Bryan Johnson thử nhiều phương pháp chống lão hóa, bao gồm cả trao đổi huyết tương với con trai của ông. |
Cứ hai tuần, triệu phú công nghệ 47 tuổi này lại dùng 13 mg thuốc ức chế miễn dịch rapamycin, loại thuốc mà bệnh nhân ghép tạng dùng để giúp ngăn ngừa tình trạng đào thải nội tạng.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chưa chấp thuận rapamycin cho liệu pháp chống lão hóa, nhưng các bác sĩ đã kê đơn thuốc này không theo chỉ định vì nó đã được chứng minh là có thể kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh của chuột.
Trong bộ phim tài liệu mới của Netflix, Don't Die: The Man Who Wants to Live Forever, Johnson gọi thói quen của mình là "giao thức rapamycin tích cực nhất trong số những người trong ngành".
Nhưng không lâu sau khi quay phim tài liệu, ông thú nhận rằng đã ngừng dùng rapamycin vì sử dụng loại thuốc này có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
"Hơi điên rồ"
"Tôi dùng loại thuốc này vì nó có khả năng mang lại một số lợi ích về tuổi thọ. Đó là thứ mà mọi người trong cộng đồng chống lão hóa rất hào hứng. Nhưng ngoài cộng đồng, nó vẫn hơi điên rồ", Johnson nói trong phim.
Bryan Johnson cho biết loại thuốc được mệnh danh "thuốc trường thọ" khiến các chỉ số và tình trạng cơ thể của ông xấu đi. |
Johnson cho biết ông đã thử nghiệm rapamycin trong gần 5 năm, cho đến cuối tháng 9/2024. Hai tháng sau đó, ông thừa nhận đã dừng uống thuốc này.
Johnson chia sẻ đã thử nghiệm nhiều phác đồ dùng rapamycin khác nhau, bao gồm phác đồ hàng tuần (liều dùng 5, 6 và 10 mg), hai tuần một lần (liều dùng 13 mg) và xen kẽ hàng tuần để tối ưu hóa quá trình trẻ hóa và hạn chế tác dụng phụ.
"Mặc dù các thử nghiệm tiền lâm sàng có tiềm năng to lớn, nhóm của tôi đã đi đến kết luận rằng lợi ích của việc dùng rapamycin suốt đời không thể làm lu mờ những tác dụng phụ nghiêm trọng", vị triệu phú giải thích.
Johnson cho biết ông thỉnh thoảng bị nhiễm trùng da và mô mềm, lượng chất béo bất thường trong máu, lượng đường trong máu cao và nhịp tim khi nghỉ ngơi cao hơn.
"Do không xác định được nguyên nhân tiềm ẩn nào khác, chúng tôi nghi ngờ do rapamycin và vì việc điều chỉnh liều lượng không có tác dụng nên chúng tôi quyết định ngừng sử dụng hoàn toàn", ông nói.
Các chuyên gia y tế xuất hiện trong phim tài liệu của Netflix đã chia sẻ mối lo ngại về việc con người sử dụng loại chất này để kéo dài tuổi thọ.
Tiến sĩ Oliver Zolman, bác sĩ chuyên khoa tuổi thọ làm việc với Johnson, cho biết: "Do rapamycin ức chế hệ thống miễn dịch nên tác dụng phụ có thể bao gồm các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn rất nguy hiểm, như viêm phổi, viêm mô tế bào hoặc viêm họng".
Tiến sĩ Vadim Gladyshev, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, cho biết cần phải có "những thí nghiệm được thiết kế phù hợp" để kiểm tra hiệu quả của rapamycin trong việc làm chậm quá trình lão hóa ở người.
"Sau đó, chúng ta có thể đưa ra kết luận khoa học. Những gì Bryan đang làm, đó không phải là cách tiếp cận khoa học", Gladyshev nói trong phim tài liệu.
Một bữa ăn sáng của Bryan Johnson. |
Tranh cãi
Khi giải thích lý do ngừng sử dụng rapamycin, Johnson đã chỉ ra một nghiên cứu gần đây rằng "rapamycin làm tăng quá trình lão hóa sinh học theo hai cách, trong khi không hiệu quả theo các biện pháp còn lại".
Có những nghiên cứu khác về rapamycin đang được tiến hành. Một nghiên cứu từ Đại học Washington đang đánh giá xem loại thuốc này có thể trẻ hóa sức khỏe răng miệng ở người lớn tuổi hay không.
Còn các bác sĩ tại NewYork-Presbyterian/Columbia đang nghiên cứu xem liệu rapamycin liều thấp có thể làm chậm quá trình lão hóa buồng trứng ở phụ nữ không. Nghiên cứu dự kiến kết thúc vào cuối tháng 10. Kết quả dự kiến có ngay sau đó, một đại diện của NY-P nói với The New York Post.
Ngoài việc dùng Rapamycin, Johnson còn khiến nhiều người ngạc nhiên vì chế độ ăn bao gồm ăn tối lúc 11 giờ sáng, tiếp xúc với liệu pháp sóng xung kích và trải qua quá trình trao đổi huyết tương nhiều thế hệ với cậu con trai tuổi teen và người cha lớn tuổi của mình.
Bryan Johnson theo đuổi phương pháp chống lão hóa nghiêm ngặt trong 5 năm qua. |
Khi thay huyết tương của mình bằng protein albumin vào mùa thu năm ngoái, Johnson khoe rằng chuyên gia y tế vận hành máy trao đổi huyết tương đã ngạc nhiên khi thấy huyết tương của ông "sạch hơn hẳn". "Ông ấy không thể ngờ được. Khi chúng tôi hoàn thành, ông ấy không thể tự mình vứt nó đi. Ông ấy đã tưởng tượng ra tất cả những điều tốt đẹp mà nó có thể mang lại cho thế giới", Johnson nói.
Johnson cho biết đã chi 2 triệu USD/năm cho các phương pháp chống lão hóa. Tuy nhiên, kết quả của quá trình này vẫn gây tranh cãi. Giữa tháng 11/2024, vị triệu phú đã chia sẻ những hình ảnh khuôn mặt biến dạng vì sưng tấy. Ông cho biết đang phải đối phó với phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm mỡ của người khác vào mặt mình.
Hồi tháng 5/2024, ông đăng 3 bức ảnh chân dung chụp các năm 2018, 2023 và 2024 để cho thấy ngoại hình thay đổi sau 6 năm đeo đuổi các phương pháp chống lão hóa. Nhưng theo nhiều người dùng Internet, khuôn mặt ông vẫn lộ rõ dấu hiệu tuổi tác, không hề trẻ hơn như những gì người này tuyên bố.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/trieu-phu-chong-lao-hoa-tra-gia-vi-uong-thuoc-truong-tho-a209163.html