Chưa từng có trong lịch sử: Trung Quốc thặng dư thương mại 1 nghìn tỷ USD, cao gấp 5 lần kỷ lục của Mỹ, Nhật Bản, sản xuất đến 1/3 hàng hóa toàn cầu

Trung Quốc đang thống trị ngành sản xuất khi chiếm đến 1/3 hàng hóa toàn cầu, lớn hơn tổng sản lượng của Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại.

Mới đây, Trung Quốc công bố thặng dư thương mại của nước này đã đạt gần 1 nghìn tỷ USD năm 2024 khi xuất khẩu của nền kinh tế này tràn ngập thế giới, nhưng các doanh nghiệp và người dân trong nước lại thận trọng chi tiêu với hàng nhập khẩu.

Nếu điều chỉnh theo lạm phát, thặng dư thương mại năm 2024 của Trung Quốc vượt xa kỷ lục của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong thế kỷ qua, thậm chí là cả các cường quốc xuất khẩu như Đức, Nhật Bản hay Mỹ.

Các nhà máy của Trung Quốc đang thống trị ngành sản xuất toàn cầu ở quy mô mà không quốc gia nào từng trải qua ngoại trừ Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ II. Những sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của nước này đang tạo ra dòng lũ hàng giá rẻ dìm ngập các nền kinh tế.

Chưa từng có trong lịch sử: Trung Quốc thặng dư thương mại 1 nghìn tỷ USD, cao gấp 5 lần kỷ lục của Mỹ, Nhật Bản, sản xuất đến 1/3 hàng hóa toàn cầu- Ảnh 1.

Vô địch thiên hạ

Tổng cục Hải quan Trung Quốc (CGAC) cho biết nước này đã xuất khẩu 3,58 nghìn tỷ USD hàng hóa và dịch vụ vào năm ngoái, trong khi nhập khẩu 2,59 nghìn tỷ USD. Con số thặng dư 990 tỷ USD này đã phá vỡ kỷ lục trước đó của Trung Quốc là 838 tỷ USD vào năm 2022.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 1/3 hàng hóa toàn thế giới. Con số này lớn hơn tổng sản lượng của Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại.

Xin được nhắc rằng Trung Quốc đã ngừng bị thâm hụt thương mại kể từ năm 1993 sau quãng thời gian mở cửa kinh tế, qua đó chuyển mình thành một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới.

Chính quãng thời gian dài phát triển này khiến thặng dư thương mại năm 2024 của nước này vượt xa kỷ lục của nhiều nước trong lịch sử.

Ví dụ thặng dư của Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 1993 ở mức 96 tỷ USD. Con số này tương đương với 185 tỷ USD theo tỷ giá ngày nay và chưa bằng 1/5 thặng dư thương mại của Trung Quốc vào năm ngoái.

Tương tự, kinh tế Đức đã đạt được thặng dư thương mại khổng lồ trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính của châu Âu cách đây một thập kỷ. Thặng dư của nước này đạt đỉnh vào năm 2017 với số tiền tương đương 326 tỷ USD theo tỷ giá ngày nay, nghĩa là chưa bằng 1/3 so với Trung Quốc năm 2024.

Chuyên gia Brad Setser của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận định thặng dư thương mại của Nhật Bản và Đức ở thời kỳ đỉnh cao cũng chỉ chiếm khoảng 1% GDP toàn thế giới. Thế nhưng thặng dư của Trung Quốc hiện nay cao gấp đôi so với con số đó.

"Kể từ năm 2021, Trung Quốc đã chuyển hướng mạnh mẽ trở lại sang xuất khẩu và tăng trưởng xuất khẩu của nước này ngày càng gây tổn hại đến các nền kinh tế khác trên thế giới", chuyên gia Setser cảnh báo.

Theo Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh St. Louis, kinh tế nước này đã liên tục đạt thặng dư thương mại từ năm 1870 đến năm 1970 nhưng hầu hết đều tương đối nhỏ, quy đổi bằng tỷ giá hiện nay.

Sau Thế chiến II, khi phần lớn châu Âu và Đông Á bị tàn phá, các nhà máy của Mỹ đã chuyển từ xe tăng và súng trường sang ô tô và máy giặt.

Thặng dư thương mại sau chiến tranh của Hoa Kỳ đạt đỉnh 12 tỷ USD vào năm 1947, tương đương khoảng 130 tỷ USD ngày nay, tức chưa bằng 1/5 so với thặng dư của Trung Quốc năm 2024.

Chưa từng có trong lịch sử: Trung Quốc thặng dư thương mại 1 nghìn tỷ USD, cao gấp 5 lần kỷ lục của Mỹ, Nhật Bản, sản xuất đến 1/3 hàng hóa toàn cầu- Ảnh 2.

