Hành trình số hóa nông thôn mới ở Đồng Nai

Từ những mô hình thí điểm, tỉnh đã và đang nhân rộng các sáng kiến, hướng tới xây dựng nông thôn mới ở những vùng quê thông minh, hiện đại và bền vững.

Hành trình số hóa nông thôn mới ở Đồng Nai - Ảnh 1.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc trái cây tại chương trình trưng bày, xúc tiến tiêu thụ trái cây tại thành phố Long Khánh - Ảnh: Thảo Nguyên

Hình thành các vùng nông thôn thông minh

Thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai thí điểm mô hình nông thôn thông minh tại 3 xã: Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), Long Phước (huyện Long Thành) và Xuân Định (huyện Xuân Lộc). Các xã này tập trung xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quản lý hành chính và dịch vụ công.

Cụ thể, thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và xử lý trên hệ thống một cửa điện tử, đảm bảo kết quả đúng hạn. Hệ thống camera an ninh được lắp đặt để giám sát giao thông, an ninh trật tự tại các điểm quan trọng. Các xã còn triển khai hội nghị truyền hình kết nối từ cấp xã đến Chính phủ và tích cực đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Gọi nhấn mạnh: "Mô hình nông thôn mới thông minh không chỉ giúp người dân tiếp cận công nghệ số mà còn cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao chất lượng đời sống".

Một điển hình thành công là xã Bình Lợi. Tại đây, các dịch vụ giáo dục thông minh được triển khai, sử dụng công nghệ trong quản lý và giảng dạy. Bên cạnh đó, xã còn đẩy mạnh thương mại điện tử, đưa các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) lên các sàn thương mại điện tử.

Tại các xã vùng sâu như Xuân Hòa, Xuân Thành (huyện Xuân Lộc), tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở các ấp, gồm các đoàn viên thanh niên giỏi công nghệ, hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm thanh toán điện tử và các ứng dụng tiện ích khác. Tỉ lệ văn bản ký số tại các xã này đạt 100%, tỉ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn trên 98%, góp phần tăng cường kỷ luật hành chính và hiệu quả quản lý.

Chuyển đổi số là chìa khóa phát triển bền vững

Chuyển đổi số không chỉ mang lại hiệu quả trong quản lý mà còn tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế nông thôn. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và kinh doanh.

Chẳng hạn, HTX Phước Linh tại huyện Long Thành không chỉ áp dụng công nghệ trong trồng trọt mà còn đầu tư dây chuyền chế biến dược liệu ngay tại vùng nguyên liệu. 

Các sản phẩm OCOP từ cây hà thủ ô như trà, bột và cao dược liệu được bán trên các nền tảng thương mại điện tử, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.

Huyện Xuân Lộc cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn thông minh. Mỗi xã có ít nhất 2 ấp thông minh theo các tiêu chí của tỉnh. 

Đây sẽ là tiền đề để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết chuỗi giá trị và đưa nông sản địa phương tiếp cận thị trường quốc tế.

Từ những kết quả tích cực, Đồng Nai đang tiếp tục nhân rộng mô hình nông thôn thông minh ra toàn tỉnh. 

Sự kết hợp hài hòa giữa chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới không chỉ nâng cao chất lượng đời sống cho người dân mà còn tạo ra một môi trường sống bền vững, hiện đại.

Đồng Nai, một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Hành trình số hóa nông thôn mới ở Đồng Nai - Ảnh 2.Xây dựng vùng trồng và chế biến hà thủ ô ở Đồng Nai

Hà thủ ô, loại dược liệu thường sinh trưởng tốt ở vùng cao phía Bắc, nay đã được di thực và phát triển thành công tại Đồng Nai, đánh dấu bước tiến trong việc xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao ở đây.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/hanh-trinh-so-hoa-nong-thon-moi-o-dong-nai-a202487.html