Thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt 15 tháng chiến sự giữa Israel và Hamas đã chính thức được công bố vào ngày 15-1 với sự trung gian của Qatar, Ai Cập và Mỹ.
Thi thể của những người thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào trường học Ma'an phía đông Khan Younis (Dải Gaza) vào ngày 5-12-2023 - Ảnh: REUTERS
Cơ sở vật chất
Cuộc xung đột đã gây ra thiệt hại lớn đến cơ sở hạ tầng trên khắp Gaza.
Các học giả Corey Scher từ Tổ chức giáo dục CUNY Graduate Center và Jamon Van Den Hoek từ Đại học Oregon State đã nghiên cứu mức độ thiệt hại tại Gaza dựa trên hình ảnh vệ tinh. Trong phân tích mới nhất tính đến ngày 11-1, họ ước tính rằng 59,8% các tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Trung tâm vệ tinh Liên hợp quốc (UNOSAT) ước tính con số cao hơn - có thể lên đến 69% các công trình đã bị phá hủy hoặc hư hại vào đầu tháng 12. Liên hợp quốc cũng kết luận rằng 68% mạng lưới giao thông ở Gaza cũng bị hư hại hoặc phá hủy.
Có nhiều trường hợp thiệt hại xảy ra ở các cơ sở y tế quan trọng. Có khoảng 50% bệnh viện đã đóng cửa, trong khi các bệnh viện còn lại chỉ hoạt động một phần, tức nhiều bệnh viện không có khả năng điều trị các bệnh mãn tính và chấn thương phức tạp.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã tấn công vào các trường học 49 lần kể từ giữa tháng 7 khi họ nhắm vào các chiến binh Hamas.
Việc tái xây dựng cơ sở hạ tầng - từ nhà ở đến các cơ sở công cộng - sẽ là một thách thức lớn trong những năm tới với Dải Gaza. Liên hợp quốc ước tính rằng chi phí tái xây dựng Gaza có thể lên đến 40 tỉ USD.
Làn sóng di cư
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc ước tính có 1,9 triệu người dân ở Gaza đã phải di cư, chiếm khoảng 90% dân số khu vực này.
Hầu như toàn bộ 2,3 triệu người dân Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa khi quân đội Israel tiến hành các cuộc tấn công liên tục trên toàn bộ lãnh thổ và ra các lệnh sơ tán diện rộng đối với các khu dân cư lớn.
Ngay cả trong "khu vực nhân đạo" mà IDF yêu cầu người Palestine di chuyển đến để đảm bảo an toàn cũng xảy ra hàng chục cuộc tấn công.
Thiếu hụt viện trợ suốt nhiều tháng
Theo Liên hợp quốc, 91% người dân ở Gaza đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Viện trợ vào Gaza cũng đã giảm đáng kể trong những tháng chiến sự gần đây. Trước khi xung đột xảy ra, trung bình mỗi ngày sẽ có 500 xe tải viện trợ cho khu vực này.
Nhưng đến tháng 10-2023, số lượng này bắt đầu giảm và không có xu hướng phục hồi cho đến nay.
Tuy nhiên, dù đoàn xe viện trợ có thể tới Gaza thì không phải lúc nào nó cũng được đến đúng nơi dự kiến. Các nhân viên viện trợ đã cảnh báo về việc nhiều băng nhóm tội phạm chặn các chuyến giao hàng viện trợ và cướp bóc, khi luật pháp và trật tự ở khu vực này gần như không tồn tại.
Thỏa thuận ngừng bắn có thể giúp việc vận chuyển viện trợ vào Gaza dễ dàng hơn, nhưng câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để tái thiết Dải Gaza. Sau 15 tháng chiến tranh tàn phá, có thể mất hơn một thập kỷ để người dân Gaza xây dựng lại quê hương mình.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/15-thang-chien-su-da-tan-pha-dai-gaza-nhu-the-nao-a210592.html