Người trẻ ở TP.HCM: 'Tôi đi làm cả đời cũng không mua nổi nhà'

Giá bất động sản đắt đỏ khiến giấc mơ có căn nhà riêng của nhiều người trẻ tại TP.HCM ngày càng xa vời.

Sinh sống và làm việc tại TP.HCM 6 năm, Huyền Như, nhân viên văn phòng 28 tuổi, thấy mình luôn đứng ngoài giấc mơ mua nhà ở thành phố này.

Với mức thu nhập 18-23 triệu đồng/tháng, Như thuê căn phòng giá 4 triệu đồng (chưa tính điện, nước, phí quản lý). Trung bình mỗi tháng, cô tiêu tốn ít nhất 15 triệu đồng cho phí sinh hoạt, mua sắm và tiết kiệm 5-7 triệu đồng.

"Vào những tháng lễ, Tết đi về quê Hà Tĩnh hoặc có một chuyến du lịch, tôi không thể dôi dư. Ngót nghét 30 tuổi, tài khoản tiết kiệm của tôi cũng chỉ chạm mốc 200 triệu đồng, dĩ nhiên căn nhà vài tỷ đồng ở thành phố là điều quá xa vời", Như nói với Tri Thức - Znews.

Huyền Như không phải người trẻ duy nhất mắc kẹt giữa giấc mơ mua nhà ở TP.HCM để an cư.

Giá bất động sản tăng chóng mặt, đặc biệt vào những năm hậu đại dịch Covid-19, trong khi thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều người khẳng định có đi làm cả đời cũng không thể mua nổi nhà.

Theo báo cáo điều tra về nhu cầu nhà ở đến năm 2030 của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, người dân tại thành phố chỉ có khả năng chi trả nửa căn nhà (trung bình là 49-68% giá trị một bất động sản).

Cụ thể, báo cáo cho biết người dân TP.HCM chủ yếu muốn tìm các căn hộ một phòng ngủ, chỉ số ít muốn tìm mua căn hộ 2 ngủ. Tuy nhiên, với diện tích trung bình mong muốn khoảng 66 m2 và mức giá từ 2,3 tỷ đến 8 tỷ đồng, khả năng chi trả của người dân hiện chỉ đạt khoảng 53% giá trị căn hộ.

Làm cả đời cũng không mua nổi nhà

Còn độc thân, chưa chịu gánh nặng lo cho con cái, Huyền Như đã cảm thấy sức ép giá bất động sản đè nặng. Cuối năm ngoái, chủ nhà đề nghị tăng giá thuê lên 500.000 đồng/tháng kể từ tháng 1 năm nay.

"Hiện tại, tiền tôi tích lũy cũng chỉ đủ để phòng cho những trường hợp bất trắc. Thu nhập không tăng trong khi giá cả sinh hoạt ở thành phố ngày càng đắt đỏ, tôi nghĩ thay vì mua nhà rồi trả nợ, chi bằng dùng tiền để du lịch và tận hưởng các sở thích cá nhân sẽ tốt hơn", Như bày tỏ.

mua nha sai gon anh 1

Huyền Như không mơ đến chuyện mua nhà thành phố. Ảnh: NVCC.

Kết hôn và có con đầu lòng vào năm 2016, chị V.P. (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cùng chồng đã có kế hoạch mua nhà. Nhưng sau một lần dính dự án lừa đảo, chị cạn tiền và không còn hy vọng mua được nhà, chấp nhận cảnh thuê trọ thêm hàng chục năm nữa.

Chị P. cho biết vào khoảng năm 2016, có một số dự án chung cư được mở ra với mức giá khoảng 1,2 tỷ đồng/căn nếu đặt cọc và trả dần trong quá trình xây dựng, còn đợi khi xây xong giá lên hơn 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vì kinh tế còn hạn chế và mâu thuẫn giữa hai vợ chồng trong nhu cầu ở chung cư hay nhà mặt đất, phải đến năm 2020, khi có em bé thứ 2, vợ chồng chị P. mới bắt đầu đặt cọc một dự án chung cư ở quận Bình Tân.

"Chồng tôi đi xem nhà mẫu thấy ưng, liền đặt cọc 30 triệu đồng và ký hợp đồng. Sau khi cả nhà đồng thuận, chúng tôi đã đóng tiền nhiều đợt, mỗi lần 50-100 triệu đồng. Mẹ chồng tôi ở quê cũng cầm cố sổ đỏ để chúng tôi có tiền đóng", chị P. kể.

Sau 4 lần đóng tiền, đến năm 2021, nhân viên bán hàng bất ngờ bảo vợ chồng chị ngưng đóng tiền, đợi "ra sổ được" rồi đóng tiếp.

"Tôi bắt đầu thấy dấu hiệu không ổn. Sau đó, nhiều vấn đề phức tạp khác xảy ra, chúng tôi mới vỡ lẽ mình đã dính dự án lừa đảo. Họ dùng một dự án ma để bán cho rất nhiều người", người phụ nữ 34 tuổi nhớ lại.

