Chuyên gia kêu gọi đẩy nhanh việc sản xuất xe điện giá hợp lý, tăng cơ hội tiếp cận cho người thu nhập không cao

Các giải pháp như điện hóa giao thông, phát triển hạ tầng xe điện, xây dựng trạm sạc và tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp tiếp cận với xe điện đã được đề xuất tại toạ đàm "Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới" diễn ra sáng ngày 5/12 tại Hà Nội.

Chuyên gia kêu gọi đẩy nhanh việc sản xuất xe điện giá hợp lý, tăng cơ hội tiếp cận cho người thu nhập không cao- Ảnh 1.

GS. Daniel Kammen, từ Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) cho hay, xe điện đang dần thay thế phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu

Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn khi mật độ dân số đô thị ngày càng cao và quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng.

Mới đây, toạ đàm "Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới" đã được tổ chức trong chuỗi tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu.

PGS. Hồ Quốc Bằng, Viện trưởng Viện phát triển năng lực lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm Không khí và Biến đổi Khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (APAC, TPHCM) dẫn kết quả nghiên cứu của ông với cộng sự cho thấy, giao thông được xác định là nguồn phát thải lớn nhất tại Hà Nội và TPHCM.

Tại Hà Nội, với dân số khoảng 8,5 triệu người và hơn 6 triệu xe máy cùng 690.000 ô tô, nguồn phát thải từ giao thông chiếm 87% NOx, 92% CO, 57% SO 2 , 86% NMVOC, 96% CH4 và 74% bụi mịn PM2.5. Các hoạt động công nghiệp đóng góp 39% SO 2 trong tổng lượng phát thải của Hà Nội.

Tương tự, tại TPHCM, với dân số hơn 9 triệu người và 7,4 triệu xe máy, phát thải từ giao thông chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là CO (97,8%), bụi mịn PM2.5 (18%) và NOx.

Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là mối nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê mà GS. Yafang Cheng từ Viện Nghiên cứu hóa học Max Planck (Đức) đưa ra, số người tử vong vì ô nhiễm không khí hàng năm cao hơn nhiều so với số người chết vì đại dịch Covid-19.

Cụ thể, như trong năm 2019, có đến 9 triệu người tử vong ở độ tuổi trẻ do các bệnh liên quan đến không khí ô nhiễm, trong khi tổng số người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu là 7 triệu. Điều này phản ánh mức độ nghiêm trọng của vấn đề và sự cấp thiết trong việc tìm kiếm giải pháp.

Aerosol, những hạt siêu mịn trong không khí, là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Các hạt này xuất hiện nhiều hơn vào mùa đông khi không khí lạnh làm chúng bị mắc kẹt ở tầng thấp của tầng đối lưu và không thể phát tán. Tại Việt Nam, hiện tượng này thường được gọi là “mù quang hóa”, và càng trở nên tồi tệ hơn do thói quen đốt rơm rạ của người dân và sự gia tăng của các nguồn phát thải từ giao thông và sản xuất công nghiệp.

Các giải pháp được đề xuất tại toạ đàm không chỉ dừng lại ở việc điện hóa giao thông mà còn mở rộng tới việc phát triển hạ tầng xe điện, xây dựng trạm sạc và tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp tiếp cận với xe điện.

Chuyên gia kêu gọi đẩy nhanh việc sản xuất xe điện giá hợp lý, tăng cơ hội tiếp cận cho người thu nhập không cao- Ảnh 2.

Toàn cảnh tọa đàm

GS. Daniel Kammen, từ Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) cho hay, xe điện đang dần thay thế phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi hiện tại vẫn chưa đạt mức kỳ vọng.

GS. Daniel Kammen dẫn chứng tại bang California (Mỹ) đặt mục tiêu đến năm 2030 ngừng bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng hạ tầng trạm sạc cho xe điện rộng khắp.

Ngoài ra, vị giáo sư này cũng khuyến nghị cần đổi mới công nghệ lưu trữ năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và có chi phí thấp như pin sodium để cung cấp nguồn điện sạch liên tục cho phương tiện giao thông.

GS. Daniel Kammen từ Đại học California, Berkeley (Mỹ) cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, VinFast trong nỗ lực sản xuất xe điện cũng như tích hợp việc sử dụng xe điện với phương tiện giao thông công cộng.

Một giải pháp khác được đề cập là việc thiết lập các chính sách về thuế khí thải hoặc thuế ô nhiễm, như đã được PGS. Hồ Quốc Bằng từ Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (APAC) gợi ý. Việt Nam chưa có các loại thuế này nhưng có thể xem xét chúng trong tương lai để có thêm công cụ bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

GS. Susan Solomon từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ) chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm không khí của Mỹ từ những năm 1970. Đạo luật không khí sạch (Clean Air Act) đã yêu cầu các công ty vận tải thay thế xe cũ, áp dụng các tiêu chuẩn phát thải khắt khe hơn và khuyến khích sử dụng xe chạy năng lượng sạch.

GS. Solomon nhấn mạnh rằng sẽ không có cây "đũa thần" nào để giải quyết vấn đề ngay lập tức. Ông nhấn mạnh việc cần cải thiện chất lượng không khí thông qua việc kêu gọi sự hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các quốc gia. Sự hợp tác này không chỉ giúp nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm không khí mà còn đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, nhằm giải quyết tình trạng này một cách hiệu quả hơn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/chuyen-gia-keu-goi-day-nhanh-viec-san-xuat-xe-dien-gia-hop-ly-tang-co-hoi-tiep-can-cho-nguoi-thu-nhap-khong-cao-a201107.html