Thủy điện Bản Vẽ và những lời hứa chưa hẹn ngày xử lý cho dân nghèo

Chậm thực hiện xây dựng hỗ trợ tái định cư bổ sung, không bàn giao mặt bằng khi dự án hoàn thành khiến người dân lấn chiếm, sống tạm trên đất công trường, vướng mắc trong chính sách bồi thường... là những tồn tại từ dự án Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An).

Gần 7 năm chờ hỗ trợ tái định cư

Ngày 12/12, lãnh đạo UBND huyện Tương Dương ( Nghệ An ) cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương vừa tổ chức buổi làm việc với Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) - chủ đầu tư dự án Thủy điện Bản Vẽ nhằm thống nhất, giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các bên liên quan triển khai, sớm xử lý các vướng mắc, tồn tại .

Thủy điện Bản Vẽ và những lời hứa chưa hẹn ngày xử lý cho dân nghèo- Ảnh 1.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Lê Văn Lương chủ trì cuộc làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đặt ra câu hỏi với đại diện chủ đầu tư là vì sao sau gần 7 năm, hơn 30 tỷ đồng tiền hỗ trợ xây dựng tái định cư bổ sung cho người dân của dự án Thủy điện Bản Vẽ chưa được xử lý.

“Chính quyền và người dân địa phương rất băn khoăn và cần câu trả lời rõ hơn là vì sao EVNGENCO1 không thực hiện xây tái định cư bổ sung cho người dân cần hỗ trợ... Phải chăng chủ đầu tư bàn lùi chứ không bàn làm”, ông Hiến nói.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, sau đợt mưa lũ lớn năm 2018 đến nay, đã có 52 văn bản, báo cáo từ Trung ương đến địa phương ban hành về việc xử lý vướng mắc đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân thuộc Dự án Thủy điện Bản Vẽ .

Chính quyền địa phương các xã có hộ dân bị ảnh hưởng nói rằng người dân và địa phương muốn biết chủ đầu tư dự án Thủy điện Bản Vẽ có thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư như chỉ đạo của ngành chức năng. Nếu làm thì lúc nào và cần bao lâu?.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Tổng giám đốc EVNGENCO1 (chủ đầu tư) cho biết, việc giải ngân 2 lần với các khu tái định cư là rất khó cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc chưa thực hiện dự án do vấn đề này nằm ngoài chính sách và thẩm quyền, chủ trương đã được phê duyệt với dự án.

“Chủ đầu tư làm việc với Bộ Công thương và được biết trong tháng 12 này sẽ có văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư về vấn đề này. Hiện đang vướng thẩm quyền, nếu được thông qua về mặt chủ trương và xác định trách nhiệm của công ty thì đơn vị sẽ triển khai ngay dự án cho người dân chịu ảnh hưởng. Việc tái định cư bổ sung có làm hay không và làm như thế nào chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể với địa phương trong tháng 1/2025”, ông Thắng cho hay.

Thủy điện Bản Vẽ và những lời hứa chưa hẹn ngày xử lý cho dân nghèo- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh cho rằng EVNGENCO1 cần sớm xây dựng dự án như chỉ thị của ngành chức năng.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh cho rằng, trong Công văn 7505 và Thông báo 143 của Văn phòng Chính phủ đã chỉ rõ thẩm quyền và nguồn vốn thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư bổ sung đối với Thủy điện Bản Vẽ.

“Người dân và địa phương cứ mong chờ rồi lại thất vọng. Tôi nghĩ chủ đầu tư nên thực hiện theo chỉ đạo là làm và cần xác định rõ thời gian làm, không nên bàn lùi nữa. Trường hợp không làm cũng cần nói rõ để địa phương biết và có phương án hỗ trợ người dân”, ông Vinh nhấn mạnh.

“96 hộ dân ở tạm trên đất công trường”

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Tương Dương cũng chỉ ra tồn tại khó giải quyết nhiều năm qua, khi 96 hộ dân lấn chiếm, sinh sống trên phạm vi đất từng là mặt bằng xây dựng dự án Thủy điện Bản Vẽ do chủ đầu tư chưa bàn giao cho địa phương.

