Giám đốc và kế toán trưởng bị đề nghị truy tố vì rút Quỹ bình ổn giá xăng dầu đi trả nợ

Theo kết luận điều tra, bị can Trần Trác Việt Đức, Giám đốc và Đỗ Thị Tuyết Nga, Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt đã sử dụng tiền từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) để trả nợ và sử dụng trái quy định, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Cụ thể, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) cùng 4 bị can khác trong vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Bộ Công thương, Công ty cổ phần thương mại tư vấn đầu tư xây dựng Bách Khoa Việt, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Long Hưng, cùng các đơn vị liên quan.

Giám đốc và kế toán trưởng bị đề nghị truy tố vì rút Quỹ bình ổn giá xăng dầu đi trả nợ- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Trong vụ án, bị can Trần Trác Việt Đức và Đỗ Thị Tuyết Nga bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Theo kết luận điều tra, tháng 6/2016, sau khi được cấp Giấy phép nhập khẩu xăng dầu, Công ty Bách Khoa Việt mở tài khoản Quỹ BOG tại Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Bến Nghé, để quản lý và hạch toán tiền Quỹ. Trong giai đoạn từ ngày cấp phép đến khi bị thu hồi Giấy phép vào ngày 12/3/2021, Công ty đã xuất bán tổng cộng 10.608.858 lít xăng RON95, 22.559.812 lít xăng RON92, và 538.550.892 lít dầu Diesel qua 6.925 hóa đơn giá trị gia tăng. Tuy nhiên, Công ty không thực hiện trích lập và sử dụng tiền Quỹ BOG đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định kinh doanh xăng dầu của liên Bộ Tài chính - Công thương, Công ty Bách Khoa Việt có nghĩa vụ trích lập hơn 188 tỷ đồng vào tài khoản Quỹ BOG, nhưng chỉ nộp 155,7 tỷ đồng, còn thiếu gần 32,4 tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2020, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, với lượng xăng dầu đã xuất bán, Công ty được phép chi 81,5 tỷ đồng từ Quỹ BOG. Tuy nhiên, Công ty thực tế đã sử dụng hơn 154 tỷ đồng, trong đó 75 tỷ đồng bị sử dụng trái quy định, gây thất thoát nghiêm trọng.

Cụ thể, ngày 1/2/2019, Giám đốc Trần Trác Việt Đức và Kế toán trưởng Đỗ Thị Tuyết Nga đã ký lệnh chuyển 50 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại BIDV sang tài khoản Công ty Bách Khoa Việt, sau đó tiếp tục chuyển sang tài khoản tại VietinBank để thanh toán các khoản vay theo Hợp đồng tín dụng ngày 2/5/2018. Cùng ngày, họ cũng chuyển 25 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ BOG tại BIDV sang tài khoản Công ty và sau đó chuyển tiếp vào tài khoản Công ty Sao Kim để thanh toán 39,79 tỷ đồng cho việc mua dầu DO 0,05S-II theo hợp đồng mua bán nhiên liệu ngày 4/1/2016.

Theo Quyết định số 890 ngày 12/3/2021 của Bộ Công Thương, Công ty Bách Khoa Việt phải nộp số dư Quỹ BOG vào ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính đã yêu cầu Công ty nộp tổng cộng hơn 107 tỷ đồng, bao gồm hơn 32,3 tỷ đồng không được trích lập vào Quỹ BOG và 75 tỷ đồng sử dụng sai quy định. Tuy nhiên, đến ngày 27/5/2021, Công ty chỉ nộp được gần 1,7 tỷ đồng, còn thiếu hơn 105 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của Trần Trác Việt Đức và Đỗ Thị Tuyết Nga đã cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự. Trong đó, Trần Trác Việt Đức giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, còn Đỗ Thị Tuyết Nga đóng vai trò đồng phạm, hỗ trợ thực hiện hành vi vi phạm, dẫn đến thiệt hại ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 105 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cho thấy, bà Trần Thị Loan Phương , cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt không liên quan tới hành vi sử dụng sai quỹ bình ổn, vì vào năm 2018, bà Phương bị khởi tố điều tra về hành vi "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Sau đó, bà đã chuyển giao toàn quyền quản lý và điều hành Công ty Bách Khoa Việt cho ông Trần Trác Việt Đức (người giữ chức vụ Giám đốc và đại diện pháp luật từ ngày 10/9/2018). Vào tháng 10/2019, bà bị miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và không còn liên quan đến các hoạt động của Công ty.

Cơ quan điều tra xác định, bà Phương không tham gia hoặc chỉ đạo ông Trần Trác Việt Đức và bà Đỗ Thị Tuyết Nga trong các hành vi sử dụng sai mục đích tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) hoặc việc không nộp số tiền này vào ngân sách Nhà nước.

Như Tiền Phong đã đưa tin, từ năm 2013 đến 2015, ông Nguyễn Lộc An đã "giúp đỡ" Công ty Bách Khoa Việt được cấp phép làm thương nhân phân phối xăng dầu và được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng dầu và nhận hối lộ 9 tỷ đồng từ bà Trần Thị Loan Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty này. Đến tháng 9/2023, bà Phương đã chủ động gửi đơn tố giác hành vi nhận hối lộ của ông Nguyễn Lộc An và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, góp phần quan trọng vào quá trình xử lý vụ việc nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/giam-doc-va-ke-toan-truong-bi-de-nghi-truy-to-vi-rut-quy-binh-on-gia-xang-dau-di-tra-no-a206881.html