Diễn biến lạ tại doanh nghiệp quản lý và khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam

Doanh nghiệp này còn dẫn đầu cả nước về khai thác và chế biến đồng, với thế mạnh là sở hữu quyền khai thác tại mỏ đồng lớn nhất Việt Nam.

Với trữ lượng ước tính 22 triệu tấn, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm.

Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn trong số đó đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay, điện thoại và công nghiệp quốc phòng. Đất hiếm là nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn.

Mỏ đất hiếm Đông Pao thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu được đánh giá là mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Mỏ này có diện tích gần 133 ha, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước. Trữ lượng đất hiếm còn lại được phân bố chủ yếu ở vùng Nậm Xe, Mường Hum và Yên Bái.

Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Vimico - KSV), công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV), là đơn vị được Chính phủ giao quản lý toàn bộ vùng mỏ đất hiếm Đông Pao.

Theo Reuters, một đại diện của Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco) cho biết, việc khai thác hiệu quả mỏ Đông Pao sẽ đưa Việt Nam trở thành nhóm sản xuất đất hiếm hàng đầu.

Ngoài khai thác mỏ đất hiếm, KSV còn dẫn đầu cả nước về khai thác và chế biến đồng, với thế mạnh là sở hữu quyền khai thác tại mỏ đồng lớn nhất Việt Nam - mỏ Sin Quyền.

Liên quan đến tình hình kinh doanh, Tổng giám đốc Tổng công ty Trịnh Văn Tuệ cho biết, trong năm 2024, tổng công ty đã duy trì ổn định sản xuất, cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Kết quả, tổng doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty 11 tháng năm 2024 đạt 11.968 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt 13.327 tỷ đồng. Lợi nhuận 1.117 tỷ đồng, cả năm đạt 1.296 tỷ đồng. Tổng công ty nộp ngân sách 1.205 tỷ đồng, cả năm đạt 1.595 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động là 16,1 triệu đồng/người/tháng và cả năm đạt 16,337 triệu đồng/người/tháng.

Ở một diễn biến khác, từ đầu tháng 12 đến nay, cổ phiếu KSV của tổng công ty đã liên tục tăng mạnh. Trong 15 phiên giao dịch của tháng 12, mã cổ phiếu này đã có 2 phiên đứng giá, 4 phiên giảm giá và 10 phiên tăng giá. Đáng chú ý, trong số đó, có đến 7 phiên mã cổ phiếu này tăng trần. Đây là một điều khá lạ đối với mã cổ phiếu này khi trước đó, KSV liên tục giảm giá, cực hiếm hoi mới thấy có một phiên tăng trần.

Việc tăng phi mã này của KSV đã kéo giá cổ phiếu trong vòng 20 ngày đã tăng giá đến gần 90%, hiện đang giao dịch ở mức 89.100 đồng mỗi cổ phiếu. Hồi đầu năm, mã cổ phiếu này bắt đầu giao dịch ở mức 29.690 đồng/cổ phiếu. Như vậy, trải qua gần 1 năm, KSV đã tăng giá khoảng 300%.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/dien-bien-la-tai-doanh-nghiep-quan-ly-va-khai-thac-mo-dat-hiem-lon-nhat-viet-nam-a204983.html