Mục tiêu đó đôi lúc đơn giản như thoát khỏi dòng kẹt xe, trở về nhà cùng gia đình, hay sâu thẳm hơn là được trở về là bản thân, và tìm được bình an.
Dĩ nhiên cuộc hành trình đó không đơn giản và dễ dàng được. Đoạn đường sẽ có bao nhiêu chướng ngại vật, bao thử thách, chông gai, không chỉ đến từ yếu tố ngoại cảnh mà còn đến từ những mâu thuẫn giữa những người xung quanh và trong chính bản thân nhân vật.
Những ngày này, trong thành phố, mọi đường gần như đều có kẹt xe. Mỗi cuộc hành trình trở về nhà của mỗi người đều như một kịch bản nhỏ với đầy đủ yếu tố mục tiêu và vật cản. Chúng ta đi đến một ngã tư, chờ đèn đỏ hàng chục giây thì ngã tư tiếp theo sẽ lâu hơn.
Chúng ta vượt qua hàng trăm người xung quanh, rẽ vào một con đường khác thì sẽ lại gặp tiếp hàng xe dày đặc hơn, không khí đặc quánh hơn.
Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm giao thông làm người dân chấp hành giao thông nghiêm túc đến mức tôi cảm tưởng họ là những nhân vật trong những bộ phim nghệ thuật, nơi các nhà làm phim có xu hướng bỏ qua yếu tố kịch tính để hướng đến biểu đạt cuộc sống và đi sâu đến những tầng lớp khác của cảm giác.
Nhìn hình ảnh thành phố được ghi nhận lại với những hàng xe nối dài, có phần trật tự và ngăn nắp theo cách riêng của nó so với trước đây, mang đến cả những cảm giác như vượt trên hiện thực.
Giữa sự ồn ã còi xe và không khí đặc quánh của đô thị, ta như bị cuốn vào một nhịp sống máy móc.
Nhân vật trong hành trình này không chỉ đối mặt với những thử thách vật lý mà còn phải vật lộn với những áp lực vô hình: sự mất kiên nhẫn, cảm giác bị mắc kẹt và nỗi ám ảnh về việc không thể tiến lên.
Nếu nhìn theo một góc độ khác, dòng người kẹt xe hàng giờ liền cũng giống như một cuộc diễn tập quy mô lớn của xã hội.
Trong đó mỗi người phải học cách điều chỉnh bản thân, chấp nhận những hạn chế và tương tác với những người xung quanh.
Đó là một hành trình không chỉ để đạt được mục tiêu vật lý mà còn để khám phá và rèn luyện bản thân. Liệu ta có giữ được sự bình thản, lòng vị tha, hay ta sẽ để sự giận dữ và mệt mỏi lấn át?
Trong các lớp học biên kịch, tôi thường nhấn mạnh rằng điều quan trọng không chỉ nằm ở đích đến mà là những gì nhân vật trải qua trên hành trình. Lắng vào bên trong, ta lại nhìn giao thông theo một cách khác. Mỗi lần dừng đèn đỏ là một cơ hội để ta tạm dừng và suy ngẫm.
Mỗi lần chuyển làn là một bài học về sự linh hoạt và khả năng thích nghi. Và mỗi khi chạm đến vạch đích - dù đó là về đến nhà hay chỉ đơn giản là thoát khỏi một giao lộ đầy hỗn loạn - là một bước tiến nhỏ nhưng đáng giá.
Cuối cùng nhân vật liệu có trở về nhà an toàn, kịp giờ cho những hoạt động buổi tối? Kịch bản thế nào cũng còn nhiều cú lật ngoạn mục như thầy trò Đường Tam Tạng phải gặp kiếp nạn thứ tám mốt.
Chúng ta rồi cũng trở về nhà, cũng học được cho bản thân một điều gì đó như ngày hôm sau cần đi làm sớm hơn, cần lùi giờ cơm tối hay hẹn hò vài chục phút. Cũng có thể chúng ta đã lớn lên hay vẫn đứng yên và chấp nhận thực tại.
Một kịch bản hay một bộ phim khác với đời thực ở chỗ bộ phim thường kết thúc, chúng ta có thể thương cảm, vấn vương, suy đoán về nhân vật, nhưng hình ảnh cuối cùng vẫn phải dừng lại. Còn với chúng ta, kịch bản kẹt xe ngày hôm nay khép thì ngày hôm sau sẽ vẫn tiếp tục.
Trong buổi cà phê tránh kẹt xe, tôi viết những dòng này. Khi gửi đi, tôi biết mình phải lao ra đường và tiếp tục cuộc hành trình trở về nhà.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/moi-lan-dung-den-do-a209481.html