Đây là Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định.
Theo nội dung của Quyết định số 88, Khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô diện tích 13.950 ha, nằm tại cực Nam của tỉnh Nam Định có tọa độ địa lý phía Bắc 106°13'14" vĩ Bắc và 20°07'30" kinh Đông; phía Nam 106°05'10" vĩ Bắc và 19°52'55" kinh Đông; phía Đông 106°15'30" vĩ Bắc và 20°04'16" kinh Đông; phía Tây 106°05'30" vĩ Bắc và 19°58'16" kinh Đông. Khu kinh tế Ninh Cơ bao gồm 09 đơn vị hành chính cấp xã và phần bãi bồi, cụ thể:
Huyện Nghĩa Hưng: Toàn bộ thị trấn Rạng Đông, xã Phúc Thắng, xã Nghĩa Lợi, xã Nam Điền, một phần thị trấn Quỹ Nhất (trước đây là xã Nghĩa Bình) và vùng bãi bồi;
Huyện Hải Hậu: Toàn bộ thị trấn Thịnh Long, xã Hải Ninh, xã Hải Châu và xã Hải Hòa.
Khu kinh tế Ninh Cơ được thành lập có các khu chức năng phù hợp với mục tiêu phát triển của khu kinh tế. Trong đó, quy mô và vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Mục tiêu phát triển của Khu kinh tế Ninh Cơ là gì?
Khu kinh tế Ninh Cơ được thành lập và xây dựng với mục tiêu khai thác tối đa lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, lợi thế về vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận. Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa.
Khu kinh tế mới này được kỳ vọng trở thành khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng và là trọng điểm phát triển mang tính đột phá của tỉnh Nam Định với cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Theo Nghị quyết trên, phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành trung tâm kinh tế biển phát triển có chức năng hỗ trợ, bổ sung qua lại với các khu kinh tế ven biển khác, tạo động lực phát triển cho vùng đồng bằng sông Hồng, vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ; đồng thời ạo việc làm, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong Nghị quyết số 88 nêu rõ, Khu kinh tế Ninh Cơ có lộ trình và kế hoạch phát triển theo 3 giai đoạn. Cụ thể:
Giai đoạn I (từ năm 2024 - 2026): Hoàn thành các bước về quy hoạch xây dựng và đầu tư một số công trình quan trọng.
Giai đoạn II (từ năm 2026 - 2030): Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ.
Giai đoạn III (sau năm 2030): Hoàn thiện hệ thống kết cấu kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Theo Nghị quyết, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất trong Khu kinh tế Ninh Cơ phù hợp với 06 chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Nam Định tại các Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022, số 227/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2024 và các Quyết định điều chỉnh (nếu có).
Đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội của Khu kinh tế Ninh Cơ theo hướng phát triển bền vững thông qua giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chuyển đổi việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu; cụ thể hóa các giải pháp, chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong phương án bố trí không gian phát triển của Khu kinh tế Ninh Cơ.
Cuối cùng, tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, đảm bảo kế thừa các quy hoạch đang triển khai thực hiện; thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng các khu chức năng, các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu tái định cư và nhà ở xã hội theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ được phê duyệt...
Sau khi đi vào hoạt động, Khu kinh tế Ninh Cơ được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, với mức tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 14-15%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Đặc biệt, đến năm 2030, Khu kinh tế Ninh Cơ dự kiến đóng góp từ 25 - 30% GRDP của tỉnh Nam Định và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ. Trong khi đó, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản tại khu kinh tế sẽ giảm xuống còn khoảng 15%.
Trong giai đoạn từ năm 2021 – 2030, tổng vốn đầu tư dự kiến vào Khu kinh tế Ninh Cơ đạt khoảng 83.500 tỷ đồng. Trong đó, các dự án trọng điểm chiếm 95%, tương đương 79.500 tỷ đồng. Khu kinh tế Ninh Cơ còn được kỳ vọng tạo ra nhiều cơ hội việc làm, với số lượng lao động dự kiến đạt từ 80.000 - 85.000 người vào năm 2050.