Một lĩnh vực viễn thông vượt quy mô 65 tỷ đô, nhiều ông lớn gia nhập, DN Việt "sống khỏe" nhờ xuất ngoại

Nhiều tên tuổi lớn đã tham gia vào mạng di động ảo, khiến cho Việt Nam trở thành thị trường sôi động.

Thị trường vượt 65 tỷ đô đầy tiềm năng của mạng di động ảo

Xuất hiện trên thế giới từ những năm 1990, mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) đã nhanh chóng đạt quy mô trên 65 tỷ USD vào năm 2020 và sẵn sàng mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 9% từ năm 2021 – 2027, theo báo cáo của của Gminsights (Global Market Insights).

Theo một cuộc khảo sát do Ting thực hiện, vào năm 2020, hóa đơn trung bình của mạng di động ảo chưa bằng một nửa hóa đơn trung bình hàng tháng của các nhà mạng gốc/nhà mạng truyền thống. Khoảng 91% khách hàng chuyển từ một nhà mạng gốc cho biết dịch vụ hiện tại của họ ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn so với trước đó.

Một lĩnh vực viễn thông vượt quy mô 65 tỷ đô, nhiều ông lớn gia nhập, DN Việt "sống khỏe" nhờ xuất ngoại- Ảnh 1.

Dù phụ thuộc về hạ tầng, nhà mạng di động ảo thường sẽ tập trung vào thiết kế sản phẩm phù hợp với các nhóm người dùng.

Mạng di động ảo không sở hữu hạ tầng, mà cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách mua lưu lượng từ đơn vị có sẵn, sau đó phân phối cho người dùng . Bằng cách này, người dùng có thể tận hưởng các gói cước linh hoạt, được thiết kế phù hợp với từng nhu cầu cụ thể, từ dữ liệu tốc độ cao cho người thường xuyên trực tuyến đến các gói cước giá rẻ dành cho người sử dụng cơ bản. Trong nhiều trường hợp, khách hàng còn được hưởng lợi từ giá cước cạnh tranh nhờ chi phí vận hành thấp hơn của các nhà mạng MVNO.

Tại Việt Nam, mạng di động ảo xuất hiện mới đây và đang cho thấy một tiềm năng khá lớn khi đã có hàng loạt tên tuổi tham gia.

Một trong những nhà mạng MVNO đầu tiên ở Việt Nam là iTel, được ra mắt vào tháng 4/2019. iTel sử dụng hạ tầng của VinaPhone và mang đầu số 087. Đến nay, nhà mạng này đã thu hút hơn 3,6 triệu thuê bao.
Một thương hiệu khác là Wintel, trước đây được biết đến với tên gọi Reddi, ra mắt vào tháng 6/2020 với đầu số 055. Sau khi được Tập đoàn Masan mua lại vào năm 2022, Wintel đã tích hợp vào hệ sinh thái dịch vụ rộng lớn của tập đoàn này.

Ngoài ra, Local của ASIM Telecom với đầu số 089, ra đời vào tháng 5/2021, cũng là một cái tên đáng chú ý với chiến lược tập trung cung cấp các sản phẩm SIM 4G ưu đãi dữ liệu lớn thông qua hạ tầng MobiFone.

Gần đây, VNSky (Digilife) chính thức gia nhập thị trường vào tháng 7/2023, hợp tác với MobiFone và đặt tham vọng trở thành một trong năm mạng di động lớn nhất tại Việt Nam.

Cũng trong năm 2023, FPT Retail đã nhận được giấy phép hoạt động MVNO, tận dụng lợi thế từ hệ sinh thái và cơ sở khách hàng sẵn có của Tập đoàn FPT.

Một lĩnh vực viễn thông vượt quy mô 65 tỷ đô, nhiều ông lớn gia nhập, DN Việt "sống khỏe" nhờ xuất ngoại- Ảnh 2.

Các nhà mạng ảo ra đời sau phải chọn cho mình một hướng đi khác biệt.

Đến đầu năm 2024, tân binh Aloo do Rikai Technology phát triển chính thức gia nhập thị trường thông qua việc hợp tác với NTT Docomo là nhà mạng có thị phần lớn nhất tại Nhật. Thay vì tham gia vào thị trường MVNO ở Việt Nam với doanh thu trên mỗi thuê bao (ARPU) thấp, Rikai Technology hướng đến thị trường Nhật Bản, nơi có ARPU cao và cộng đồng hơn 600 nghìn người Việt đang sinh sống. Đồng thời, họ cũng hướng đến phục vụ nhóm khách du lịch đến Nhật Bản, với 25-30 triệu lượt mỗi năm, trong đó có khoảng 500 nghìn người Việt đi du lịch hoặc làm việc.

