Trong bối cảnh Quốc hội Pháp có thủ tướng mới thứ tư chỉ trong vòng 1 năm
Có thể thấy một sự pha trộn giữa cũ và mới trong chính phủ của ông Bayrou, bao gồm một số gương mặt quen thuộc: cựu bộ trưởng nội vụ Gérald Darmanin đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng tư pháp; cựu thủ tướng Elisabeth Borne, một nhà kỹ trị, trở lại chính phủ với tư cách là bộ trưởng giáo dục, trong khi một cựu thủ tướng khác, ông Manuel Valls - người từng phục vụ dưới thời tổng thống cánh tả François Hollande, đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng các lãnh thổ hải ngoại.
Ông Jean-Noël Barrot sẽ vẫn là bộ trưởng ngoại giao, trong khi nhân vật cánh hữu Bruno Retailleau đã được bổ nhiệm lại làm bộ trưởng nội vụ. Ông Éric Lombard sẽ đứng đầu Bộ Kinh tế, trong khi ông Sébatien Lecornu vẫn ở lại Bộ Quốc phòng và bà Rachida Dati làm bộ trưởng văn hóa.
Tuy nhiên nội các của ông Bayrou vẫn bị phe đối lập coi là nghiêng về phe bảo thủ cánh hữu, và không khác nhiều với chính phủ tiền nhiệm Barnier trước đó. Đảng cực tả France Unbowed đã tuyên bố sẽ sớm đưa ra yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại chính phủ của ông Bayrou ở quốc hội, mặc dù bà Marine Tondelier, người đứng đầu Đảng Xanh và là trụ cột trong liên minh cánh tả rộng lớn, cho biết đảng của bà sẽ chờ xem có sự khác biệt nào trong chính sách giữa ông Bayrou và người tiền nhiệm Barnier hay không.
Đảng Xã hội cánh tả đối lập đã lên tiếng chỉ trích chính phủ mới, gọi đây là một chính phủ bảo thủ. Ông Olivier Faure, lãnh đạo Đảng Xã hội, tuyên bố: "Chúng tôi rất thất vọng vì những gì đang được đề xuất quá nghèo nàn. Thủ tướng cần phải thức tỉnh và hiểu những gì đang diễn ra".
Dù khẳng định không tìm thấy lý do để không chỉ trích chính phủ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Faure cho biết Đảng Xã hội sẽ không lật đổ chính phủ miễn là Thủ tướng Bayrou không sử dụng điều khoản hiến pháp để thông qua luật mà không cần sự phê chuẩn của quốc hội.
Thách thức lớn với ông Bayrou
Một trong những thử thách đầu tiên với chính phủ của ông Bayrou là lập dự luật ngân sách năm 2025 và giảm thâm hụt ngân sách của Pháp, dự kiến tương đương 6% GDP vào cuối năm, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 3% GDP mà Liên minh châu Âu yêu cầu các quốc gia thành viên phải tuân thủ.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tối 19-12, Thủ tướng Bayrou cho biết ông dự kiến trình dự thảo ngân sách năm 2025 vào giữa tháng 2 và nói thêm ông sẽ tiến hành "cuộc đối thoại rộng rãi nhất có thể" trước đó. Ông cũng hứa sẽ không sử dụng điều khoản hiến pháp 49.3 để thông qua luật mà không có thảo luận tại quốc hội, trừ khi ông "hoàn toàn bị chặn".
Ông Bayrou cũng cho biết ông không ủng hộ việc đánh thuế mới đối với các doanh nghiệp nhưng hiểu rằng thâm hụt ngân sách đang gia tăng của đất nước phải được giải quyết bằng cắt giảm chi tiêu - điều mà các đảng cánh tả trong Quốc hội Pháp phản đối.
Điều dễ thở trước mắt với tân Thủ tướng Bayrou là Quốc hội Pháp tạm nghỉ từ ngày 20-12-2024 đến 14-1-2025. Do đó cuộc chiến về ngân sách dự kiến không bắt đầu cho đến năm mới.
Mặc dù ông Bayrou tuyên bố về một chính phủ đa dạng nhưng nội các của ông cũng phải đối diện với sự bất ổn và không chắc chắn của chính trị Pháp hiện nay. Cuộc bầu cử quốc hội sớm vào đầu tháng 7 vừa qua đã dẫn đến sự chia rẽ giữa ba khối chính trị lớn: liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới, các đồng minh trung dung của Tổng thống Macron và Đảng RN cực hữu. Không bên nào giành được đa số ghế tuyệt đối.
Để có thể tồn tại lâu hơn ông Barnier, tân Thủ tướng Bayrou cần nhiều sự khéo léo để dung hòa được lợi ích của các đảng phái chính trị khác nhau vốn đang mâu thuẫn sâu sắc. Tình trạng bế tắc chính trị kéo dài có thể làm trầm trọng thêm những thách thức về kinh tế, tài chính và tác động đến sự ổn định của thị trường nước Pháp.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/noi-cac-thu-4-cua-phap-trong-nam-se-lai-bo-phieu-bat-tin-nhiem-a205455.html