Theo đó, thời điểm xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương đã giải phóng hơn 76 ha mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư mượn đất, để các nhà thầu làm nhà ở cho công nhân và làm khu nhà điều hành. Đến năm 2010, công trình thủy điện hoàn thành, thay vì tháo dỡ nhà cửa, trả lại mặt bằng cho huyện, nhiều nhà thầu đã tự ý “bán lại” các dãy nhà ở của công nhân và nhà điều hành cho một số hộ dân ở địa phương.

Ngoài ra, nhiều hộ dân lân cận, vì nhiều nguyên nhân, khó khăn về chỗ ở cũng tìm đến khu đất này để dựng nhà, sinh sống. Đến nay, có 96 hộ dân sinh sống trên 97 thửa đất (1 hộ có 2 thửa) từng là bãi công trường nằm ven Quốc lộ 48C.

Thủy điện Bản Vẽ và những lời hứa chưa hẹn ngày xử lý cho dân nghèo- Ảnh 3.

Hình ảnh Thủy điện Bản Vẽ xả lũ.

Sau khi rà soát, chủ đầu tư và ngành chức năng đã tiếp nhận lại hơn 69ha, chủ yếu là đất rừng sản xuất, đất công trình công cộng, nương rẫy. Hiện còn khoảng 7 ha chưa thể bàn giao được do có tài sản là nhà ở của người dân. Trong đó, 96 hộ dân đang sinh sống trên diện tích 3,36 ha và trường tiểu học cũng như một số dãy nhà công nhân chưa được tháo dỡ.

Bí thư Huyện ủy Lê Văn Lương chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng này thuộc về cả chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Trong đó, EVNGENCO1 phải chịu trách nhiệm lớn nhất do chưa bàn giao mặt bằng cho địa phương sau khi hoàn thành dự án.

“Đề nghị chủ đầu tư phối hợp UBND huyện sớm bàn giao mặt bằng còn vướng. Từ đó, huyện Tương Dương mới đủ căn cứ đề xuất UBND tỉnh và sở, ngành liên quan về việc có thể quy hoạch, bàn giao cho người dân sớm ổn định cuộc sống”, ông Lương nói.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương yêu cầu UBND huyện sớm rà soát kỹ, phân loại cụ thể các trường hợp đang sinh sống trên đất công trường. Với trường hợp không phù hợp, lấn chiếm, cần tuyên truyền di dời, cần thiết phải bảo vệ thi công, giải tỏa vi phạm. Ngoài ra, đề nghị Công an huyện thu thập hồ sơ, bằng chứng, làm rõ việc nhà thầu thi công đã bán tài sản, đất công trường cho người dân. Trường hợp phát hiện vi phạm, có dấu hiệu bán tài sản, bán đất trái pháp luật cần truy tố , làm rõ trách nhiệm.

Thủy điện Bản Vẽ và những lời hứa chưa hẹn ngày xử lý cho dân nghèo- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Tổng giám đốc EVNGENCO1 trả lời các vướng mắc.

Liên quan vấn đề này, đại diện chủ đầu tư Thủy điện Bản Vẽ cũng thừa nhận trách nhiệm và cam kết phối hợp với chính quyền sở tại hoàn thiện các thủ tục cần thiết nhằm giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương.

Tại buổi làm việc, UBND huyện Tương Dương còn chỉ ra loạt tồn tại, vướng mắc liên quan dự án Thủy điện Bản Vẽ, như: Chính sách bồi thường, hỗ trợ phần diện tích đất trên cốt ngập của dự án; Lập hồ sơ bồi thường chênh lệch về giá đất tại các khu tái định cư; Lập hồ sơ bồi thường cho diện tích ngập ngoài phạm vi; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân ảnh hưởng và việc người dân khiếu kiện về các chính sách bồi thường của dự án chưa phù hợp. Chính quyền địa phương yêu cầu đại diện chủ đầu tư ký biên bản trách nhiệm để cùng phối hợp xử lý sớm các vấn đề tồn đọng.

Dự án Thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na (huyện Tương Dương, Nghệ An) có mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Công trình khởi công năm 2004, đưa vào vận hành từ năm 2010. Để xây dựng dự án, hơn 3.000 hộ dân của 34 bản thuộc 2 xã của 2 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn phải di dời đến nơi ở mới.


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thuy-dien-ban-ve-va-nhung-loi-hua-chua-hen-ngay-xu-ly-cho-dan-ngheo-a202557.html