Giảm thuế VAT, tăng kích cầu tiêu dùngĐỌC NGAY
Quyết định điều chỉnh nói trên được Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto công bố ngày 31-12-2024, trong bối cảnh người dân nước này đang phải đối mặt với khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá, trứng, rau, sữa tươi cùng các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, giao thông công cộng và nhà ở vẫn được hưởng mức thuế VAT 0%.
Với mức thuế VAT hiện tại là 11%, Indonesia đã là một trong những quốc gia có mức thuế VAT cao nhất khu vực ASEAN, chỉ sau Philippines. Điều này khiến việc cân nhắc tăng thuế trở nên đặc biệt nhạy cảm, nhất là khi so sánh với các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc - nơi chỉ áp dụng mức thuế VAT 10%.
Theo ông Mukhamad Misbakhun - lãnh đạo Ủy ban Quốc hội giám sát các vấn đề tài chính Indonesia, việc thu hẹp phạm vi tăng thuế sẽ khiến ngân sách giảm từ mức dự kiến 4,6 tỉ USD xuống còn khoảng 200 triệu USD. "Đây là một lựa chọn khó khăn mà chính phủ của Tổng thống Prabowo phải thực hiện nhằm hỗ trợ sức mua", ông Misbakhun nhấn mạnh.
Philippines hoàn thuế linh hoạt
Trong khi đó Philippines - quốc gia có mức thuế VAT cao nhất khu vực ASEAN (12%) - đã thông qua luật mới cho phép hoàn thuế VAT đối với khách du lịch không thường trú. Chính sách này áp dụng cho các giao dịch mua hàng tối thiểu 3.000 peso (khoảng 52 USD) tại các cửa hàng được chính phủ công nhận, với điều kiện du khách phải mang hàng hóa ra khỏi Philippines trong vòng 60 ngày.
Quyết định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng 30% chi tiêu từ du khách tại Philippines, đồng thời hỗ trợ tham vọng của quốc gia này trong việc trở thành điểm đến mua sắm hàng đầu khu vực. Đây cũng là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm khôi phục ngành du lịch về mức trước đại dịch, khi lượng khách du lịch từ tháng 1 đến tháng 10-2024 mới chỉ đạt 4,5 triệu lượt - một con số khiêm tốn so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan.
Theo báo Nikkei, mặc dù Bộ Tài chính Philippines ước tính sẽ thất thu từ 2,9 - 4,1 tỉ peso (từ 52,1 - 73,6 triệu USD) từ chính sách này, các chuyên gia cho rằng mức độ ảnh hưởng đến ngân sách là không đáng kể.
Chuyên gia kinh tế Miguel Chanco của Công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Pantheon Macro Economics (Anh) nhận định: "Ít nhất là trong vài năm tới, tổn thất doanh thu từ việc này sẽ chỉ là một giọt nước nhỏ trong xô".
Đáng chú ý trong bối cảnh toàn cầu, Hungary đang dẫn đầu với mức thuế VAT 27%, trong khi Brazil đang xem xét áp dụng mức thuế VAT mới 28,6% - dự kiến là mức cao nhất thế giới. Ngược lại Việt Nam đã quyết định tiếp tục giảm thuế VAT xuống còn 8% trong sáu tháng đầu năm 2025 nhằm kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó tại châu Âu, Thụy Điển duy trì mức thuế VAT 25%, điển hình cho các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) với chính sách thuế cao. Ngược lại Công quốc Andorra - quốc gia châu Âu không thuộc EU - lại áp dụng mức thuế VAT thấp nhất thế giới với 4,5%. Sự chênh lệch này phản ánh đa dạng trong chính sách thuế của các quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và mục tiêu phát triển của từng nước.
Không có công thức chung
Xu hướng điều chỉnh chính sách thuế VAT tại các quốc gia Đông Nam Á cho thấy sự linh hoạt trong việc sử dụng công cụ thuế để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội. Trong khi Indonesia thận trọng với việc tăng thuế để tránh tác động tiêu cực đến người dân, Philippines lại tập trung vào việc sử dụng chính sách hoàn thuế như một công cụ kích thích du lịch và tiêu dùng.
Những điều chỉnh này phản ánh thực tế rằng không có một công thức chung cho việc áp dụng thuế VAT tại các quốc gia đang phát triển. Mỗi quốc gia cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách và việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo công bằng xã hội và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong dài hạn.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/vi-sao-indonesia-dieu-chinh-thue-vat-vao-phut-chot-a207491.html