Tết Nguyên đán năm ngoái, Phan Quỳnh (28 tuổi, nhân viên văn phòng) đặt chiếc áo dài trên mạng để diện dịp lễ. Nhưng do đặt quá sát ngày, đơn hàng về muộn, ra Tết cô mới nhận được, đành cất vào tủ và chờ suốt một năm để đến ngày có thể mặc.
"Rút kinh nghiệm, năm nay tôi chốt đơn trước cả tháng để hàng kịp về dùng trong dịp Tết. Những năm gần đây, tôi đã quen với việc sắm Tết online, vừa có nhiều lựa chọn, lại không phải mang vác lỉnh kỉnh về nhà", Quỳnh chia sẻ với Tri Thức - ZNews.
Không riêng Phan Quỳnh, ngày càng nhiều người chuộng đặt hàng qua mạng trong đợt mua sắm lớn nhất trong năm này. Từ quần áo, bánh kẹo, đồ ăn, quà tặng đến phụ kiện, tất cả đều có thể chốt đơn chỉ bằng một cú chạm giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức.
Đi chợ Tết online
Còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết, Phan Quỳnh đã bắt đầu rục rịch đặt hàng, chủ yếu là đồ trang trí, bánh kẹo và một số món ăn đặc sản mà gia đình yêu thích.
Cận Tết cũng là dịp các shop tung chương trình giảm giá, tặng kèm nên cô đã có nhiều đêm "mất ngủ canh sale", để chốt được giá hời nhất.
"Mua sắm online rất thuận lợi, giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Đặc biệt có nhiều chương trình ưu đãi, mã giảm giá từ sàn lẫn shop nên có những món đồ mua được với giá hời. Cũng nhờ mua sắm online, tôi được thưởng thức nhiều đặc sản vùng miền mà không cần phải di chuyển", Quỳnh nói.
Phan Quỳnh chọn mua sắm đồ Tết online vì tiện lợi, giá hời. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, theo cô gái 28 tuổi, mua hàng qua các sàn thương mại điện tử sẽ không được tận tay kiểm chứng trước khi chốt đơn.
Điều này dễ gây rủi ro khi đặt hàng sát Tết, vì nếu lúc nhận hàng không ưng ý, dù được đổi trả cũng sẽ mất nhiều thời gian, có thể khi nhận lại sẽ chậm trễ so với nhu cầu sử dụng.
Đảm bảo chất lượng và đong đếm thời gian nhận hàng cũng là hai yếu tố quan trọng đối với Hoa Nguyễn (30 tuổi) khi sắm Tết online, bên cạnh mức giá hời so với khi mua trực tiếp ở cửa hàng.
Các năm trước, cô chủ yếu mua bánh kéo và đồ ăn vặt ngày Tết ở những siêu thị, cửa hàng bách hóa gần nhà. Nhưng năm nay, Hoa quyết định đặt hàng online để có thể mời khách những món mới lạ hơn, như thịt trâu gác bếp Tây Bắc hay kẹo nuggets.
"Tôi thường xem thông tin về món hàng và đánh giá của những người mua trước, rồi chốt đơn trong livestream của những người nổi tiếng trên TikTok. Như vậy vừa đảm bảo uy tín, lại được giá ưu đãi hơn", Hoa nói.
Cô cho biết thêm mình đã chi khoảng 2 triệu đồng cho các loại bánh kẹo và sẽ mua thêm.
Hoa nhận xét mua trên mạng ngày nay không khác gì "đi chợ" khi có vô vàn lựa chọn khác nhau, thứ gì cũng có. Thay vì trả giá như ở chợ truyền thống để có giá hời, cô cũng quen với việc so sánh giá ở các shop, trên các sàn khác nhau.
Bùng nổ sắm Tết online
Hoàng Diệp (25 tuổi, Nghệ An), nhân viên truyền thông tại TP.HCM, cho biết mọi thứ cô cần cho dịp Tết đều có sẵn trên các sàn thương mại điện tử với mức giá đa dạng.
Dịp Tết, ở quê cô thời tiết rất lạnh nên trước Tết một tháng, cô đã bắt đầu đặt đồ ấm và gửi thẳng về địa chỉ ở nhà.
"Một số mẫu áo dạ tôi đặt từ shop ở nước ngoài, phải chờ lâu nên sẽ đặt sớm, đảm bảo giao kịp cho dịp lễ. Năm ngoái, tôi đã dính 'kiếp nạn' đơn quần ấm giao tại TP.HCM lúc đã ở quê nên bây giờ quyết định giao thẳng về nhà luôn, cũng đỡ phải mang vali nặng", Diệp nói.
Không chỉ quần áo hay bánh kẹo, cô còn dự định đặt cả hoa tuyết mai, bình cắm hoa, phụ kiện trang trí Tết và một số loại trái cây qua sàn thương mại điện tử.
Diệp nhận xét sự phát triển thần tốc của các sàn cũng như đơn vị vận chuyển đã khiến việc mua sắm online trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.
"Cái khó bây giờ là tôi còn nhiều món cần sắm nhưng phải giữa tháng 1 mới có lương nên chưa đặt hàng được ngay. Tôi khá lo lắng rằng tới lúc đó sẽ rơi vào dịp cao điểm, bị quá tải và chậm đơn", cô bày tỏ.
Khách hàng cần cân nhắc thời gian chốt đơn để kịp có đồ dùng dịp lễ. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Có thể thấy sắm Tết online đã trở thành xu hướng bùng nổ tại Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt phổ biến kể từ sau đại dịch.
Theo báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) Metric, được công bố vào tháng 3/2024, doanh thu bán hàng trong 2 tháng cao điểm sắm Tết (tháng 1 và 2/2024) trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo đã vượt 40.000 tỷ đồng.
Con số này đã tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và 110% so với cùng thời điểm năm 2022.
Trong đó, người tiêu dùng có xu hướng đẩy mạnh mua sắm vào giai đoạn đầu và cuối tháng 1. Bước sang tháng 2, càng về sát Tết, doanh thu bán hàng trên các sàn TMĐT càng giảm dần và chạm đáy 2.000 tỷ đồng trong tuần nghỉ Tết (8-14/2).
Dịp cao điểm này, người mua sắm nên cân nhắc đặt hàng sớm để tránh quá tải.
Lý giải nguyên nhân hàng hóa thường tắc nghẽn cận Tết, thạc sĩ Đỗ Quang Huy - chuyên gia TMĐT, Giám đốc công ty Ecotop - cho biết bên cạnh việc nhu cầu mua sắm tăng cao, hầu hết người tiêu dùng có tâm lý muốn nhận hàng trước Tết để kịp mang về quê.
Trong khi đó, các shipper cũng muốn nghỉ sớm để về quê với gia đình và có thời gian sắm Tết. Sự không ăn khớp giữa cung và cầu khiến hoạt động giao vận gặp nhiều gián đoạn.
"Gần Tết, các công ty vận chuyển cũng có chế độ thưởng phạt khác nhau dẫn đến động lực lao động của người giao hàng bị giảm sút. Thông thường, tình trạng giao vận chậm, quá tải sẽ xảy ra từ 23 Âm lịch", ông Huy nhận định.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/dat-ao-dai-mac-tet-hang-khong-ve-kip-phai-cat-tu-ca-nam-troi-a208871.html