Nhìn ra thế giới, Trung Quốc có 75 mạng di động ảo. Châu Âu có 130 mạng di động ảo, riêng Đức có 54 mạng di động ảo, trong đó thuê bao mạng di động ảo chiếm trung bình 15% - 50% tổng thuê bao di động. Rõ ràng, không gian thị trường cho mạng di động ảo Việt Nam còn rất lớn.

Cùng với đó, xu hướng chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ và nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông gia tăng, các nhà mạng ảo hoàn toàn có cơ hội khai thác những thị trường ngách, cung cấp các dịch vụ đặc thù và gia tăng giá trị cho khách hàng.

Một lĩnh vực viễn thông vượt quy mô 65 tỷ đô, nhiều ông lớn gia nhập, DN Việt "sống khỏe" nhờ xuất ngoại- Ảnh 3.

Các quốc gia có thị phần mạng di động ảo lớn.

Giải bài toán thị phần của mạng di động ảo

Tiềm năng là như vậy, nhưng thực tế sự phát triển của mạng di động ảo tại Việt Nam lại vô cùng khiêm tốn. Theo thống kê mới nhất của Bộ TT&TT, đến ngày 30/4/2023, có khoảng 2,65 triệu thuê bao của các nhà mạng ảo tại Việt Nam, chỉ chiếm khoảng 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động.

Đây rõ ràng là bài toán mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần phải tìm lời giải khi Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ dân số trẻ, am hiểu công nghệ và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao.

Không chỉ dừng lại ở khả năng cạnh tranh về giá cả hay dịch vụ, những nhà mạng ảo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và đa dạng hóa ngành viễn thông.

Doanh nghiệp cũng dễ dàng thử nghiệm các chiến lược tiếp cận mới, từ tích hợp dịch vụ số hiện đại như ví điện tử, truyền thông số đến việc phát triển các gói cước đặc biệt dành riêng cho các nhóm đối tượng cụ thể hay như phát triển các dịch vụ số như tài chính, giáo dục, y tế và giải trí để thu hút nhiều nhóm khách hàng như sinh viên, công nhân hoặc khách du lịch. Đồng thời, tăng hợp tác với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác có thể giúp mở rộng thị phần và tận dụng hệ sinh thái sẵn có.

Bên cạnh đó là bài toán về sự cạnh tranh khốc liệt với các nhà mạng lớn vốn sở hữu lợi thế vượt trội về hạ tầng và thị phần. Hơn nữa, mức doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao (ARPU) ở Việt Nam khá thấp, với mức chi tiêu trung bình cho dịch vụ di động ở Việt Nam, chỉ khoảng 70.000 - 90.000 đồng/tháng cũng khiến các nhà mạng MVNO khó tạo ra lợi nhuận đáng kể. Việc không sở hữu hạ tầng riêng cũng làm họ phụ thuộc nhiều vào chất lượng dịch vụ của các nhà mạng thuê lại, đồng thời gặp khó khăn trong việc xây dựng sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.

Các mạng di động ảo mới ra đời buộc phải đi vào các thị trường ngách như cách tân binh Aloo do Rikai Technology đang làm. Lợi thế của Rikai là công ty công nghệ thông tin chuyên cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho khách hàng Nhật Bản, am hiểu môi trường kinh doanh tại đây. Họ sử dụng công nghệ và liên kết hệ thống để mang lại trải nghiệm tiện lợi, như tự phát triển dụng ứng dụng Aloo, cho phép thanh toán dễ dàng tại Việt Nam hoặc tại hơn 300 nghìn cửa hàng ở Nhật, chăm sóc khách hàng 24/7..

Tìm hướng đi phù hợp và mang đến các dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng có lẽ là 1 trong những cách thức giải bài toán thị phần của các doanh nghiệp MVNO.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/mot-linh-vuc-vien-thong-vuot-quy-mo-65-ty-do-nhieu-ong-lon-gia-nhap-dn-viet-song-khoe-nho-xuat-ngoai-a205093.html