Kiểu 'chơi Tết' đặc biệt

Những ngày chộn rộn đón Tết về, ghé vào một quán cà phê vô tình được dự buổi trò chuyện giữa những nhà nghiên cứu văn hóa với các bạn trẻ về những ký ức Tết.

Kiểu 'chơi Tết' đặc biệt - Ảnh 1.

1.000 chiếc bánh chưng Tết sẽ được gói để tặng các em nhỏ và mang đến từng gia đình khó khăn tại Khánh Hòa - Ảnh: TRẦN HOÀI

Người nhớ tiếng pháo, người nhớ chợ Tết họp sáng đêm, người nhớ những cái Tết nghèo mà ấm áp...

Chợt nhận ra dù xã hội đã thay đổi rất nhiều, kinh tế khấm khá nhưng rất nhiều thứ lại trở về như ngày cũ. Trong đó nhiều người "Tết sẻ chia đến với bệnh nhi ung thư tại TP.HCM

Chuyện đón Tết kiểu đặc biệt này đã có từ xa xưa. Xưa thật xưa, Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: "Ở Gia Định, khi khách đến nhà, đầu tiên gia chủ bày trầu cau, sau dọn tiếp cơm bánh, thết đãi chu đáo đầy đủ, không kể là người thân sơ, quen lạ, gốc tích ở đâu đều được đón nhận, tiếp đãi đàng hoàng, nên người đi chơi không cần mang theo lương thực...

Ngày Nguyên đán, bất kể sang hèn lớn nhỏ đều no say vui chơi, tuy người nghèo trong thôn dã cũng đủ lễ".

Hoặc câu chuyện được kể lại: Cách nay mấy mươi năm, Tết 1934 khủng hoảng kinh tế, khó khăn như chưa từng. Chí sĩ Nguyễn An Ninh đã cùng những người bạn của mình bày một cuộc chơi Tết bằng một sạp hàng gần cửa Tây chợ Bến Thành với hàng chữ "Năm nay còn ăn Tết được".

Mở đầu bằng dầu cù là, rồi tới trà bánh, xà bông, nước ngọt. Bà con Sài Gòn hâm mộ chàng thanh niên trẻ đầy cao vọng, kéo đến ủng hộ suốt mấy ngày, những chủ hàng khác cũng nô nức mang sang nhờ bán giúp.

Hàng bán từng cắc mà thu được tiền ngàn. Hết hàng, tất cả anh em bạn bè cùng kéo về nhà của Nguyễn An Ninh ở Hóc Môn. Cái Tết buổi khó mà tưng bừng trong sự chung tay, đồng lòng chia sẻ.

Những câu chuyện thú vị ấy tiếp thêm cảm hứng cho cái Tết năm nay - tuy vẫn rất khó khăn - nhưng theo những số liệu thống kê được công bố, nhiều người vẫn được thưởng Tết đến tiền tỉ, nhiều đơn vị báo lãi khủng, hứa hẹn "Tết to" với tất cả nhân viên...

Mặc những thách thức, cuộc sống vẫn lừng lững tiến tới. Cũng như bao năm, bao Tết đã qua, những ngày này có rất nhiều hội nhóm bỗng nhiên được... tụ tập.

Nhóm gói bánh chưng, bánh tét, nhóm quyên góp quà từ thực phẩm, đồ dùng đến cả áo dài... Họ gọi nhau, nhắn nhau, và tất cả đang được chuẩn bị và rồi sẽ lên đường, mang cuộc chơi Tết đến những khu nghèo, xóm trọ trong vài ngày nữa, để thành những phần quà Tết bất ngờ, những "hội chợ 0 đồng" nhộn nhịp, kịp lúc những bông mai đầu tiên nở và ông Táo xếp hành trang lên thiên đình kể chuyện năm qua.

Với những tấm lòng này, sẻ chia ngày Tết cũng là chơi Tết. Tết mà không làm việc gì đó đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khó khăn, những hoàn cảnh cơ nhỡ, có lẽ chưa hẳn là một mùa xuân trọn vẹn.

Chia sẻ để ngày Tết "bất kể sang hèn lớn nhỏ đều no say vui chơi, người nghèo cũng đủ lễ" đã là một cuộc chơi Tết truyền thống, là phong tục, là thói quen của người mình từ tận xa xưa rồi, từ ngày tất cả mọi người còn nghèo hơn hôm nay nhiều lần, hàng hóa khan hiếm, lương thực ít ỏi, đường sá trắc trở, ngăn cách.

Năm nay, trước mắt tất cả chúng ta chắc chắn vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng Tết đến rồi, đã đến lúc thưởng cho mình một nhịp dừng chậm lại, nắm tay chia sẻ với xung quanh để cùng chơi Tết, vui Xuân trước khi bước mạnh mẽ hơn vào năm mới.

Kiểu 'chơi Tết' đặc biệt - Ảnh 1.Lo chơi Tết nhiều hơn ăn Tết?

Ngày nay, mọi người có xu hướng chơi Tết thay vì chỉ tập trung lo thực phẩm cho ngày Tết như trước. Và việc đầu tiên là làm đẹp tổ ấm, người có điều kiện hơn thì làm cả tiểu cảnh để đón Tết.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/kieu-choi-tet-dac-biet-a210527.html