Bộ Quốc phòng Mỹ đưa Tencent, CATL vào danh sách "đen". Ảnh: Reuters. |
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa bổ sung 2 "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc là Tencent Holdings và nhà sản xuất pin CATL vào danh sách các công ty bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Bắc Kinh, theo Reuters.
Sau thông tin trên, cổ phiếu Tencent, công ty mẹ của ứng dụng WeChat nổi tiếng, đã giảm 7,3% trên sàn Hong Kong, khiến vốn hóa công ty "bốc hơi" khoảng 275 tỷ HKD (35,4 tỷ USD), đánh dấu phiên lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 10/2024 của cổ phiếu này.
Tương tự, cổ phiếu CATL cũng mất 2,8% trên sàn Thâm Quyến - mức giảm lớn nhất trong gần 3 tháng qua, khiến vốn hóa công ty giảm hơn 32,2 tỷ nhân dân tệ (4,4 tỷ USD).
Cả Tencent và CATL đều gọi đây là một "sai lầm". Tencent khẳng định các hoạt động kinh doanh sẽ không bị ảnh hưởng và công ty sẽ tiến hành các thủ tục yêu cầu xem xét lại, thậm chí khởi kiện nếu cần.
Trong khi đó, CATL - nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới - phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với các hoạt động quân sự.
Giới phân tích nhận định việc xuất hiện trong danh sách "đen" có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
CATL không chỉ là nhà cung cấp pin xe điện cho Tesla mà còn cho nhiều nhà sản xuất ôtô thuộc hàng lớn nhất thế giới, từ Stellantis NV đến Volkswagen AG. Việc CATL bị đưa vào danh sách "đen" của Mỹ có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái đó, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc về xe điện - một lĩnh vực công nghiệp quan trọng.
Mặc dù không áp đặt lệnh cấm ngay lập tức, việc bị đưa vào danh sách này có thể gây tổn hại đến uy tín của các công ty liên quan. Hơn nữa, điều này tạo thêm áp lực buộc Bộ Tài chính Mỹ phải xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn.
Danh sách này, được cập nhật hàng năm theo Mục 1260H của luật Mỹ, năm nay đã bao gồm 134 công ty, trong đó có các tên tuổi lớn như nhà sản xuất chip Changxin Memory Technologies, công ty sản xuất drone Autel Robotics và tập đoàn vận tải Cosco Shipping Holdings.
Nhà sản xuất máy bay Comac và 2 công ty con thuộc tập đoàn dầu khí Cnooc cũng có mặt trong danh sách. Trong khi đó, một số công ty như AI Beijing Megvii Technology và China Railway Construction đã được gỡ bỏ do không còn đáp ứng các tiêu chí.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án hành động này, gọi đây là "bất hợp pháp" và tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nước này. Phát ngôn viên của Quectel, một công ty bị ảnh hưởng, khẳng định không có liên hệ nào với quân đội và sẽ yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét lại quyết định.
Theo các chuyên gia, danh sách này không chỉ mang tính chất cảnh báo mà còn là công cụ để Washington siết chặt kiểm soát đối với các công nghệ nhạy cảm, đồng thời gia tăng rủi ro cho các công ty Mỹ khi hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Craig Singleton, chuyên gia tại Foundation for Defense of Democracies nhấn mạnh rằng phạm vi bảo vệ công nghệ của Mỹ đang được mở rộng và các công ty Mỹ cần thận trọng hơn trong các mối quan hệ hợp tác.
Dù bị đưa vào danh sách, Tencent được nhận định vẫn có cơ hội cao để được loại trừ thông qua các kênh pháp lý tại Mỹ. Tuy nhiên, nhà phân tích Ivan Su của Morningstar cảnh báo rằng việc bị liệt kê vẫn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của công ty.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/my-liet-ke-tencent-catl-vao-danh-sach-den-a208694.html