"Tôi bỏ chạy nhưng ổng dí cho bằng được"
Sáng đầu tuần, anh Lê Quý Phương (40 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) chạy xe máy từ đường Chiến Thắng (quận Phú Nhuận) cặp đường ray xe lửa, dừng chờ tàu đến khúc đi được thì ai cũng bươn ra. Một người đàn ông mặc đồ xe ôm công nghệ cỡ ngoài 50 tuổi chạy hướng đối diện và rồi... chuyện đấm đá xảy ra.
"Bánh xe trước lọt xuống khe đường ray nên tôi cố nhích đầu xe nâng lên, vặn ga đụng vào bánh sau ổng. Đường đông, người ta bóp kèn nhắc chạy đi nên tôi cười gật đầu ra hiệu thông cảm rồi định đi tiếp", anh Phương kể.
Không ngờ, người kia không chạy luôn mà quay đầu xe lại lớn tiếng chửi: "Mày đụng tao, mày không xin lỗi hả. Mất dạy". Ông này tấp vào lề đường, chặn xe anh Phương và xông tới đòi đánh. Anh cố nhịn: "Đâu có gì đâu anh, xin lỗi nghe".
Người xung quanh xúm lại: "Thôi đường đông, mỗi người nhường nhau chút. Đụng vô cái bánh xe tí xíu, có té gì đâu". Người kia vẫn nổi khí xung thiên, sấn tới vung nắm đấm. Anh Phương né, chạy tránh ra chỗ khác rồi lên xe định đi nhưng người này vẫn sấn tới.
Anh nhớ lại: "Tôi bỏ chạy nhưng ổng dí cho bằng được. Thật ra tôi mà nóng lên, lại có võ thì ổng làm sao đánh lại tôi. Chưa kể trong ba lô có cây vợt tennis, bổ một cái là tiêu. Tôi vừa buồn cười vừa bực mình vì chuyện không có gì, không hiểu sao ổng làm ghê vậy". Chừng 10 phút sau, thấy đối thủ toàn né và cười giả lả, "võ sĩ" mới "xuống đài", hậm hực lên xe đi.
Lê Thị Duyên (sinh viên năm cuối Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết cô gặp nhiều tình huống người đi đường nóng nảy, chỉ va chạm nhẹ nhưng cãi cọ um sùm. Từ nhà ở quận 3 xuống TP Thủ Đức học, cô chia sẻ: "Chạy xe xa, đường đông nên tôi rất ớn. Thường tôi đi cỡ 6h sáng, trưa nếu về sẽ về sớm, không thì ở lại tới chiều. Hôm bữa Việt Nam đá thắng Singapore trận bán kết lượt về ASEAN Cup, tôi muốn đi bão cùng các bạn nhưng sợ kẹt xe, va chạm... nên ở nhà cho lành".
Theo cô, một số người lớn tuổi xem việc họ đi sai, ứng xử chưa đúng khi lưu thông là chuyện bình thường. "Ngay cả trong nhà người lớn làm sai không xin lỗi thì ngoài đường cũng có. Còn về những va chạm giao thông mà ẩu đả, tôi nghĩ do thiếu ý thức hoặc do tính cách sẵn có", cô nói.
Có lúc Duyên vừa chạy xe chậm chậm vừa tìm số nhà, có người đi bộ nhưng cô không chú ý nên bị họ đánh cái bốp lên vai khiến cô giật mình. Và không thiếu những trường hợp người khác chạy ẩu nhưng quay sang chửi cô.
Từ đường lớn đến hẻm nhỏ, cãi nhau ỏm tỏi
Là chủ quán sinh tố, chị Thu Thủy (36 tuổi) từng chứng kiến vụ va chạm ngay giao lộ Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định (quận Gò Vấp) giữa một tài xế công nghệ và một người đàn ông chạy xe máy chở hàng hóa cồng kềnh.
Tài xế trẻ chạy rất nhanh, cố vượt đèn vàng nên đâm vào xe máy kia. Chị Thủy cho biết: "Xe cậu này loạng choạng rồi tiếp tục rồ ga, chạy phắn khói lao về phía trước luôn. Không dừng lại chịu trách nhiệm vụ việc vừa gây ra, cũng không phụ đỡ xe bị ngã".
Những người chứng kiến đều thấy người đàn ông ngã sõng soài giữa đường, nhưng ông ngay lập tức rượt theo anh tài xế, nắm xe, níu áo đòi... một lời xin lỗi.
