên đường Nhất Chi Mai của quận Tân Bình (thời gian này chi nhánh vẫn hoạt động), khách dễ thấy tấm biển ghi rõ quy định cho khách đến “sống ảo”. Các quy định có thể kể đến là không mang giày vào khu vực chụp ảnh, không chụp ảnh thương mại, không di chuyển đồ nội thất quán…

“Nếu khách vi phạm lần một sẽ được nhân viên nhắc nhở nhưng lần thứ hai trở đi, quán sẽ từ chối phục vụ”, quản lý quán chia sẻ trong thời điểm đó.

Hiện tại, Tiệm Trà Tháng Tư chỉ còn một chi nhánh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở quận 1. Quán vẫn giữ phong cách rực rỡ, thu hút nhiều khách đến chụp hình. Tuy nhiên, các quy định được đề ra vào năm ngoái nay đã biến mất.

Đại diện quán cho biết: “Quán mình dễ chịu và luôn tạo điều kiện để khách chụp ảnh check-in, không có quy định nghiêm ngặt. Chỉ những hành động thái quá thì nhân viên mới nhắc nhở để tránh tổn thất và ảnh hưởng đến người xung quanh”.

Trong khi đó, Daisy coffee (đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh) vẫn giữ các quy định đối với khách sống ảo. Tuy nhiên, năm nay quán có thêm khu vực thay đồ dành riêng cho khách muốn đến check-in. Với những khách không chụp ảnh thương mại, quán hỗ trợ khách thay 1 bộ quần áo và phụ thu 250.000 đồng/giờ với bộ đồ thứ hai.

Có thêm nhiều khu vực “sống ảo” lộng lẫy, lượng khách đến Daisy coffee trong mùa cuối năm này tăng gấp đôi so với thường ngày. Trong ngày cuối tuần, khách đến quán có khi lên đến 300-400 người, theo chia sẻ của chị Thu Thủy - chủ quán.

Tại Tiệm trà Mùa Hoa Nở trên đường 3 tháng 2 (quận 10), khách đến chụp ảnh càng thoải mái vì không có quy định nào được đặt ra. Quán cũng được chia làm hai khu vực làm việc - học tập và chụp ảnh để khách “sống ảo” không ảnh hưởng người khác.

“Ngay từ đầu chúng mình đã lưu ý trang trí những góc chụp ảnh cách xa khu học tập - làm việc. Quán có nhiều tầng và mỗi tầng đều có nhà vệ sinh riêng nên các bạn cũng thoải mái thay đồ, trang điểm”, Thanh Phong, đại diện Mùa Hoa Nở, cho biết.

Theo ghi nhận, nhiều quán cà phê ở TP.HCM có quy định thu phí 250.000-300.000 đồng/giờ đối với ảnh thương mại. Ít có quán cấm khách trang điểm trong quán hay giới hạn số lần thay trang phục.

“Đổi concept như chạy deadline”

Trước đây, Daisy coffee có tên khác là Jeju Coffee. Quán được trang trí như “đảo Jeju Hàn Quốc” với nhiều cây xanh, gần gũi với thiên nhiên. Đến năm 2023, quán đổi trang trí thành hoa cỏ, đổi tên thành Daisy coffee. Mọi chi tiết được thay mới, từ bàn ghế cho đến màu sơn tường.

“Việc đổi concept (Tạm dịch: chủ đề - PV) giúp quán có một hình ảnh hoàn toàn mới và thu hút khách đến check-in. Miễn là khách thấy concept đẹp và thu hút thì họ sẽ đến để check-in, dù quán ở xa, không có mặt tiền hay ở gần trung tâm”, chị Thủy cho hay.

Cứ 1-2 năm, Daisy coffee đổi trang trí tổng thể một lần. Và trong năm, quán sẽ đổi những chủ đề theo mùa 4 lần, bao gồm các dịp Tết, Trung Thu, mùa hè, Giáng sinh. Mỗi lần đổi concept nhỏ, chủ quán sẽ chi khoảng 60 triệu đồng cho đồ trang trí.

Tuy nhiên, thay đổi liên tục cũng gây áp lực cho quán cà phê. Theo chị Thủy, Daisy coffee sẽ đổi từ trang trí Giáng sinh sang Tết Nguyên đán trong ngày 25/12, 1 ngày sau Giáng sinh. “Chúng tôi áp lực đổi concept như chạy deadline. Nếu cứ giữ nguyên thì khó hút khách”, chị chia sẻ.

Còn ở Tiệm trà Mùa Hoa Nở, đại diện quán cho biết họ cố gắng trang trí thủ công để tiết kiệm. Song, chi phí luôn rơi vào khoảng 30 triệu đồng/lần. “Quán sẽ thay đổi từ từ để khách quay lại không thấy choáng ngợp. Khu chụp ảnh sẽ hoàn tất trước dịp lễ hội 1-2 tuần”, đại diện quán cho hay.

ca phe check-in cuoi nam anh 6

Một góc nhỏ trang trí theo chủ đề Giáng sinh ở Tiệm trà Mùa Hoa Nở, quán chi khoảng 30 triệu đồng/lần. Ảnh: NVCC.

Nhiều quán cà phê ở TP.HCM trang trí Giáng sinh 2024 từ giữa tháng 9 để thu hút khách đến check-in. Các quán cà phê trả lời phỏng vấn Tri Thức - Znews cho biết đã lên ý tưởng cho dịp Tết sắp đến.

Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 của iPos, năm 2024 được xem là "cuộc đại thanh lọc” của thị trường F&B Việt. Có hơn 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa trong nửa đầu năm. TP.HCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề khi giảm tới 5,79% số lượng cửa hàng.

Báo cáo của iPos ghi nhận mức chi cho việc “đi cà phê” của người Việt giảm mạnh trong 6 tháng và tần suất cũng giảm đáng kể. 41,7% người được hỏi cho biết chỉ “thỉnh thoảng đi cà phê” và 32,3% cho biết chỉ đi cà phê 1-2 lần/tuần. Điều này đòi hỏi chủ các quán cà phê ở TP.HCM phải liên tục đổi mới sản phẩm, bắt kịp xu hướng để duy trì khách hàng trong bối cảnh ngành F&B gặp nhiều khó khăn.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/quan-ca-phe-o-tphcm-dep-bot-quy-dinh-de-chieu-long-khach-song-ao-a201035.html