Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng với quy mô khoảng 20.000 ha được định hướng là một KKT đa ngành, mang tầm quốc tế, với các trụ cột phát triển là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics hiện đại, đô thị thông minh, du lịch sinh thái, và khu thương mại tự do thí điểm.
Đây không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mới mà còn là cơ sở để Hải Phòng khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế, một cực tăng trưởng quan trọng của vùng và của cả nước. Việc thành lập KKT sẽ tạo điều kiện để thành phố thí điểm các cơ chế chính sách mới, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thu hút các nguồn lực từ trong và ngoài nước để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Đến năm 2030, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố Hải Phòng, tương đương với 80% năng lực của KKT Đình Vũ - Cát Hải. KKT thứ 2 sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các KKT lân cận, tạo thành chuỗi KKT ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng. Ngoài ra, KKT ven biển phía Nam còn được kỳ vọng đóng góp ngân sách 550.000 tỷ đồng và tạo 301.000 việc làm lao động.
Cũng tại Hội nghị, UBND thành phố trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nâng vốn cho cho 5 dự án đầu tư trong nước (DI) với tổng vốn 79.425,52 tỷ đồng (tương đương 3,394 tỷ USD) và 6 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với 125,15 triệu USD gồm:
Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát tăng vốn từ 6.300 tỷ đồng thành 69 nghìn tỷ đồng, quy mô hơn 584 ha. Chủ đầu tư: Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát.
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinh Quang (giai đoạn 1), quy mô 226 ha, tổng vốn đầu tư: hơn 3.550 tỷ đồng. Chủ đầu tư: Công ty cổ phần IDICO Vinh Quang.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nomura – Hải Phòng (Giai đoạn 2), quy mô 197 ha, tổng vốn đầu tư: khoảng 2.782 tỷ đồng. Chủ đầu tư Công ty Cổ phần KCN Quốc tế Hải Phòng.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tràng Duệ 3, quy mô 652 ha, tổng vốn đầu tư: hơn 8.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư Công ty Cổ phần KCN Sài Gòn – Hải Phòng.
Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nam Tràng Cát, quy mô 200 ha, tổng vốn đầu tư: hơn 2.252 tỷ đồng. Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes.
Nhà đầu tư Trakmotive Global Industrial Inc (Mỹ), tổng vốn đầu tư 60 triệu USD. Sản phẩm chính: Sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác, Khu công nghiệp: Nam Đình Vũ (Khu II), quy mô 11.400 tấn/năm.
Công ty TNHH Hanmiflexible Vina (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Sản phẩm chính: Sản xuất gia công linh kiện, bộ phận bằng nhựa cho các thiết bị điện tử gia dụng, Khu công nghiệp: Nam Cầu Kiền, quy mô 6.200 tấn/năm.
Công ty TNHH Hogetsu Việt Nam (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 12,4 triệu USD. Sản phẩm chính: Sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp, Khu công nghiệp: Nam Đình Vũ (khu II), quy mô 15.600 tấn sản phẩm/năm.
Công ty TNHH Ascent Việt Nam (Hong Kong), tổng vốn đầu tư 12,5 triệu USD. Sản phẩm chính: Sản xuất, gia công nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm, pha chế đồ uống, Khu công nghiệp: Khu công nghiệp và dịch vụ Hàng Hải (Deep C 2B). Quy mô 60.000 tấn sản phẩm/năm.
Nhà đầu tư Great Eagle (Seychelles), tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Sản phẩm chính: Sản xuất các loại linh kiện, lắp ráp sản phẩm điện tử, Khu công nghiệp: Nam Cầu Kiền, quy mô 2.650 tấn/năm.
Công ty TNHH sản xuất Việt Nam hàn đặc biệt Pourin (Hong Kong), tổng vốn đầu tư từ 41,25 triệu USD thành 59 triệu USD (tăng 17,75 triệu USD). Sản phẩm chính: Sản xuất các bộ phận của nồi hơi, Khu công nghiệp: Nam Đình Vũ (Khu I), quy mô công suất sản phẩm chính 55.000 tấn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng sau cảng; nạo vét luồng cảng nước sâu; triển khai cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; có giải pháp tháo gỡ vướng mắc dự án đường bộ ven biển ; sớm cho ý kiến về điều chỉnh chung KKT Đình Vũ - Cát Hải.