Cuối cùng phải thanh lý hợp đồng, chị P. chỉ được trả 50 triệu đồng trong lần một. Chị cùng hàng chục nạn nhân của dự án này rất mệt mỏi để đòi lại tiền. Đến nay, số tiền đó vẫn bị treo và không biết đến bao giờ chị mới có thể nhận lại.

"Tôi đã phải vay quỹ công ty để trả nợ ngân hàng và gửi về quê để mẹ chồng lấy sổ đỏ về. Những năm qua thực sự quá mệt mỏi", chị kể.

mua nha sai gon anh 2

Giá bất động sản ở TP.HCM ngày càng cao. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hiện tại, với tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ ở mức gần 25 triệu đồng/tháng, vừa phải nuôi 2 con nhỏ đang đi học, chị P. không còn nghĩ đến việc mua nhà thành phố.

"Tiền sinh hoạt, tiền học cho con khiến tháng nào tôi cũng đau đầu tính toán, còn sức đâu mà nghĩ việc mua nhà. Những người có thu nhập bình thường, làm cả đời cũng chẳng mua nổi nhà ở đây nữa. Thà rằng cứ ở trọ như vậy mà khỏe hơn", chị kết luận.

Giấc mơ thành thật nhờ bố mẹ

Mỹ Linh (24 tuổi) hiện làm nhân viên cho một công ty truyền thông ở quận 1. Thu nhập của cô loanh quanh ở mức 10 triệu/tháng, đã tính tiền lương và các công việc bên ngoài.

"Với thu nhập hiện tại, tôi nghĩ làm cả đời cũng không mua được nhà ở TP.HCM. Đó là giấc mơ không tưởng", cô chia sẻ.

Hơn nữa, Linh không thấy quá nhiều lợi ích khi mua nhà ở thành phố.

"Tôi chưa chắc sẽ ở đây cả đời. Vậy nghĩ đến việc mua nhà làm gì cho mệt đầu", cô gái quê Nghệ An nói.

mua nha sai gon anh 3

Mỹ Linh được bố mẹ mua cho căn hộ ở vùng ven thành phố. Ảnh: NVCC.

Nhưng vào tháng 10/2024, giấc mơ không tưởng của Mỹ Linh một phần trở thành hiện thực khi bố mẹ cô mua căn chung cư ở Cát Lái, cách trung tâm TP.HCM 20 km, với giá 2,3 tỷ đồng.

Với Linh, mua nhà vùng ven có cả lợi ích lẫn hạn chế.

"Đầu tiên, nhà vùng ven rẻ hơn hẳn so với trung tâm. Cơ sở vật chất tại chung cư của mình cũng mới vì vừa bàn giao hồi tháng 9/2024", cô nói.

Bất tiện lớn nhất, theo Linh, là nhà ở quá xa, không thuận tiện để đi làm tại trung tâm TP.HCM. Các dịch vụ như siêu thị, quán cà phê, trung tâm thương mại cũng khá thưa thớt. Trung bình, Linh phải chạy ít nhất 4 km để mua đồ ăn hay các vật dụng cần thiết.

Song, cô gái 24 tuổi vẫn khẳng định mua nhà ở TP.HCM giúp cuộc sống thuận tiện hơn hẳn. Bố mẹ cô muốn con gái tự tin theo đuổi công việc yêu thích, lỡ có thất bại cũng không lo vô gia cư, không có tiền thuê nhà.

"Căn chung cư 2 phòng ngủ của tôi đang cho thuê 1 phòng để tăng thu nhập cho gia đình", cô cho biết.

Minh Tâm (31 tuổi) làm việc cho công ty xuất bản ở quận 1. Lương cứng của cô hiện khoảng 15 triệu/tháng, cộng thêm những công việc bên ngoài, thu nhập dao động ở mức 15-25 triệu đồng. Tâm ngập ngừng mỗi khi nhắc đến việc mua nhà.

"Để mua được nhà TP.HCM, tôi ít nhất phải có 1,5 tỷ đồng trong túi và lịch sử tín dụng đẹp để vay thêm 1,5 tỷ đồng. Đến lúc vay được, tôi phải đi làm trả nợ thêm 15-20 năm, thật sự rất áp lực", cô tâm sự.

Đầu năm 2023, Tâm được cha mẹ hỗ trợ mua nhà ở quận Bình Thạnh với giá khoảng 3,5 tỷ đồng. Cô nhấn mạnh bản thân không bị ràng buộc bởi quan điểm an cư lạc nghiệp

Tâm xem căn nhà hiện tại là khoản tiền để dành, đầu tư của cha mẹ dành cho con gái. Hiện cô vẫn ở trọ tại quận 1 để thuận tiện cho công việc, nhà cho thuê để tăng thu nhập.

"May mắn có gia đình hỗ trợ, nếu chỉ mình tôi, không biết đến bao giờ mới có thể cầm trên tay cuốn sổ hồng", cô bộc bạch.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nguoi-tre-o-tphcm-toi-di-lam-ca-doi-cung-khong-mua-noi-nha-a209057.html