Ý kiến gây tranh cãi về giờ làm việc
Ông S.N. Subrahmanyan, Chủ tịch tập đoàn Larsen & Toubro (L&T) của Ấn Độ, đã khơi mào một cuộc tranh luận sôi nổi về việc làm việc nhiều giờ hay làm việc thông minh hơn khi ủng hộ ý tưởng tuần làm việc 90 giờ. Lời phát biểu này xuất hiện chỉ vài tháng không lâu sau khi vấn đề căng thẳng tại nơi làm việc trở thành tâm điểm chú ý ở Ấn Độ, do một nhân viên trẻ của công ty SR Batliboi (thành viên mạng lưới Ernst & Young) qua đời tại Pune.
Phát biểu của ông Subrahmanyan, đặc biệt là việc khuyến khích làm việc cả vào Chủ nhật, đã nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Khi một nhân viên đặt câu hỏi về lý do L&T yêu cầu làm việc cả thứ Bảy, ông thẳng thắn trả lời: “Tôi rất tiếc vì chưa thể khiến các bạn làm việc vào Chủ nhật. Nếu được, tôi sẽ vui hơn vì tôi cũng làm việc vào ngày đó”. Thậm chí, ông còn nói đùa: “Ngồi ở nhà thì làm gì? Nhìn vợ được bao lâu?”
Subrahmanyan không phải là người duy nhất có quan điểm này. Nhà sáng lập Infosys, ông N.R. Narayana Murthy, cũng từng đề xuất làm việc 70 giờ mỗi tuần, lấy ví dụ từ việc Nhật Bản và Đức đã làm việc cật lực để phục hồi kinh tế sau Thế chiến II. Người sáng lập Ola, Bhavish Aggarwal, cũng đồng tình với ý tưởng này.
Những quan điểm này không chỉ cho thấy cách nghĩ lâu đời rằng làm việc nhiều đồng nghĩa với năng suất cao, mà còn đi ngược lại các nghiên cứu đã chứng minh rằng làm việc quá giờ có thể gây hại cho sức khỏe nhân viên, cả về thể chất lẫn tinh thần. Vấn đề trở nên đáng lo ngại khi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) xếp Ấn Độ đứng thứ 2 trong số các quốc gia có tỷ lệ người lao động làm việc nhiều giờ nhất. Hơn 51% nhân viên ở Ấn Độ làm việc trên 49 giờ mỗi tuần, tức là gần 10 giờ mỗi ngày nếu tính theo tuần làm việc 5 ngày.
Làn sóng phản đối mạnh mẽ
Bà Pallavi Jha, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Dale Carnegie Training Ấn Độ, nhấn mạnh một tiêu chuẩn toàn cầu: các công ty ưu tiên chăm lo cho sức khỏe nhân viên cả về công việc lẫn đời sống cá nhân thường đạt kết quả kinh doanh vượt trội và giữ chân nhân viên tốt hơn. Bà nói: “Quan niệm sai lầm rằng làm việc liên tục trong nhiều giờ sẽ mang lại hiệu quả cao khiến doanh nghiệp không nhận ra tác hại của tình trạng kiệt sức: sự sáng tạo bị thui chột, khả năng ra quyết định suy giảm, còn sự đổi mới thì dần biến mất vì mệt mỏi. Nếu văn hóa này trở thành điều bình thường, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ cao rơi vào môi trường làm việc độc hại và khiến nhân viên mất dần sự gắn kết”.
Ông Aditya Narayan Mishra, Giám đốc điều hành CIEL HR, cho rằng những thành tựu lớn lao luôn cần đến đam mê, sự tập trung, chăm chỉ và khôn ngoan. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng cần phải hiểu rõ và tôn trọng sự khác biệt trong lực lượng lao động. “Chúng ta đang làm việc trong một môi trường với nhiều thế hệ và đa dạng hơn bao giờ hết về quan điểm cũng như sở thích. Vì vậy, không thể áp dụng một phương pháp chung cho tất cả”, ông Mishra giải thích.
Ý tưởng về tuần làm việc 90 giờ không chỉ thiếu thực tế mà còn bỏ qua trách nhiệm của nhân viên đối với gia đình. Bà Rituparna Chakraborty, đồng sáng lập công ty tuyển dụng TeamLease, cảnh báo về những hậu quả xã hội do văn hóa làm việc cực đoan gây ra. Bà chia sẻ: “Chúng ta đều biết điều đã xảy ra ở Nhật Bản, nơi việc chú trọng làm việc nhiều giờ dẫn đến tình trạng xã hội có nhiều người độc thân, không lập gia đình. Và giờ đây, đất nước đó đang già hóa nhanh chóng”.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Ấn Độ đã phản đối ý kiến của Subrahmanyan trên mạng xã hội. Harsh Goenka, Chủ tịch RPG Enterprises, mỉa mai trên nền tảng X: “Sao không đổi Chủ nhật thành ‘Ngày làm việc’ và coi ‘ngày nghỉ’ là điều không có thật!... Biến cuộc sống thành một chuỗi công việc không ngừng nghỉ? Đó chỉ là cách dẫn đến kiệt sức chứ chẳng phải thành công. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều bắt buộc, không phải tùy chọn. Đó là suy nghĩ của tôi!”
Harsh Mariwala, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Marico, thừa nhận rằng làm việc chăm chỉ là yếu tố quan trọng để thành công, nhưng chất lượng quan trọng hơn số lượng. Ông chia sẻ: “Quan trọng là chất lượng và niềm đam mê mà mỗi người mang vào những giờ làm việc đó. Để giới trẻ thực sự hứng thú và có động lực, chúng ta cần đảm bảo họ được giao những công việc không chỉ thử thách họ mà còn giúp họ phát triển và học hỏi”.
Anand Mahindra, Chủ tịch tập đoàn Mahindra, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Ông đặt câu hỏi: “Nếu bạn không dành thời gian ở nhà, bên bạn bè hoặc dành chút thời gian để nhìn lại bản thân, thì làm sao có thể đưa ra những quyết định sáng suốt?”
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng lo ngại về tác động tiêu cực của việc làm việc quá nhiều giờ đối với sức khỏe tinh thần. Vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Anna Sebastian Perayil, một kế toán viên 26 tuổi, qua đời chỉ sau vài tháng làm việc tại công ty SR Batliboi. Gia đình cô cho rằng nguyên nhân cái chết là do áp lực công việc quá lớn, yêu cầu phi thực tế và thời gian làm việc kéo dài liên tục.
Hiện nay, việc làm việc liên tục nhiều giờ đã được chứng minh là gây hại cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố trên tạp chí Environment International vào năm 2021, những người làm việc trên 55 giờ mỗi tuần có nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ cao hơn 17% so với những người làm việc 35-40 giờ mỗi tuần. Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp cần hiểu rằng ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như quan tâm đến sức khỏe của nhân viên, chính là yếu tố cốt lõi để đạt được thành công bền vững lâu dài.
Nguồn: India Today