Bộ Chính trị Trung Quốc lần đầu nhắc một cụm từ sau 13 năm, chứng khoán lập tức "quay đầu" tăng vọt

Trên Sàn giao dịch Hồng Kông, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã tăng vọt vào cuối phiên giao dịch hôm 9/12.

Tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đưa tin, vào ngày 9/12, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức hội nghị phân tích nghiên cứu công tác kinh tế năm 2025.

Thông cáo đưa ra sau hội nghị chỉ ra rằng Trung Quốc "cần thực hiện chính sách tài khóa tích cực hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải; làm phong phú và cải thiện bộ công cụ chính sách; tăng cường điều tiết không theo chu kỳ; tạo ra 'cú đấm kết hợp' về chính sách; nâng cao tầm nhìn, tính phù hợp và hiệu quả của kiểm soát vĩ mô".

Bộ Chính trị Trung Quốc lần đầu nhắc một cụm từ sau 13 năm, chứng khoán lập tức "quay đầu" tăng vọt- Ảnh 1.

Người dân đi ngang qua màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng và giá cổ phiếu bên ngoài Sàn Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, Trung Quốc vào ngày 23/1/2024. Ảnh: Reuters

Theo trang MarketWatch (Mỹ), ngay sau khi có thông cáo từ Bắc Kinh cam kết sẽ hành động để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó của nước này, trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã tăng vọt vào cuối phiên giao dịch hôm 9/12.

Mặc dù từng giảm 0,9% vào đầu phiên, chỉ số Hang Seng (HIS) đã tăng tới 2,8% khi kết thúc phiên giao dịch.

Cổ phiếu của các công ty Jingdong và Alibaba được niêm yết trên sàn Hồng Kông đã góp phần vào một đợt tăng giá trên diện rộng của thị trường.

Hợp đồng tương lai dầu thô CL00 cũng mở rộng mức tăng sau thông cáo trên.

Theo Nhân dân Nhật báo, điều đáng chú ý trong thông cáo ngày 9/12 là cụm từ được cơ quan ra quyết định cao nhất của Trung Quốc sử dụng để nói về chính sách tiền tệ đã chuyển từ “ổn định” sang “nới lỏng vừa phải”. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên trong ngôn từ về chính sách tiền tệ của Trung Quốc kể từ năm 2011, tức là đã cách đây 13 năm.

Những chuyên gia trong ngành tài chính nhận định rằng, thông cáo này của Bộ Chính trị Trung Quốc nhằm truyền đạt các xu hướng chính sách tích cực và đầy hứa hẹn một cách rõ ràng hơn, góp phần củng cố lòng tin của các chủ thể đang hoạt động trong ngành.

Nhà kinh tế trưởng, giám đốc Viện Nghiên cứu Chứng khoán Quảng Đông (Trung Quốc) La Chí Hằng cho biết, vào nửa cuối năm 2008, nước này bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” kéo dài đến quý 4 năm 2010, trước khi diễn đạt chính sách được điều chỉnh thành “ổn định”. Trong giai đoạn "nới lỏng", ngân hàng trung ương của Trung Quốc liên tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất cho vay cơ bản.

Theo ông La, sự thay đổi diễn đạt của Bộ Chính trị Trung Quốc có nghĩa là chính sách tiền tệ trong năm 2025 của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát huy vai trò duy trì sự ổn định thanh khoản và giảm chi phí tài chính của nền kinh tế thực.

Nhà kinh tế trưởng Quách Lỗi của Công ty chứng khoán GF Securities (Trung Quốc) tin rằng "thực hiện chính sách tài khóa tích cực hơn và chính sách tiền tệ lỏng lẻo vừa phải" và "tăng cường điều tiết không theo chu kỳ" là sự kết hợp hoàn toàn mới của các công thức chính sách.

Nhà kinh tế trưởng Triệu Vĩ của Công ty chứng khoán Shenwan Hongyuan Securities (Trung Quốc) nói với Nhân dân Nhật báo rằng, với cụm từ "nới lỏng vừa phải", chính sách tiền tệ sẽ tập trung nhiều hơn đến cân bằng nội bộ, và dự kiến sẽ cắt giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc và lãi suất cho vay.

Bộ Chính trị Trung Quốc lần đầu nhắc một cụm từ sau 13 năm, chứng khoán lập tức "quay đầu" tăng vọt- Ảnh 2.

Giao dịch giảm giữa các nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc chứng tỏ rằng thị trường bất động sản tại nước này vẫn chưa chạm đáy. Ảnh: Reuters

Nhà phân tích chính sách trưởng Vu Tường tại công ty chứng khoán CITIC Securities (Trung Quốc) cho biết, tuyên bố về chính sách tiền tệ "nới lỏng vừa phải" không chỉ giới hạn ở việc cắt giảm dự trữ và lãi suất, mà còn hỗ trợ thị trường trong dài hạn.

Theo Wall Street Journal (Mỹ), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã cho thấy một số dấu hiệu ổn định trong những tháng gần đây khi Bắc Kinh tung ra một loạt các biện pháp kích thích tăng trưởng bao gồm tăng thanh khoản, cắt giảm lãi suất và nới lỏng quy định mua nhà.

Các thước đo của nhà nước Trung Quốc cũng như tư nhân về các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều cho thấy sự tích cực trong tháng 11. Tuy nhiên, giao dịch giảm giữa các nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc chứng tỏ rằng thị trường bất động sản tại nước này vẫn chưa chạm đáy, thúc đẩy các nhà kinh tế kêu gọi động thái chính sách táo bạo hơn từ Bắc Kinh.


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/bo-chinh-tri-trung-quoc-lan-dau-nhac-mot-cum-tu-sau-13-nam-chung-khoan-lap-tuc-quay-dau-tang-vot-a202553.html