Mời khách trả 63 nghìn đồng/năm để được hưởng 2 tỷ đồng nếu đột quỵ vì tăng ca, 1 công ty bảo hiểm Trung Quốc bị chỉ trích

“Đừng sợ làm thêm giờ. Hãy mua bảo hiểm thức khuya để cổ vũ cho giấc mơ của bạn”, công ty bảo hiểm giới thiệu kèm hình ảnh 1 người làm việc bên chiếc máy tính khi đồng hồ đã chỉ quá 10h đêm.

Sản phẩm mới của công ty bảo hiểm China Pingan Insurandce, có tên “Bảo hiểm chăm chỉ không lo lắng 996” đang bị dư luận chỉ trích dữ dội vì cổ xúy văn hóa làm việc đến kiệt sức.

“Đừng sợ làm thêm giờ. Hãy mua bảo hiểm thức khuya để cổ vũ cho giấc mơ của bạn”, công ty bảo hiểm giới thiệu kèm hình ảnh người đàn ông làm việc bên chiếc máy tính khi đồng hồ đã chỉ quá 10h đêm.

Theo tài liệu quảng cáo, khách hàng cần trả ít nhất 18 tệ (63.000 đồng) mỗi năm để được hưởng quyền lợi bảo hiểm lên đến 600.000 tệ (khoảng 2 tỷ đồng) cho các tình huống liên quan đến đột tử hoặc tai nạn do tăng ca. Một đại lý bảo hiểm giấu tên lưu ý rằng những bảo hiểm tử vong hoặc tai nạn đột ngột rất phổ biến, song cách quảng cáo lại đang gây khó chịu cho khách đặt hàng.

Văn hóa 996 là cách gọi tắt của lịch làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần. Đây đã trở thành vấn nạn nhức nhối tại Trung Quốc, sau rất nhiều vụ người lao động đột tử. Tòa án Tối cao Trung Quốc cùng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội đã tuyên việc ép nhân viên phải làm thêm giờ là bất hợp pháp, song hoạt động này vẫn phổ biến trong các doanh nghiệp công nghệ và startup.

Trước đó, công ty thương mại điện tử Pinduoduo từng gây chấn động dư luận sau cái chết của 2 nhân viên, được cho là vì làm việc quá sức. Trong đó, 1 nhân viên đổ gục và chết ngay tại văn phòng vào lúc 1h30 phút sáng. Hai tuần sau, một nhân viên khác chết vì tự tử. Nguyên nhân được cho là vì bị công ty bắt ép làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày.

Một người bình luận: “Thật đau lòng khi chứng kiến điều này. Làm việc như thế thực sự là đánh đổi mạng sống để lấy tiền. Cái giá phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật của các công ty là quá thấp. Có vẻ như luật lao động chỉ tồn tại để hạn chế người lao động”.

Nỗi sợ văn hoá ‘làm việc đến chết’ tại Trung Quốc đang khiến nhiều người trẻ nản lòng. Họ sẵn sàng từ bỏ mức lương này để sống một cuộc sống an nhàn và cân bằng hơn.

Yvonne Yang là một trong số những người trẻ ưu tiên hạnh phúc hơn tiền bạc. Cô 22 tuổi, là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ngôi trường đại học hàng đầu Hong Kong (Trung Quốc.

“Tôi từng suy nghĩ về việc trở thành một nhà điêu khắc. Đúng như dự đoán, cha mẹ, người đã trả học phí cho tôi, phản đối kịch liệt. Tôi cảm thấy mệt mỏi với sự cạnh tranh bất tận đó. Tôi muốn sống cuộc sống cho riêng mình”, cô chia sẻ

Trước đó, Jiang Shengnan, nhà văn nổi tiếng kiêm thành viên Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), cũng đề xuất một hệ thống làm việc toàn diện và khả thi để đảm bảo người lao động một ngày chỉ cần làm việc 8 tiếng. Điều này vốn đã có trong luật lao động nhưng bị một số công ty “ngó lơ”.

“Con người không phải máy móc. Làm việc chăm chỉ và ngủ ngon hơn sẽ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”, bà nói.

Theo: SCMP, The Sixth Tone

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/moi-khach-tra-63-nghin-dongnam-de-duoc-huong-2-ty-dong-neu-dot-quy-vi-tang-ca-1-cong-ty-bao-hiem-trung-quoc-bi-chi-trich-a201063.html