Tại buổi hội thảo khoa học "Già hóa dân số và chính sách thích ứng với già hóa dân số tại TP.HCM" do Sở Y tế TP.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức vào ngày 11-12, các chuyên gia cho rằng dân số "chưa giàu đã già" đang là vấn đề cấp bách và cần ưu tiên giải quyết.
Gánh nặng bệnh tật, tài chính ở người cao tuổi
Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011 khi tỉ lệ người trên 60 tuổi đạt 10%, và tỉ lệ này đã đạt 12,8% vào năm 2021, với tốc độ gia tăng nhanh chóng. Dự báo Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.
PGS Nguyễn Văn Tân, trưởng bộ môn lão khoa, khoa y Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho hay già hóa dân số tại Việt Nam bắt đầu diễn ra cách đây 10 năm, hiện người cao tuổi ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình tăng nhanh từ 65,5 tuổi năm 1994 lên 79,2 tuổi vào năm 2023, vượt qua nhiều quốc gia khác. Đáng nói mặc dù có tốc độ già hóa nhanh nhưng thu nhập bình quân đầu người lại thấp dưới 10.000 USD.
Khi tuổi thọ tăng sẽ dẫn đến nhu cầu chăm sóc càng lớn, thu nhập thấp sẽ không có đủ tiền để chăm sóc cho người cao tuổi. Ngoài ra, người cao tuổi tại Việt Nam trung bình phải sống chung với 14 năm bệnh tật và 2,69 bệnh như tim mạch, rối loạn chuyển hóa nhưng tỉ lệ nhận được lương hưu hiện lại dưới 30%.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm là mô hình bệnh tật đã chuyển dịch từ các bệnh nhiễm trùng sang bệnh không lây nhiễm mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các rối loạn tâm thần.
Những bệnh lý này không chỉ gây suy giảm chức năng mà còn làm tăng nguy cơ tàn tật, điển hình như mất thị lực, mất thính lực và đau mạn tính, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người cao tuổi.
Nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị kéo dài và chi phí lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn về tài chính. Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhóm dân số này cao gấp 7-8 lần so với trẻ em, tạo ra gánh nặng tài chính đáng kể, đặc biệt ở các hộ gia đình có ít thành viên hoặc sống ở vùng sâu, vùng xa.
Theo bác sĩ Tân, hiện nay dù BHYT đã được triển khai rộng rãi, nhưng theo nghiên cứu, chưa thực sự giảm thiểu đáng kể gánh nặng tài chính trong chăm sóc sức khỏe. Điều này có thể xuất phát từ mức độ chi trả bảo hiểm còn hạn chế hoặc thiếu dịch vụ y tế phù hợp.
"Điển hình như với chi phí điều trị kỹ thuật cao nhưng BHYT không chi trả, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nhập viện có BHYT phải đặt stent mạch vành nhưng BHYT không chi trả mà người bệnh phải trả.
Như vậy đối với kỹ thuật cao rất tốn kém với người bệnh hoặc như nhiều người muốn được khám nhanh phải chọn bệnh viện ngoài công lập, như vậy càng thêm gánh nặng tài chính cho người bệnh và gia đình người bệnh", bác sĩ Tân nói.
Đặt người cao tuổi ở vị trí trung tâm
ThS Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho hay xu hướng già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra với tốc độ nhanh trong khi thu nhập bình quân đầu người của nước ta còn ở mức thấp, vì thế cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách dành cho người cao tuổi.
Đồng thời phải duy trì được mức sinh hợp lý để có cơ cấu dân số hợp lý nhằm đảm bảo nguồn lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hạn chế được tốc độ già hóa dân số quá nhanh.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch phải thích ứng với già hóa dân số, quy hoạch dành cho các viện dưỡng lão hay các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Muốn vậy, cần có cơ chế chính sách về thuế, giao đất huy động tư nhân, các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ nhà dưỡng lão cho người cao tuổi, phân theo phân khúc và loại hình dịch vụ.
Theo ông Chánh Trung, một trong những vấn đề quan trọng tiếp theo là củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở trong việc thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc y tế cho người cao tuổi theo định hướng ưu tiên, thuận tiện, sẵn có và dễ tiếp cận.
Tập trung triển khai chương trình khám sức khỏe tổng quát định kỳ hằng năm dành cho người cao tuổi, kết hợp với việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử đối với tất cả người cao tuổi.
Hình thành mạng lưới tình nguyện viên, cộng tác viên tham gia hoạt động theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên chăm sóc người cao tuổi.
Việt Nam học được gì từ mô hình các nước?
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Toàn Thắng, trưởng bộ môn công tác xã hội Học viện Cán bộ TP.HCM, chia sẻ trên thế giới có nhiều quốc gia đã phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi tiên tiến, đạt hiệu quả cao và có thể áp dụng tại Việt Nam.
Điển hình như Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỉ lệ người cao tuổi cao nhất trên thế giới. Họ đã xây dựng thành công nền công nghiệp dành cho người cao tuổi với khái niệm "kinh tế bạc", trong đó có nhiều trung tâm dịch vụ cho người cao tuổi, nghiên cứu phát triển sản phẩm dành riêng cho người già...
Khuyến khích các hình thức chăm sóc tại cộng đồng, nơi người cao tuổi có thể tham gia vào các hoạt động tập thể, duy trì kết nối xã hội và nhận hỗ trợ từ tình nguyện viên. Mô hình này không chỉ giảm bớt áp lực cho hệ thống chăm sóc y tế mà còn giúp họ sống độc lập và tăng cường sức khỏe tinh thần.
Hiện nay nhiều người cao tuổi đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, có đủ kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm. Do đó cần "tận dụng" lực lượng lao động này, giúp họ trở thành đội ngũ cộng tác viên cho các đơn vị, cơ quan trong khu vực nhà nước và tư nhân.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nguoi-dan-viet-nam-chua-giau-da-gia-a202534.html