HLV Kim Sang-sik đã hoàn thành chỉ tiêu. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Dù cam kết “sẽ nhảy hiphop nếu Việt Nam vô địch” hồi tháng 6/2024, HLV Kim Sang-sik cũng không nghĩ ông sẽ có cơ hội thực hiện lời hứa với người hâm mộ sớm đến vậy. Càng đáng nói hơn, ông Kim nhảy ngay trên sân Rajamangala, nơi Thái Lan bất bại ở AFF Cup suốt 16 năm, sau màn lội ngược dòng ngoạn mục giúp đội tuyển Việt Nam vô địch.
Ông Kim cũng giúp tuyển Việt Nam chạm đến hàng loạt cái đầu tiên tại giải Đông Nam Á: lần đầu vô địch trên sân khách, lần đầu hạ Thái Lan 2 lần trong một giải, lần đầu thắng tới 7 trong 8 trận, ghi nhiều bàn thắng trong thời gian bù giờ nhất lịch sử giải đấu.
Cho đến hôm nay, vẫn còn hoài nghi đọng lại: đội tuyển Việt Nam của HLV Kim Sang-sik thực sự có nền tảng hay đây chỉ là thành công nhất thời, chúng ta giỏi hay may mắn, nếu không có Xuân Son thì sao. Tuy nhiên, ông Kim khẳng định: chiến thắng nói lên tất cả. HLV người Hàn Quốc để VFF thuê về nhằm giành chiến thắng và ông đã làm được.
Ông Kim nhảy múa ăn mừng cùng tuyển Việt Nam trên sân Rajamangala. Ảnh: Anh Tiến. |
Điểm đến kế tiếp
Sau ASEAN Cup 2024, tuyển Việt Nam sẽ dự vòng loại Asian Cup 2027, với 6 trận đấu trải đều trong 6 đợt tập trung FIFA Day (tháng 3, 6, 9, 10, 11 và tháng 3/2026). Thầy trò ông Kim nằm cùng bảng Malaysia, Nepal và Lào, với mục tiêu giành ngôi đầu để đoạt tấm vé duy nhất dự VCK.
So với ASEAN Cup, rõ ràng hành trình ở vòng loại Asian Cup 2027 suôn sẻ hơn. Đội tuyển Việt Nam mạnh vượt trội Nepal và Lào, trong khi Malaysia từ lâu cũng chẳng còn là chướng ngại.
Tại ASEAN Cup 2024, Malaysia thua Thái Lan, hòa Singapore và Campuchia. Dù bị thiếu hụt lực lượng do CLB Johor Darul Ta’zim từ chối nhả người và một số cầu thủ nhập tịch, gốc ngoại vắng mặt, đây vẫn không phải lý do bào chữa cho thất bại của người Mã.
Thử thách nếu có sẽ nằm ở chuyến hành quân đến sân Bukit Jalil, nơi cảm giác thi đấu giữa hàng vạn CĐV Malaysia chưa bao giờ dễ thở. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam từng thắng ở đây, và cũng đã thắng Thái Lan ngay trên sân nhà của đối thủ.
Mấu chốt trong năm 2025 không chỉ nằm ở chiến dịch vòng loại Asian Cup mà còn là dịp để HLV Kim Sang-sik tái cấu trúc lại đội tuyển Việt Nam, với mục tiêu lớn nhất mang tên vòng loại World Cup 2030 (bắt đầu khởi tranh từ năm 2027). Vô địch Đông Nam Á đã khó, dìu dắt đội tuyển vượt qua khoảng thời gian chuyển giao còn gian nan hơn nhiều lần. Đây mới thực sự là cửa ải, là thước đo giá trị nhất đối với năng lực của HLV Kim Sang-sik.
Đội tuyển Việt Nam đã trở lại đỉnh cao Đông Nam Á, nhưng hãy thẳng thắn thừa nhận: đây chưa phải là đội tuyển mới mẻ thực chất. Ông Kim tận dụng tốt nguồn cựu binh từ thời HLV Park Hang-seo với những gương mặt cũ như Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Xuân Mạnh, Thành Chung, Tiến Linh, kết hợp những hạt giống được cấy lên từ V.League như Ngọc Tân, Ngọc Quang, Đình Triệu, Xuân Son, Văn Vĩ cùng các nhân tố trẻ như Vĩ Hào, Văn Khang.
Ngọc Tân chơi hay ở ASEAN Cup 2024, nhưng 2-3 năm sau thì chưa chắc. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Hãy đi vào phân tích ba nhóm cầu thủ này. Nhóm cựu binh đội tuyển đã kinh qua nhiều giải đấu lớn như Asian Cup 2019, vòng loại World Cup 2022 và 2026, U23 châu Á 2018, 2020 và 2022. Họ từng mang đến thành công vang dội trong 5 năm HLV Park Hang-seo nắm quyền và cho đến nay, đây vẫn là thế hệ ưu tú nhất bóng đá Việt Nam từng sản sinh.
Tuy nhiên sau chu kỳ thành công, không còn nhiều cái tên giữ đà phát triển. Một trong những ngôi sao sáng nhất ASEAN Cup 2024 là Hoàng Đức xuống hạng Nhất thi đấu. Phần còn lại ghim chặt sự nghiệp với V.League, vốn dĩ là sân chơi có thể đưa cầu thủ lên tầm Đông Nam Á, nhưng để “vượt thác” thì không đủ.
