Nga "chi đậm" 4 tỷ USD nâng cấp kênh giao thương trọng yếu với Trung Quốc vẫn không ngăn được suy thoái

Theo một phân tích từ công ty nghiên cứu MMI Research (Nga), ngành đường sắt Nga đang trong giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.

MMI Research nhận định, xu hướng giảm "vẫn đang diễn ra mạnh mẽ". Khối lượng hàng hóa vận chuyển của Tổng công ty Đường sắt Nga (RZD) — hãng vận tải nhà nước chịu trách nhiệm về mọi hoạt động vận tải đường sắt trên khắp đất nước này — đã giảm 5% trong 11 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự suy thoái này một phần là do nhu cầu vận chuyển vật liệu liên quan đến chiến tranh của Nga, điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và làm gián đoạn hoạt động thương mại của các mặt hàng chính, như than và nhôm, MMI Research cho biết.

Nga "chi đậm" 4 tỷ USD nâng cấp kênh giao thương trọng yếu với Trung Quốc vẫn không ngăn được suy thoái- Ảnh 1.

Vận tải bằng đường sắt là một trong những kênh giao dịch thương mại chính giữa Moscow và Bắc Kinh. Ảnh: Getty

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, đầu tư vào lĩnh vực đường sắt của Nga cũng đang bị cắt giảm, một phần là do lãi suất cao trong nước. RZD cho biết họ sẽ chỉ dành 890 tỷ rúp (tương đương 8,5 tỷ USD) cho kế hoạch đầu tư trong năm tới, giảm 30% so với ngân sách đầu tư năm 2024.

Theo tờ Kommersant (Nga), công ty này còn cân nhắc khả năng cắt giảm đầu tư thêm 1/3 tổng đầu tư tính đến cuối thập kỷ này.

Tờ Business Insider (Mỹ) nhận định, những thay đổi này là tín hiệu xấu cho giao thương giữa Nga và Trung Quốc, vốn phụ thuộc rất nhiều vào vận tải đường sắt, trong bối cảnh Moscow hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Những thay đổi trên cũng cho thấy chi phí ngày càng tăng của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, vốn đã gây ra nhiều vấn đề kinh tế cho Moscow.

Theo Business Insider, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên mức kỷ lục 21% vào đầu năm nay trong nỗ lực hạ thấp lạm phát đang ở mức rất cao.

Và vào tuần trước, Thống đốc Elvira Nabiullina cho biết Ngân hàng Trung ương Nga quyết định giữ nguyên lãi suất do lo ngại về tình trạng "hạ nhiệt quá mức" của nền kinh tế thời chiến của Nga.

Sau nâng cấp vẫn còn vấn đề

Truyền thông Mỹ nhận định, đối với RZD, bức tranh không mấy tươi sáng. Hãng vận tải này trước đây vẫn thường đi vay để đầu tư, nhưng giờ đây họ không thể tiếp cận phần lớn các nguồn tín dụng do lệnh trừng phạt của phương Tây. Sự hỗ trợ của chính phủ Nga cũng bị hạn chế, vì Moscow đang ưu tiên ngân sách cho cuộc chiến với Ukraine.

Trong những năm gần đây, Nga đã chuyển hướng thương mại sang châu Á, phụ thuộc nhiều hơn vào mạng lưới đường sắt Eastern Polygon. Tuyến đường sắt dài 14.000 km này kết hợp hai tuyến đường sắt dài nhất của Nga: Tuyến đường sắt xuyên Siberia (Trans Siberia Railway) nối Moscow với Thái Bình Dương và Tuyến đường sắt chính Baikal - Amur chạy từ Siberia đến Viễn Đông.

Mạng lưới đường sắt này từ lâu đã phải chịu gánh nặng do sự chậm trễ trong việc bốc xếp hàng hóa và cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, nhưng giờ đây nó còn phải chịu thêm áp lực. Sự chuyển hướng sang châu Á đã làm tăng khối lượng vận chuyển đến và đi từ Nga, và nhu cầu vận chuyển cũng vượt xa khả năng đáp ứng của hệ thống đường sắt, mặc dù đã được Nga chi 366 tỷ rúp (4 tỷ USD) chỉ trong năm nay để nâng cấp Eastern Polygon nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại gia tăng với Trung Quốc.

"Chúng tôi thấy những vấn đề của Eastern Polygon", Bộ trưởng Giao thông Nga Roman Starovoit phát biểu trên truyền hình nhà nước Nga trong tháng này.

"Những hạn chế về cơ sở hạ tầng, mặc dù năng lực vận chuyển đã tăng lên, vẫn tồn tại trên Tuyến Baikal - Amur và Tuyến đường sắt xuyên Siberia."

Nga "chi đậm" 4 tỷ USD nâng cấp kênh giao thương trọng yếu với Trung Quốc vẫn không ngăn được suy thoái- Ảnh 2.

Mạng lưới đường sắt Eastern Polygon dài 14.000 km kết hợp hai tuyến đường sắt dài nhất của Nga: Tuyến đường sắt xuyên Siberia (Trans Siberia Railway) nối Moscow với Thái Bình Dương và Tuyến đường sắt chính Baikal - Amur (BAM) chạy từ Siberia đến Viễn Đông. Nguồn: Minprirody, OpenStreetMap

Không thể chuyển hàng do tắc nghẽn đường sắt

Truyền thông Mỹ đưa tin, những khó khăn về kinh tế và tình trạng đầu tư không đủ vào đường sắt của Nga đang bắt đầu có tác động dây chuyền đến các chuyến hàng hóa về phía đông.

Một số công ty khai thác than không thể chuyển hàng như dự định ban đầu do tình trạng tắc nghẽn đường sắt, các giám đốc điều hành tại các công ty này cho biết, yêu cầu không nêu tên vì thông tin nhạy cảm.

Chính phủ Nga đã tổ chức một hội nghị tại khu vực Kusbass giàu khoáng sản ở phía tây Siberia trong tháng này để thảo luận về các vấn đề của ngành than.

Trong khi đó, United Co. Rusal International PJSC (Nga) - nhà sản xuất nhôm lớn nhất ngoài Trung Quốc - đã phải lưu kho hàng trăm nghìn tấn hàng tại các nhà máy luyện nhôm của mình ở Siberia vì năng lực đường sắt hạn chế làm chậm quá trình vận chuyển, những người nắm rõ tình hình cho biết.

Trước năm 2022, Rusal chỉ thỉnh thoảng mới bán kim loại này ở Trung Quốc. Nhưng sau khi Nga hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây, công ty này đã chuyển hướng phần lớn hàng xuất khẩu của mình từ châu Âu sang châu Á và các thị trường khác. Hiện tại, Rusal bán hơn 1 triệu tấn nhôm, tương đương khoảng 1/3 sản lượng hàng năm của họ, tại Trung Quốc.

Dmitry Polevoy - giám đốc đầu tư tại công ty Astra Asset Management có trụ sở tại Moscow - nói rằng đường sắt Nga “cần được cải thiện, một phần thông qua các khoản đầu tư” đang bị cắt giảm.

“Nhìn chung, đường sắt và hoạt động bốc xếp luôn phản ánh những gì đang diễn ra trong nền kinh tế”, Polevoy nói.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nga-chi-dam-4-ty-usd-nang-cap-kenh-giao-thuong-trong-yeu-voi-trung-quoc-van-khong-ngan-duoc-suy-thoai-a205419.html