Lo ngại bị cuốn vào vòng xoáy giảm phát như Nhật Bản, nền kinh tế số 1 châu Á 'vung tiền' để trợ giá mọi thứ từ lò vi sóng đến máy giặt

Người tiêu dùng của Trung Quốc đang chi tiêu ít hơn. Theo đó, Bắc Kinh đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để kích thích chi tiêu, ngay cả đối với các mặt hàng gia dụng cỡ nhỏ.

Hôm 8/1, Trung Quốc đã bổ sung các thiết bị gia dụng, bao gồm lò vi sóng, máy lọc nước, máy rửa bát và nồi cơm điện, vào một chương trình được hỗ trợ mua hàng để thúc đẩy nhu cầu.

Chương trình này, được triển khai từ tháng 3, trước đó bao gồm các thiết bị điện tử lớn hơn như tủ lạnh, máy giặt, TV và điều hoà không khí. Chính phủ Trung Quốc trợ giá đến 20% cho thiết bị mới.

Bắc Kinh đã phân bổ 81 tỷ Nhân dân tệ (11 tỷ USD) cho chương trình này và cho biết đã ghi nhận kết quả tích cực.

Li Gang, một quan chức của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng chương trình trợ giá đã giúp doanh số bán ô tô đạt 920 tỷ Nhân dân tệ và thiết bị gia dụng là 240 tỷ Nhân dân tệ vào năm ngoái.

Trung Quốc đang đưa ra những nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy hoạt động tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hiện tại, quốc gia này phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm lĩnh vực bất động sản suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ cao.

Trong khi đó, các nhà kinh tế đặc biệt lo ngại về vòng xoáy giảm phát, tình trạng này sẽ dẫn đến một vòng luẩn quẩn của nhu cầu tiêu dùng giảm và giá cả thấp hơn.

Dữ liệu lạm phát chính thức mới được công bố cho thấy con số không mấy lạc quan, khi CPI của Trung Quốc trong năm ngoái chỉ tăng 0,2%. Trong tháng 12, CPI chỉ tăng 0,1% so với 1 năm trước và ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp do giá thực phẩm thấp hơn. CPI tháng 11 chỉ cao hơn 0,2% so với năm trước đó.

Lạm phát cơ bản chưa giảm nhờ các loại hàng hoá ngoài thực phẩm tăng cao hơn ở mức 0,2%. Tuy nhiên, dữ liệu về các loại hàng hoá này “chưa đủ để tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng”, theo Lynn Song, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại ING.

Giá quần áo, chi phí giáo dục và y tế đã tăng trong tháng 12. Nhưng chi phí vận tải, truyền thống, hàng hoá sử dụng hàng ngày và chi phí thuê nhà vẫn ở trong “vùng” giảm phát. Giá tại cổng nhà máy của nước này giảm tháng thứ 27 liên tiếp.

Các nhà phân tích nhìn chung dự báo lạm phát của Trung Quốc sẽ tăng trong tháng này nhờ các yếu tố theo chu kỳ như Tết Nguyên đán. Dẫu vậy, dữ liệu chính thức về giá nông sản bán buôn tại Trung Quốc cho đến nay vẫn thể hiện rằng giá thực phẩm giảm nhẹ và yếu hơn so với mọi năm, các nhà kinh tế của Nomura cho biết.

Tham khảo BI

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/lo-ngai-bi-cuon-vao-vong-xoay-giam-phat-nhu-nhat-ban-nen-kinh-te-so-1-chau-a-vung-tien-de-tro-gia-moi-thu-tu-lo-vi-song-den-may-giat-a209068.html