Nhóm thứ hai là các phát hiện mới ở V.League, nơi Ngọc Tân và Đình Triệu chơi nổi bật. Dù vậy, cả hai đều bước qua độ ngoài 30, ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. ASEAN Cup 2024 có thể là lần đầu, cũng là lần cuối cả hai “bùng cháy”. Dẫu họ là tấm gương tiêu biểu cho sự cầu tiến và không từ bỏ, nhưng nhìn toàn cục, HLV Kim Sang-sik khó xây dựng đội tuyển về lâu dài với những cầu thủ này.
Nhóm thứ ba mới đúng nghĩa phản ánh “sức khỏe” của nền bóng đá, đó là các cầu thủ trẻ. Lãnh đạo VFF, HLV Philippe Troussier, HLV Kim Sang-sik và giới chuyên môn từng nhiều lần nhắc đến khía cạnh cần lớp kế cận sớm chứng tỏ tài năng ở đội tuyển Việt Nam, khi lứa đàn anh đã đạt đến giới hạn trình độ và khó vượt ngưỡng.
Chức vô địch ASEAN Cup 2024 cho thấy các cựu binh vẫn còn nguyên giá trị, nhưng khó có thể tốt hơn được nữa. Ở độ tuổi 27 đến 29 (sẽ là 29 đến 31 sau đây 2 năm nữa khi đá vòng loại World Cup 2030), cơ hội nâng tầm thể lực và kỹ chiến thuật gần như không còn, khát vọng dường như sẽ vơi cạn sau vinh quang trên đất Thái.
Lứa cầu thủ này đã hoàn thành tròn trịa sứ mệnh lịch sử suốt từ năm 2018 đến nay, nhưng bóng đá Việt Nam không thể cứ mãi phụ thuộc vào một thế hệ.
Đội tuyển Việt Nam phải trẻ hóa, nhưng lứa trẻ đã làm được gì tại ASEAN Cup 2024? Vĩ Hào với nguồn năng lượng cơ động trên hàng công (lọt nhóm các cầu thủ tranh chấp và thu hồi bóng tốt nhất), song còn vụng về và non nớt. Tuy nhiên, đá được như Vĩ Hào… đã là tốt.
Những tài năng trẻ còn lại như Văn Khang, Trung Kiên đều dự bị. Quốc Việt, Văn Trường, Đình Bắc hay Thái Sơn (bị loại trước giải) đều chưa sẵn sàng cho bất cứ điều gì. Đây là thế hệ tiếp nối sẽ mang trách nhiệm gánh vác đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2030, khi họ đã 24, 25 tuổi. Nhưng đến lúc này, tấm áo tuyển vẫn quá rộng với họ.
Vĩ Hào tạm ổn chứ chưa đủ tầm so với các đàn anh hiện tại. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Mài ngọc
Nửa năm đầu của ông Kim đã khép lại với tóm tắt như sau: đào xới cả nền bóng đá để tìm ra 26 cầu thủ tốt nhất, với mục tiêu chiến thắng giải đấu ngắn hạn. Ông đã làm được.
Nhưng mục tiêu thứ hai sẽ rất khác. Ông cần phát hiện và mài giũa cầu thủ trẻ, rồi đan cài dần dần với lứa cựu binh để tạo nên dòng chảy tiếp nối cho đội tuyển Việt Nam. Khi đã xong mục tiêu đường ngắn, đội tuyển quốc gia cần trở lại với đường dài.
Sẽ không có chức vô địch nào cho thầy Kim khi trẻ hóa đội tuyển, cũng chẳng có giải đấu nào để kiểm chứng công việc của ông tựa tựa như ASEAN Cup nữa. Nhưng, đó là con đường ông thầy người Hàn và bóng đá Việt Nam phải bước qua.
Nếu không xây dựng được nền tảng bền vững, chức vô địch Đông Nam Á sẽ chỉ như liều thuốc gây tê, giúp chúng ta tạm vượt qua cơn đau. Khi thuốc hết, đau đớn sẽ trở lại.
Trên hành trình ấy, ông Kim vẫn có vòng loại U23 châu Á 2026 (tháng 9) và SEA Games 33 (tháng 12) để đánh giá năng lực cầu thủ. Mục tiêu lọt vào VCK U23 châu Á là bắt buộc, còn tại SEA Games, có thể ông Kim sẽ lại nhận chỉ tiêu vào chung kết.
Nhìn vào chất lượng cầu thủ trẻ, với những hạt giống tiềm năng nhất đang bị gạt ra bên lề đội tuyển Việt Nam, có thể hình dung chặng đường gập ghềnh phía trước của thầy Kim. Khả năng đọc trận đấu tốt, xoay xở khôn ngoan và truyền lửa của ông đã đưa đội tuyển Việt Nam lên ngai vàng. Nhưng, đó là thành công trong ngắn hạn.
Về dài hạn, bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn ở ông Kim: tầm nhìn, chiến lược dùng người, cách tạo niềm tin cho cầu thủ trẻ. Và, ông Kim cũng cần nhiều hơn ở bóng đá Việt Nam: nền tảng con người với tư duy chơi bóng và kỹ chiến thuật tốt để từ đấy xây dựng nên thành trì.
Không thể yêu cầu ông Kim quá nhiều điều, khi nền móng còn lỏng lẻo. Mà chuyện xây móng, phải bắt đầu từ cấp CLB. Sự sẵn sàng cho chu kỳ thành công mới đã được nhìn thấy ở HLV Kim Sang-sik, nhưng bóng đá Việt Nam thì chưa chắc.
NXB Công Thương giới thiệu cuốn "Triết lý lãnh đạo Park Hang-seo", nghiên cứu những kỹ năng quản trị và phong cách lãnh đạo của ông Park, thứ đã góp phần tạo nên thành công của ông ở tuyển Việt Nam ngày nay.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/dieu-gi-cho-doi-tuyen-viet-nam-sau-asean-cup-a208938.html