Những người từng đi taxi “truyền thống” có lẽ vẫn nhớ những chiếc xe được trang bị hệ thống bộ đàm hai chiều. Đây là thiết bị liên lạc giữa tài xế với tổng đài, cũng là cách người lái xe đăng ký nhận những chuyến xe theo địa điểm mà tổng đài viên thông báo.
Tuy nhiên, những chiếc bộ đàm đang dần biến mất. Sau tác động từ làn sóng gọi xe công nghệ, đến chính các hãng taxi truyền thống, vận hành đội xe riêng cũng đang loại bỏ thiết bị cũ để tìm đến những giải pháp mới hiệu quả hơn.
Hệ thống “gánh” nhiều chi phí
Để hệ thống bộ đàm hai chiều trên những chiếc xe vận hành trơn tru, các hãng taxi phải đầu tư số tiền lớn cho thiết bị. Mỗi xe cần trang bị một bộ thu phát sóng với giá 7-10 triệu đồng. Để hệ thống vận hành, hãng phải đầu tư cột ăng ten giá hàng trăm triệu mỗi chiếc, bao gồm cả chi phí thiết bị, thuê chỗ đặt, và phải có hàng chục chiếc để phủ ở một thành phố lớn.
Ngoài ra, mỗi hệ thống bộ đàm đều phải đăng ký tần số hoạt động với cơ quan quản lý. Hãng taxi lớn có thể sử dụng tới khoảng 30 cặp tần số, và chi phí để sử dụng tần số cũng không hề nhỏ. Việc gia hạn hàng năm cũng tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Những hệ thống bộ đàm tốn chi phí duy trì, trong khi mức độ hiệu quả không còn cao. Ảnh: Yên Phát. |
Đi cùng với chi phí về thiết bị, tần số là nguồn nhân lực cần để vận hành hệ thống tổng đài. Trong một buổi chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Duy Hồng, Tổng giám đốc Taxi Group ước tính doanh nghiệp này có thời điểm cần tới 100 tổng đài viên để vận hành mỗi ca, tương ứng với chi phí nhân sự rất cao.
Kể cả khi tổng đài viên hoạt động hết công suất, bản chất phát rộng rãi của bộ đàm cũng dẫn đến những tình huống khó xử như khi nhiều tài xế cùng nhận một khách. Tính bảo mật thấp cũng dẫn đến tình huống doanh nghiệp bị đối thủ “chèn đàm”, nghe lén thông tin để đón khách.
Trào lưu không thể đảo ngược
Ngành taxi chỉ thực sự thay đổi khi những ứng dụng gọi xe lớn bắt đầu phổ biến. Chỉ sau vài năm, trào lưu gọi xe công nghệ đã quét qua các hãng taxi và khiến họ phải thay đổi hoàn toàn. Những chiếc bộ đàm trên taxi dần biến mất, đánh dấu sự đổi mới trong cách vận hành của những hãng vận chuyển.
“Đầu tư cả chục tỷ nhưng cuối cùng cũng đến thời điểm bán lại không được, cho thuê cũng không ai thuê, rồi phải mất tiền để phá đi”, ông Hồng chia sẻ.
Nghiên cứu phân tích về thị trường taxi giai đoạn 2024-2029 của Mordor Intelligence nhấn mạnh những dịch vụ gọi xe công nghệ (ride-hailing) khiến toàn bộ ngành vận chuyển hành khách trải qua bước chuyển đổi lớn, ghi dấu ấn bởi những tiến bộ công nghệ, làm thay đổi ưu tiên của người dùng cũng như cách quản lý của cơ quan chức năng.
Sự xuất hiện của Uber, sau đó là Grab tại Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng đã thay đổi hoàn toàn ngành xe dịch vụ. Ảnh: PYMNTS. |
Mordor Intelligence nhận định các công ty như Uber, Lyft hay Didi Chuxing đã phá ngang mô hình taxi truyền thống. Bằng cách kết nối người dùng và tài xế trực tiếp qua ứng dụng smartphone, dịch vụ gọi xe công nghệ mang lại những lợi ích như theo dõi thời gian thực, thanh toán không tiền mặt, và cho người dùng xếp hạng.
“Sự tiện lợi và minh bạch của những nền tảng này khiến chúng được sử dụng rộng rãi, thách thức hệ thống điều xe taxi truyền thống”, công ty nghiên cứu thị trường nhận định.
Sự thay đổi đem lại nhiều giá trị tích cực. Nếu như trước đây, một cuộc gọi của khách lên tổng đài phải trải qua quy trình điều xe khoảng 5 phút, thì một yêu cầu gọi xe hiện tại chỉ mất khoảng 10 giây. Người dùng hoàn toàn có thể phản hồi, đánh giá chất lượng cuốc xe qua ứng dụng, khiến tài xế và các hãng cũng phải tập trung hơn vào chất lượng phục vụ khách hàng.
