Khi gia nhập Old Trafford vào ngày 22/1/2018, Alexis Sanchez được xem là một trong những cầu thủ xuất sắc thế giới. |
Khi Arsenal và Manchester United đối đầu tại FA Cup vào ngày 12/1, sự kiện đánh dấu gần tròn bảy năm kể từ một trong những thương vụ chuyển nhượng đáng tiếc nhất lịch sử Premier League. Quyết định này không chỉ mang lại hệ quả lâu dài cho cả hai câu lạc bộ mà còn để lại vết nhơ trong sự nghiệp của cầu thủ liên quan.
Thời kỳ tăm tối tại Manchester
Khi gia nhập Old Trafford vào ngày 22/1/2018, Alexis Sanchez được xem là một trong những cầu thủ xuất sắc thế giới. Nhưng chỉ 19 tháng sau, khi rời Old Trafford để đến Inter Milan, anh trở thành biểu tượng của thất bại và sự hỗn loạn tại Manchester United.
Câu chuyện về quãng thời gian thảm họa của Sanchez ở Manchester được kể đi kể lại nhiều lần. Chính anh cũng từng tiết lộ vào năm 2020 rằng muốn rời câu lạc bộ chỉ sau một ngày.
“Tôi nhớ buổi tập đầu tiên của mình. Sau khi buổi tập kết thúc, tôi về nhà và nói với gia đình và người đại diện: ‘Có cách nào xé hợp đồng để quay lại Arsenal không?’”.
Những chia sẻ này phần nào tiết lộ trạng thái cảm xúc của Sanchez khi ấy, còn các con số thống kê làm rõ sự sa sút phong độ của anh. Trong mùa giải cuối cùng tại Arsenal, Sanchez ghi 30 bàn sau 51 trận. Nhưng tại Manchester United, anh chỉ ghi được 2 bàn sau 27 trận trong mùa giải duy nhất trọn vẹn.
Hiện đã 36 tuổi, Sanchez tìm lại phong độ sau những ngày tháng khó khăn tại Manchester. Anh trở lại Udinese, nơi bản thân từng khẳng định tên tuổi tại châu Âu, sau khi giành hai chức vô địch Serie A cùng Inter Milan. Trong mùa giải 2022/23, ngôi sao người Chile thậm chí được vinh danh là cầu thủ xuất sắc của Marseille.
Dù vậy, với Manchester United, hậu quả từ thương vụ năm 2018 vẫn còn ám ảnh đến ngày nay. Quyết định trao cho Sanchez mức lương lên đến 560.000 bảng mỗi tuần tạo nên một gánh nặng khổng lồ, khiến đội bóng phải trả giá đắt cả về tài chính lẫn tinh thần.
Hợp đồng của Sanchez (sau này tiêu tốn thêm 9 triệu bảng để chấm dứt) phá hỏng cấu trúc lương của Manchester United. Nó đặt ra một tiêu chuẩn mới cho các cuộc đàm phán và khiến toàn bộ hệ thống lương tăng vọt. Những cầu thủ vốn nhận khoảng 100.000 bảng mỗi tuần bắt đầu đòi hỏi 200.000 bảng, trong khi những người nhận 200.000 bảng lại kỳ vọng 300.000 bảng.
Nhưng chỉ 19 tháng sau, khi rời Old Trafford để đến Inter Milan, anh trở thành biểu tượng của thất bại và sự hỗn loạn tại Manchester United. |
Chỉ trong vòng 18 tháng, Manchester United buộc phải tăng lương cho Marcus Rashford lên khoảng 250.000 bảng mỗi tuần và biến David de Gea trở thành thủ môn hưởng lương cao nhất thế giới với mức 375.000 bảng mỗi tuần. Ngay cả những cầu thủ ít quan trọng như Victor Lindelof cũng thương lượng lại hợp đồng với mức lương cải thiện đáng kể.
