Start-up 3 năm không lương, sống tại kho hàng

Đỗ Hữu Tân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Magix, khởi nghiệp sau nhiều lần tái gia nhập thị trường lao động thất bại dù có bằng cấp, chuyên môn, kinh nghiệm

Công ty CP Giải pháp đóng gói Magix (Magix) vừa nhận được Giải thưởng I-Star 2024 của TP HCM, hạng mục Doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo.

Khởi nghiệp từ con số 0

Sau khi đoạt Giải thưởng I-Star 2024, anh Đỗ Hữu Tân (SN 1989), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Magix, hẹn gặp tôi ngay tại kho hàng của công ty ở quận 12, TP HCM. Trong lúc nhiều người đang tất bật cho đơn hàng tăng cao cuối năm, Tân không có gì khác biệt so với nhân viên, dù Magix đang được định giá khoảng 70 tỉ đồng và anh nắm hơn 65% cổ phần công ty.

Tân nhận định tình hình hiện tại và tương lai sẽ rất nhiều khó khăn. Vì thế, anh phải chuẩn bị tinh thần vượt khó chứ không phải là lúc hưởng thụ thành quả.

Tân là kỹ sư điện tử - viễn thông, tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP HCM. Anh từng tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp sinh viên và đoạt giải nhưng chủ yếu chỉ dừng ở ý tưởng khởi nghiệp.

Ý tưởng đầu tiên của Tân là thiết kế chiếc hộp đựng hàng online, từ chiếc hộp này có thể lắp ghép thành chiếc móc áo. Ý tưởng này tạo được sự thích thú cho nhiều người nhưng không thương mại hóa được.

Start-up 3 năm không lương, sống tại kho hàng- Ảnh 1.

Anh Đỗ Hữu Tân tại kho hàng của Công ty Magix

Sau khi ra trường, Tân làm việc tại một công ty công nghệ của Đức, tối học thêm cao học ngành quản trị kinh doanh. Thời gian còn lại, anh theo đuổi đam mê thiết kế các loại bao bì với những tiêu chí: giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian đóng gói, tăng tính an toàn cho sản phẩm được đóng gói - giảm rủi ro hư hàng, dễ dàng cho khâu tái chế…

Tân dùng thiết kế của mình làm "hộp quà" gửi đến DN bán hàng online và sàn thương mại điện tử (TMĐT) để chào hàng và bất ngờ được liên hệ. Họ không mua thiết kế anh gửi đến mà đặt hàng sản phẩm mới theo yêu cầu.

"Ví dụ, một DN chuyên bán áo thun đặt làm hộp đựng combo áo thun gia đình, từ hộp có thể làm khung ảnh gia đình. Một sàn TMĐT chuyên bán sách thì đặt làm bao bì có thể chuyển thành kệ kê sách hoặc bao bì đóng gói tối ưu. Không chỉ thêm công năng, dạng bao bì mới có giá thấp hơn 10%, nhân công đóng gói nhanh hơn 15% thời gian, tiết kiệm vật liệu chèn thêm…" - Tân nhớ lại.

Bước ngoặt đến với Tân khi anh đăng tải một số dạng hộp cải tiến của mình trên trang Facebook cá nhân và nhận được tin nhắn của một ông chủ lớn trong ngành công nghệ. Người này mời Tân làm việc cho dự án về sàn TMĐT, vị trí chuyên gia về tối ưu hóa bao bì với mức lương cao hơn công việc anh đang làm. Anh đã nhận lời vì muốn thử thách bản thân ở lĩnh vực mình đam mê.

Khó khăn ập đến khi Tân chưa qua hết thời gian thử việc thì công ty đã dừng dự án. Mất việc đồng nghĩa với mất thu nhập, xin việc nhiều nơi không thành, vốn liếng tiết kiệm 70 triệu đồng cho bạn mượn không đòi được… nên suốt 1 năm sau đó, anh vô cùng vất vả, phải sống tối giản để học cho xong cao học.

