Vốn điều lệ của GSM đã được tăng lên 18.000 tỷ đồng. Ảnh: VIC. |
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cuối năm 2024, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) đã tăng vốn điều lệ từ gần 12.732 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng, tương đương hơn 700 triệu USD.
GSM được Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng thành lập vào tháng 3/2023 với vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Vượng góp 95% vốn thông qua việc chuyển quyền sở hữu hơn 50,7 triệu cổ phiếu VIC thuộc tài sản cá nhân, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) góp 3% và CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam góp 2%.
GSM có trụ sở chính tại quận Long Biên, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Phan Thành Long - Chủ tịch HĐQT.
Hiện GSM là đơn vị vận hành thương hiệu taxi điện Xanh SM. Bên cạnh lĩnh vực gọi xe điện, GSM còn cung cấp dịch vụ cho thuê ôtô, xe máy điện phục vụ khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Với việc sử dụng 100% phương tiện của VinFast, GSM đã và đang trở thành đầu ra lớn nhất cho nhà sản xuất xe điện Việt Nam.
Tính đến tháng 9/2024, mảng gọi xe Xanh SM có hơn 80.000 xe đang lưu hành hàng ngày trên đường bao gồm cả xe máy điện, ôtô điện và xe của đối tác. Mới đây, hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng mở rộng dịch vụ sang Indonesia, thị trường quốc tế thứ 2 sau Lào.
Mảng gọi xe công nghệ vốn là "sân chơi" của các ứng dụng như Grab, Be hay Gojek suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thương hiệu này đã khiến công ty nghiên cứu Mordor Intelligence phải ví Xanh SM như hiện tượng “TikTok Shop trong lĩnh vực gọi xe”.
Một báo cáo của Q&Me đưa ra đầu năm 2024 cũng cho thấy sau gần 2 năm ra mắt, Xanh SM đã chiếm 19% thị phần người dùng trung thành, cao gấp đôi đối thủ có 6 năm kinh nghiệm tại Việt Nam là Gojek (7%) và chỉ đứng sau Be (32%), Grab (42%).
Mới đây, ông Vượng đã bất ngờ dừng hoàn toàn dịch vụ taxi Xanh SM Luxury bằng xe VinFast VF 8 sau hơn một năm vận hành.
VF 8 là mẫu xe điện cao cấp của VinFast, được đưa vào vận hành taxi Xanh SM Luxury một thời gian nhằm quảng bá các dịch vụ hạng sang cho khách hàng.
Theo lý giải của từ đại diện của vị tỷ phú, quyết định được đưa ra nhằm đảm bảo định vị VF 8 là dòng xe cao cấp, sang trọng dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Tất cả mẫu VF 8 của GSM sẽ được chuyển nhượng cho công ty FGF để cung cấp dịch vụ cho thuê xe dành cho cá nhân, doanh nghiệp hoặc bán lẻ ra thị trường cho khách hàng có nhu cầu.
Về phía Xanh SM, công ty cũng tuyên bố chuẩn hóa và cung cấp 3 dịch vụ vận chuyển chính bằng ôtô điện. Dự kiến, Xanh SM sẽ sớm có dòng phương tiện mới thay thế VinFast VF 8 ở phân khúc cao cấp.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/hang-taxi-dien-cua-ong-pham-nhat-vuong-tang-von-len-18000-ty-dong-a209961.html