Ai chịu trách nhiệm vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm?

Gần 3.000 tấn giá đỗ ngậm hoá chất độc hại được tuồn ra thị trường, thậm chí "đi vào" Bách hoá Xanh nhưng Cục quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đều cho rằng vụ việc "không thuộc quản lý" của đơn vị mình.

Liên quan đến vụ gần 3.000 tấn giá đỗ tuồn ra thị trường, ngày 29/12, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị chủ yếu kiểm tra các thủ tục hành chính.

Cụ thể gồm giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh, nghĩa vụ về thuế cho Nhà nước chưa…

Theo vị này, Cục Quản lý thị trường không kiểm tra chất lượng sản phẩm, bởi việc này thuộc về Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk.

Còn Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản cho hay, trong 6 cơ sở sản xuất giá đỗ bị công an bắt, chỉ có cơ sở của Lâm Đạo là đơn vị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Nhưng đơn vị chỉ cấp và quản lý khâu sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh. Còn việc dùng hoá chất trong quá trình sản xuất là khâu trồng trọt. Trong khi đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk) nói không quản lý khâu trên.

Hiện Công an tỉnh Đắk Lắk mở rộng điều tra vụ án gần 3.000 tấn giá đỗ ủ hoạt chất 6-Benzylaminopurine (được gọi là “nước kẹo”), đã tuồn ra thị trường trong năm 2024.

Ai chịu trách nhiệm vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm?- Ảnh 1.

Giá đỗ bị ngâm hoá chất

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột gồm: 2 cơ sở của đối tượng Lâm Văn Đạo (buôn Kô Tam, xã Ea Tu); 2 cơ sở của Vũ Duy Tư, 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh, 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo, cùng trú phường Tân Hoà (phường Tân Hoà).

Tại đây, công an phát hiện 6 cơ sở sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine (còn gọi “nước kẹo”) để sản xuất giá đỗ. Đây là một loại chất cấm dùng trong thực phẩm. Nếu ăn nhiều có thể tử vong.

Thời điểm kiểm tra, công an thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ đã ngâm chất cấm và 135 lít “nước kẹo”.

Kết quả điều tra, trong năm 2024, 6 cơ sở trên tuồn ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm hoá chất.

Ai chịu trách nhiệm vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm?- Ảnh 2.

Giá đỗ của Lâm Đạo được bán tại Bách hoá Xanh

Các đối tượng thường bán sỉ cho các đại lý ở chợ đầu mối Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột.

Riêng 1 cơ sở sản xuất của đối tượng Lâm Văn Đạo còn ký hợp đồng bán cho Bách hoá Xanh từ 350-400kg giá đỗ mỗi ngày. Trên bao bì giá đỗ được ngâm hóa chất đều in dòng chữ: “Vì sức khỏe của mọi người”, “Không hóa chất”, “Không chất kích thích”, “Không chất bảo quản”.

Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố 4 vụ án, khởi tố bắt tạm giam 4 bị can là chủ các cơ sở sản xuất giá đỗ trên để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự.

Ai chịu trách nhiệm vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm?- Ảnh 3.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ai-chiu-trach-nhiem-vu-gan-3000-tan-gia-do-ngam-chat-cam-a206639.html