Tháng 7-2016, sau khi tốt nghiệp cao học, anh Tân cùng anh Lê Hồng Đức sáng lập Magix, sau đó thuê một kho để bắt đầu kinh doanh các loại hộp cải tiến trên online. Anh Tân ở luôn tại đây để tiết kiệm chi phí nhà trọ.

Tháng 3-2017, Công ty Magix chính thức được thành lập. Khi Magix phát triển dần, Tân vẫn tiếp tục sống tại kho hàng và không nhận lương, dồn toàn bộ sức lực để đầu tư cho công ty. Mãi đến năm 2019, khi việc kinh doanh ổn định hơn, anh mới bắt đầu nhận lương với mức khởi điểm chỉ 10 triệu đồng/tháng.

Đầu tư cho nội lực

Tân cho rằng với lĩnh vực TMĐT hiện nay, cần phải đầu tư mở rộng liên tục, nếu không thì sẽ bị thụt lùi, thậm chí đánh mất thị phần, dễ dẫn đến dừng dự án.

Ban đầu, Magix bán giải pháp đóng gói theo đặt hàng của DN và bán sản phẩm kèm theo. Với cách này, lợi nhuận bán hàng của Magix luôn cao hơn thị trường nhưng công ty phải cạnh tranh về giá khi ngày càng nhiều DN bao bì truyền thống gia nhập thị trường TMĐT, chấp nhận "đốt tiền" để tìm kiếm cơ hội.

Để linh hoạt trong cạnh tranh, ngoài thế mạnh là thiết kế bao bì kiểu mới cho TMĐT, Magix còn phát triển thêm bao bì cho thương mại truyền thống. Năm 2024, Magix tập trung phát triển sản phẩm và mở rộng nhóm hàng bao bì, trong đó có bao bì thực phẩm thân thiện với môi trường. Công ty này đạt doanh thu gộp khoảng 70-80 tỉ đồng/năm, lợi nhuận trung bình khoảng 4%-5%/ năm.

Nhờ tiềm năng tăng trưởng ổn định, tài chính minh bạch, Magix đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư và được ngân hàng cấp hạn mức cho vay cao với lãi suất rất ưu đãi. Từ kinh nghiệm của mình, Tân nhận xét rằng khởi nghiệp là con đường mà người ngoài ao ước bước vào, còn người trong cuộc ao ước được bước ra vì quá khắc nghiệt. Bản thân người sáng lập phải đủ đam mê để đeo đuổi dự án một thời gian dài trước khi dần đi vào ổn định và tạo ra lợi nhuận.

"Rất nhiều dự án thất bại vì người sáng lập không đủ kiên trì, không đầu tư cho nội lực và không điều chỉnh theo nhu cầu của khách hàng. Riêng Magix thì xây dựng mục tiêu trở thành DN bán lẻ bao bì lớn nhất Việt Nam. Trong đó, 70% sản phẩm là có thể sản xuất, còn lại đặt gia công hoặc thương mại; hơn 50% sản phẩm là thân thiện môi trường" - anh Tân kỳ vọng. 

Chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ

Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Magix, sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình, được định giá cao hơn nhiều lần so với các loại tài sản hữu hình khác. Đến nay, Magix luôn đầu tư nghiêm túc vào nhóm tài sản vô hình này.

"Chúng tôi đã đăng ký 20 sở hữu trí tuệ, trong đó có 1 nhãn hiệu (đã cấp bằng) và 19 kiểu dáng công nghiệp (5 đã được cấp bằng). Việc các thiết kế được bảo hộ không chỉ giúp Magix tự tin hơn khi triển khai kênh bán trên các sàn TMĐT, website… mà còn giúp DN được định giá tốt hơn trong mắt các nhà đầu tư, ngân hàng..." - anh Đỗ Hữu Tân nhìn nhận.


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/start-up-3-nam-khong-luong-song-tai-kho-hang-a206577.html