"Ổng chạy theo xe cả mấy chục mét, vừa chạy vừa la hét với thái độ rất tức giận. Hôm đó ổng mà túm được anh chạy xe ôm kia thì chắc chắn sẽ có đánh nhau rồi", chị Thủy kể. Đến lúc mọi người giúp ông đưa xe vào lề, ông mới hạ cơn giận, nhưng còn tức tối lắm.
Không chỉ giao lộ lớn, ngay cả đi lại trong hẻm cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn nhỏ dẫn đến hậu quả lớn.
Ông Minh Quý (53 tuổi, quận Bình Thạnh) thường xuyên ngồi cà phê cóc hẻm gần nhà mỗi sáng. "Hẻm này bất ổn lắm, thường xuyên xảy ra tai nạn. Cứ ỷ y lủi xe vào hẻm mà không quan sát kỹ, không bật xi nhan là thế nào cũng té", ông nói.
Khu này gần chợ nên buổi sáng xe máy, xe đạp lẫn người đi bộ rất đông. Người đi chợ lại vội vàng, gặp người nóng tính thì sinh cãi nhau, động tay động chân. "Như hôm có chị kia chạy xe máy qua đường, lủi vào hẻm đụng ngay cô bán vé số đang đạp xe. Đồ đạc văng tung tóe, rồi hai bà cãi nhau ỏm tỏi. Cán bộ phường phải chạy ra hòa giải mới êm", ông nói
Cứ bất đồng là dùng bạo lực?
Theo thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý Lumos, có thể trước đây không thiếu những tình huống bạo lực trên đường phố khi có mâu thuẫn nhưng chưa được công khai và truyền thông rộng rãi.
"Từ khi mạng xã hội và hệ thống camera giám sát, camera hành trình trở nên phổ biến và dễ dàng tiếp cận, các tình huống này được lan truyền và thu hút sự quan tâm của cộng đồng", anh cho biết.
Khi đối diện yếu tố gây stress từ môi trường, xét từ góc độ tâm lý học, người ta thường có ba cách phản ứng. Cơ chế này viết tắt bằng 3 chữ f - fight (tấn công lại), flight (bỏ chạy) và freeze (bị tê liệt không thể phản kháng). Như vậy, việc dùng bạo lực khi gặp khó cũng là một hình thức phản ứng.
Vấn đề đặt ra là tại sao người ta tấn công bằng bạo lực mà không chọn biện pháp khác văn minh, an toàn hơn? Có thể điều đó đến từ mô hình tư duy dùng bạo lực giải quyết bất đồng, khác biệt. Mà sự lựa chọn này có khi hình thành từ rất lâu trong tâm trí do ảnh hưởng của giáo dục gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, văn hóa giao thông cũng đóng vai trò quan trọng, khi ý thức chấp hành luật lệ và tinh thần nhường nhịn còn hạn chế, trong khi chưa chú trọng giáo dục về thái độ ứng xử khi tham gia giao thông. Hơn nữa, sự lan truyền các vụ xung đột trên mạng xã hội và truyền thông vô tình tạo tâm lý bắt chước hoặc cảm giác rằng bạo lực là một cách giải quyết dễ dàng.
Đánh người đến chết não
Do mâu thuẫn sau khi va quẹt giao thông, tối 30-12-2024, anh B. (38 tuổi, ngụ Bình Dương) bị đánh ngất xỉu giữa giao lộ. Anh bị người đàn ông quật ngã xuống đường, dùng tay chân và nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu.
Theo luật sư Đoàn Văn Nên (giám đốc Công ty luật Nguyễn Đoàn, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM), cần xem xét kỹ tình huống ở nhiều góc độ.
Hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là khi một người chỉ muốn tác động vật lý nhưng không phải vào vùng trọng yếu như đầu, tim, phổi... Hành vi cố ý gây thương tích chỉ nhằm gây tổn hại sức khỏe người khác nhưng lại dẫn đến chết người. Nghĩa là việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.
"Tuy nhiên, hành vi dùng nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu nạn nhân dẫn đến chết người có thể bị xem xét ở tội danh giết người vì đánh trực tiếp vào vùng đầu là vùng trọng yếu nguy hiểm tính mạng.
Hành vi này có tính chất côn đồ, chiếu theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi 2017 thì người nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội giết người có thể bị phạt tù từ 7 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình", luật sư Nên nói.
(còn tiếp)
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ra-duong-so-say-la-bam-mat-sung-moi-vung-ngay-nam-dam-du-chi-va-cham-nhe-a207736.html