Quốc gia ứng viên EU tuyên bố thâu tóm tài sản của 2 'ông lớn' năng lượng Nga: Moscow gặp rào cản mới sau khi Ukraine đóng sập đường ống khí đốt?

Serbia cho biết nước này đủ khả năng để mua lại cổ phần nhà máy lọc dầu Balkan từ Gazprom Neft và Gazprom nhằm bảo toàn sản lượng nhiên liệu trong nước do lo ngại chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Quốc gia ứng viên EU tuyên bố thâu tóm tài sản của 2 'ông lớn' năng lượng Nga: Moscow gặp rào cản mới sau khi Ukraine đóng sập đường ống khí đốt?- Ảnh 1.

Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic, mới đây cho biết quốc gia này có đủ khả năng tài chính để mua lại cổ phần của Nga tại nhà máy lọc dầu Naftna Industrija Srbije (NIS). Ông nói thêm rằng: “Điều này tưởng như không thực tế nhưng chúng tôi ‘có tiền’ và không phải đi vay.”

2 công ty năng lượng của Nga đang nắm giữ 56,15% cổ phần trong NIS, được định giá hơn 1 tỷ USD. Tuần trước, RT đưa tin ông Vucic dự đoán số cổ phần Serbia muốn mua lại từ 2 tập đoàn của Nga có thể là 500, 600 đến 700 triệu USD. Hiện chưa rõ chính xác ước tính chi phí mà ông Vucic đưa ra dựa trên cơ sở nào. Theo danh sách 100 công ty hàng đầu của Nga vào năm 2023 do chính phủ Serbia biên soạn, giá trị ước tính của riêng tài sản NIS là khoảng 4,4 tỷ euro (4,5 tỷ USD).

Ông Vucic phát biểu 1 ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố gói trừng phạt mới nhất nhắm đến lĩnh vực năng lượng của Nga. 2 nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Richard Verma và James C. O’Brien, đã đến Belgrade vào thứ Bảy và cho biết các biện pháp trừng phạt của Mỹ không nhằm mục đích gây tổn hại cho Serbia.

Gazprom và Gazprom Neft nắm giữ phần lớn cổ phần của NIS, trong khi công ty này là nhà máy lọc dầu duy nhất của Serbia và đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế nước này. Năm 2008, Serbia bán phần lớn cổ phần cho 2 tập đoàn của Nga và chỉ giữ lại 30% quyền sở hữu. NIS là công ty được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch chứng khoán Belgrade.

Thủ tướng Serbia cho biết nước này cần thực hiện thêm nhiều cuộc đàm phán với các quan chức Mỹ để xác định xem liệu có cần can thiệp vào lợi ích của Nga khi sở hữu đa số cổ phần trong NIS hay không. Hiện tại, Serbia có 45 ngày để tìm ra giải pháp nhưng chính phủ sẽ cần thêm thời gian để đàm phán một thoả thuận.

Trong bối cảnh Anh và các quốc gia EU quan trọng có khả năng phối hợp với Mỹ trong việc mở rộng lệnh trừng phạt Nga, NIS khó có thể duy trì quyền sở hữu hiện tại, ông Vucic cho hay. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, Serbia cũng muốn tránh rủi ro Nga tiếp quản nhà máy lọc dầu này.

Các lệnh trừng phạt mới đây được Mỹ công bố chủ yếu nhắm đến các hoạt động xuất khẩu bằng đường biển, tàu chở dầu và các bên mua bán dầu Nga, ít ảnh hưởng đến Serbia. Ông Vucic nói rằng, Serbia cũng cần thảo luận với các quan chức cấp cao ở Moscow, nhằm phù hợp với chính sách địa chính trị trung lập của nước này. Hiện tại, Serbia là ứng viên của EU, trong khi vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và ôn hoà với Moscow.

Gần đây, Bộ trưởng Bộ Khai khoáng và Năng lượng Serbia, Dubravka Dedovic, đã thành lập một nhóm quan chức có nhiệm vụ ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên dài hạn mới với Nga. Bà cũng nói thêm rằng, việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin là “mối ưu tiên hàng đầu”.

Tổng hợp 

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/quoc-gia-ung-vien-eu-tuyen-bo-thau-tom-tai-san-cua-2-ong-lon-nang-luong-nga-moscow-gap-rao-can-moi-sau-khi-ukraine-dong-sap-duong-ong-khi-dot-a209775.html