“Khi khách gọi qua app, gần như không còn trường hợp khách mất đồ nếu bỏ quên trên xe nữa. Tình trạng một khách gọi mà 2 anh tài xế cùng đến, thậm chí cãi nhau để giành khách cũng không còn”, ông Đào Xuân Thành, Giám đốc Taxi Phù Đổng, đơn vị vận hành theo cả hình thức công ty taxi và hợp tác xã, cho phép tài xế chạy trên các ứng dụng của Grab, Be chia sẻ.
Đối với tài xế, công nghệ cũng giúp cho họ giảm rất nhiều thao tác khi vận hành. Bản thân các hãng taxi cũng luôn muốn đảm bảo quyền lợi cho các lái xe. Thay vì phải chờ nghe bộ đàm để nhận biết chuyến xe ở gần, tài xế có thể nghỉ ngơi trong thời gian rảnh và chờ hệ thống tự phân cuốc xe ở vị trí gần với mình.
Cú bắt tay giữa hai ngành “không liên quan”
Tuy nhiên, không phải lúc nào quá trình chuyển đổi cũng suôn sẻ. Một số đơn vị có nguồn lực tự xây dựng hoặc tìm đối tác cung cấp ứng dụng trên điện thoại, nhưng vấp phải những khó khăn như không đủ nhân sự chất lượng để duy trì và vận hành hệ thống, nếu có thì cũng quá tốn kém.
Hệ thống công nghệ không đủ tốt cũng có thể dẫn đến tình trạng nghẽn, điều phối tài xế không chuẩn, dẫn đến sự khó chịu cho người lái xe.
Các vấn đề này có thể được giải quyết với một “trung gian” với thế mạnh công nghệ, khả năng kết nối.
Tháng 9 vừa qua, VNPAY bất ngờ công bố nền tảng đặt xe công nghệ, hợp tác với 200 hãng taxi trên khắp Việt Nam. Bên cạnh việc cung cấp nền tảng vận hành taxi trên ứng dụng số, giải pháp còn được đưa lên hàng loạt ứng dụng của các ngân hàng như VCB, BIDV, Vietinbank.
Trong buổi chia sẻ, ông Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối doanh nghiệp VNPAY cho rằng mấu chốt trong quá trình kết nối các đối tác taxi là lượng người dùng ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam lên tới 50 triệu.
“Bản thân app ngân hàng có những giá trị mà các app khác không bao giờ có. Do gắn bó hàng ngày với người dùng, ứng dụng ngân hàng trở nên thiết yếu, khác với nhiều ứng dụng phải chi tiền, tặng các voucher để người dùng cài app” , ông Nam nhận định.
Các nền tảng công nghệ đóng vai trò trong việc kết nối những ngành tưởng như không liên quan. Ảnh: VNP. |
Đại diện VNPAY cho rằng đây là một quá trình kết nối giữa 2 ngành “rất truyền thống nhưng dường như không liên quan”.
Ứng dụng ngân hàng luôn có yêu cầu bảo mật rất cao. Mặc dù các ngân hàng đều muốn có thêm tính năng trên ứng dụng để đem lại giá trị cho người dùng, việc đưa mỗi tính năng lên app có thể mất tới 18 tháng. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống cũng muốn chuyển đổi số, nhưng lại không đủ năng lực công nghệ.
“Nếu làm ứng dụng taxi công nghệ thông thường, chúng tôi sẽ không mang lại thêm giá trị để cạnh tranh với Grab, Be, những bên đã tham gia thị trường đến 10 năm. Nhưng khi đưa dịch vụ vào ứng dụng ngân hàng và chuyển đổi số cho các hãng taxi truyền thống, đó sẽ là giá trị chúng tôi mang đến được”, ông Nam giải thích.
Đại diện các hãng taxi cũng cho rằng giải pháp này là một trong những tính năng được sử dụng, giúp đa dạng hóa kênh kinh doanh mới. Sau 2 năm triển khai, đại diện Taxi Phù Đổng cho biết có khoảng 20% khách hàng gọi xe qua VNPAY. Tỷ lệ gọi qua các ứng dụng khác như Grab, Be, Emddi cũng chiếm phần lớn số lượng chuyến xe của hãng này.
“Việc ứng dụng công nghệ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn nhu cầu khách hàng và khả năng của mình, như khu vực nào có nhu cầu cao, có bao nhiêu xe đáp ứng được trong khu vực đó”, đại diện hãng taxi chia sẻ.
Với kinh nghiệm triển khai dịch vụ thanh toán bằng QR cách đây nhiều năm, đại diện VNPAY cho biết tự tin với khả năng thay đổi thị trường, tạo thói quen sử dụng mới cho người sử dụng.
“Gọi xe đã thành dịch vụ hàng ngày. Chúng tôi muốn cùng các hãng taxi tiếp cận 50 triệu người dùng app ngân hàng, người dùng không cần quan tâm nhiều, chỉ cần biết mở lên là có thể gọi xe, dù ở tỉnh thành nào”, ông Nam cho biết.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/su-bien-mat-cua-nhung-chiec-bo-dam-tren-taxi-a205570.html