Tuy nhiên vì sản lượng của phần còn lại của thế giới đã giảm mạnh trong năm đó nên thặng dư thương mại của Hoa Kỳ tương đương 4% GDP toàn cầu. Đây là con số mà Trung Quốc vẫn chưa đạt được.

Thặng dư thương mại hiện đang chiếm tới một nửa tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2024 trong khi đầu tư xây dựng mở rộng nhà máy mới để xuất khẩu chiếm phần lớn trong phần tăng trưởng còn lại.

Trong một báo cáo, chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ tuyên bố mức tăng trưởng 5% cho năm 2024.

Dòng lũ dư thừa

Số liệu cho thấy Trung Quốc đã xuất khẩu mạnh trong tháng 12/2024 vì nhiều mặt hàng được vội vàng chuyển sang Mỹ trước khi ông Donald Trump nhậm chức và có thể áp thuế mới. Do đó, thặng dư trong tháng 12/2024 của Trung Quốc đạt kỷ lục 104,8 tỷ USD.

Trong khi Trung Quốc thâm hụt dầu mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác thì thặng dư thương mại của nước này trong hàng hóa sản xuất chiếm đến 10% nền kinh tế.

Để so sánh, ngay cả Mỹ cũng chỉ đạt đỉnh thặng dư thương mại 6% nền kinh tế vào đầu Thế chiến thứ I, khi các nhà máy ở châu Âu hầu hết đã ngừng xuất khẩu và chuyển sang sản xuất thời chiến.

Hiện nhiều quốc gia tìm kiếm thặng dư thương mại vì các nhà máy tạo ra việc làm, đem về của cải cho đất nước khi kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu.

Tuy nhiên tại Trung Quốc, tình hình có vẻ phức tạp hơn khi các nhà máy dư thừa sản lượng, nhu cầu nội địa yếu buộc các công ty phải xuất khẩu để tìm đường sống sót.

Việc Trung Quốc xuất khẩu mọi thứ từ ô tô đến tấm pin mặt trời đã mang lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước.

Hoạt động xuất khẩu đã tạo ra hàng triệu việc làm không chỉ cho công nhân nhà máy, những người có mức lương đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua tính theo mức lạm phát, mà còn cho các kỹ sư, nhà thiết kế và nhà khoa học nghiên cứu có thu nhập cao.

Chưa từng có trong lịch sử: Trung Quốc thặng dư thương mại 1 nghìn tỷ USD, cao gấp 5 lần kỷ lục của Mỹ, Nhật Bản, sản xuất đến 1/3 hàng hóa toàn cầu- Ảnh 3.

Trái lại, hoạt động nhập khẩu hàng hóa ngành sản xuất của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Trong hai thập kỷ qua, đất nước này đã theo đuổi chính sách tự lực tự cường mà đáng chú ý nhất là chính sách "Made in China 2025" khi chính quyền Bắc Kinh cam kết chi 300 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất.

Trung Quốc đã đạt được những thành công rực rỡ khi hoàn thành phần lớn mục tiêu tự lực tự cường này.

Nền kinh tế Châu Á đã chuyển từ nhập khẩu ô tô sang trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Đức. Trung Quốc cũng đã bắt đầu sản xuất máy bay phản lực thương mại cánh đơn trong nỗ lực thay thế máy bay Airbus và Boeing. Nước này cũng sản xuất hầu hết các tấm pin mặt trời trên thế giới.

Điều trớ trêu là thị trường nội địa đang gặp nhiều biến động khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, thị trường bất động sản bất ổn khiến nhiều người mất tiền tiết kiệm, mất nơi tích trữ tài sản và thậm chí là mất nguồn thu nhập, dẫn đến nhiều gia đình không muốn chi tiêu cho hàng nhập khẩu hoặc hàng hóa và dịch vụ trong nước.

Việc xây dựng quá mức các nhà máy của Trung Quốc đã bắt đầu gây tổn hại cho nhiều công ty Trung Quốc, khiến giá cả giảm, thua lỗ nặng nề và thậm chí là vỡ nợ.

Chính áp lực này đã đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu, đặc biệt là thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng hơn 12% mỗi năm trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ 6%. Nguyên nhân chính là vì giá cả giảm mạnh khi các công ty Trung Quốc sản xuất nhiều hàng hóa hơn cả mức khách hàng quốc tế sẵn sàng mua.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc có thể duy trì vị thế dẫn đầu hay không nếu các quốc gia khác tăng thuế quan.

Tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu thấy rằng Trung Quốc vẫn là nơi cạnh tranh nhất để mua hàng hóa khi chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều so với các nước khác.

*Nguồn: BI, CNBC, CNN

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/chua-tung-co-trong-lich-su-trung-quoc-thang-du-thuong-mai-1-nghin-ty-usd-cao-gap-5-lan-ky-luc-cua-my-nhat-ban-san-xuat-den-13-hang-hoa-toan-cau-a209912.html