Một ví dụ điển hình khác là cuộc đàm phán gia hạn với Ander Herrera. Tiền vệ này yêu cầu mức lương 350.000 bảng mỗi tuần, buộc CLB phải cân nhắc gấp đôi lương để giữ chân anh. Nhưng cuối cùng, Herrera vẫn ra đi tự do, gia nhập Paris St-Germain vào tháng 7/2019.
Hợp đồng của Sanchez không chỉ gây hỗn loạn tài chính mà còn phá vỡ sự đoàn kết trong phòng thay đồ. Khi một cầu thủ nhận lương cao gấp nhiều lần so với đồng đội, anh phải thể hiện xứng đáng với kỳ vọng. Tuy nhiên, Sanchez lại không đáp ứng được điều đó.
Sai lầm này không chỉ là bài học đắt giá, mà còn bị lặp lại trong những năm sau đó. Kể từ 2018, Manchester United tiếp tục chiêu mộ những cầu thủ lớn tuổi với mức lương cao như Edinson Cavani, Raphael Varane, Cristiano Ronaldo và gần đây nhất là Casemiro. Không ai trong số họ mang lại giá trị tương xứng, và giờ đây Manchester United đang cố gắng tìm cách bán Casemiro để giảm bớt gánh nặng tài chính trong tháng này.
Sự thích nghi của Arsenal
Ngược lại, Arsenal cũng gặp vấn đề tài chính sau khi mất Sanchez. Vài ngày sau, họ trao cho Mesut Ozil bản hợp đồng trị giá 350.000 bảng mỗi tuần - một quyết định cũng không mấy thành công. Tuy nhiên, Arsenal đã nhanh chóng rút ra bài học, dù phải trả giá không nhỏ.
Thay vì để mức lương của Ozil làm gia tăng chi phí toàn đội, Arsenal thực hiện một loạt động thái mạnh tay, thanh lý hợp đồng với các cầu thủ lớn tuổi, lương cao, và tập trung phát triển những tài năng trẻ với mức lương thấp hơn.
Arsenal đầu tư nhiều cho dàn cầu thủ trẻ thời gian qua. |
Trước mùa hè năm nay, khi Manchester United bắt đầu thay đổi chiến lược, độ tuổi trung bình của các tân binh tại Old Trafford kể từ năm 2020 là khoảng 27. Trong khi đó, ở Arsenal, con số này dưới 25.
Liệu Alexis Sanchez sẽ được nhớ đến như thế nào? Với Manchester United, anh sẽ mãi là biểu tượng của sự hỗn loạn tài chính. Nhưng tại Arsenal, câu chuyện lại khác. Dù không được lòng đồng đội, Sanchez vẫn chiếm trọn tình cảm của người hâm mộ nhờ lối chơi phóng khoáng và đầy ngẫu hứng.
Người hâm mộ Arsenal chắc hẳn rất mong có một cầu thủ như anh hiện tại - một cầu thủ chạy cánh có thể tạo ra điều kỳ diệu, ghi bàn từ mọi tình huống và kiến tạo cơ hội bằng kỹ thuật điêu luyện.
Những tài năng như vậy không dễ tìm, và đó cũng là lý do các câu lạc bộ hàng đầu nước Anh ngày nay tập trung săn lùng các cầu thủ trẻ, giàu tiềm năng. Những thương vụ lớn với cầu thủ ở đỉnh cao phong độ thường mang rủi ro cao, và có thể mất nhiều năm để sửa chữa sai lầm từ một quyết định thiếu sáng suốt.
Cuốn tự truyện “Basta: My Life, My Truth” xuất bản năm 2019 của kể lại sự nghiệp Marco van Basten dưới góc nhìn thứ nhất. Huyền thoại người Hà Lan khép lại sự nghiệp ở tuổi 28 khi dính chấn thương mắt cá.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/cu-chuyen-nhuong-dinh-menh-lam-thay-doi-arsenal-va-tan-pha-mu-a209370.html