18 'ông lớn' doanh nghiệp Nhà nước về Bộ Tài chính: Cách nào phát huy nguồn lực triệu tỷ đồng?

Theo định hướng của Ban Chỉ đạo sắp xếp bộ máy của Chính phủ, tới đây Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động, 18 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về Bộ Tài chính quản lý (riêng MobiFone chuyển về Bộ Công an quản lý). Vậy khi chuyển giao về Bộ Tài chính thì cách thức quản lý các tập đoàn nên như thế nào để có thể phát huy được nguồn lực triệu tỷ đồng mà 18 đơn vị đang nắm giữ?

Trò chuyện với Tiền Phong về vấn đề trên, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nói: “Kể từ khi thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đến nay, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có những mặt hạn chế. Quá trình hoạt động, Ủy ban trở thành một cơ quan quản lý hành chính, áp đặt các quy định, thủ tục, làm hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp. Điều này khiến cho doanh nghiệp không thể nắm bắt cơ hội kinh doanh kịp thời, làm mất đi tính linh hoạt và khả năng cạnh tranh, cũng như không phát huy được hiệu quả so với nguồn lực lớn mà doanh nghiệp đang nắm giữ”.

Nhiều cơ chế “trói buộc”

Ngoài mô hình, có nguyên nhân gì từ các quy định của pháp luật khiến cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa phát huy được hiệu quả so với nguồn lực đang nắm giữ, thưa ông?

Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nắm giữ nguồn lực lớn nhưng chưa phát huy được vai trò của mình do quy định của pháp luật còn nhiều vướng mắc. Thứ nhất, Nhà nước thường giao vốn cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ. Trong khi doanh nghiệp phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhưng lại không có cơ quan nào giám sát việc sử dụng vốn để đánh giá hiệu quả hoặc xử lý thất thoát. Hệ quả là khi thua lỗ thì “cha chung không ai khóc”, không ai chịu trách nhiệm? Ngược lại, khi thành công thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh phải nộp vào ngân sách, khiến lãnh đạo và doanh nghiệp không được hưởng lợi ích xứng đáng. Điều này tạo tâm lý e dè, doanh nghiệp chỉ tập trung vào các dự án ít rủi ro, không dám thay đổi để tạo ra sự phát triển có tính chất đột phá.

Thứ hai, trong kinh doanh đòi hỏi khả năng nắm bắt, tận dụng cơ hội và ra quyết định nhanh chóng. Nhưng tại DNNN, mọi kế hoạch đều phải thông qua nhiều cơ quan quản lý. Thậm chí, một số dự án lớn còn cần sự phê duyệt của Quốc hội. Các quy trình này kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm, khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh quý giá. Chính cơ chế quản lý nêu trên đã kìm hãm khả năng phát huy vai trò của các DNNN, đặc biệt là những tập đoàn, tổng công ty giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế. Việc không được trao quyền tự quyết trong hoạt động đã làm mất đi động lực và sức mạnh cần thiết để phát triển.

Cơ quan mới cần cách thức quản lý mới

Vậy theo ông, khi 18 tập đoàn, tổng công ty chuyển về Bộ Tài chính , mô hình quản lý vốn nên như thế nào để phát huy được hiệu quả nguồn lực triệu tỷ đồng mà doanh nghiệp đang nắm giữ?

Khi chuyển giao các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước về Bộ Tài chính, theo tôi, cần xem xét thành lập một tổ chức kinh doanh vốn (kết hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và doanh nghiệp và SCIC theo mô hình lớn mạnh hơn) để chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng vốn Nhà nước. Bộ Tài chính sẽ không trực tiếp quản lý DNNN mà chỉ quản lý tổ chức kinh doanh vốn này.

18 'ông lớn' doanh nghiệp Nhà nước về Bộ Tài chính: Cách nào phát huy nguồn lực triệu tỷ đồng?- Ảnh 1.

Từ thực tiễn thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng nên mạnh dạn trao quyền, trao trách nhiệm cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tổ chức kinh doanh vốn trực thuộc Bộ Tài chính sẽ được trao quyền quyết định về việc sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, bao gồm đầu tư hoặc thoái vốn, với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổ chức này có thể tính toán giảm mức lợi nhuận nộp ngân sách để cân đối nhiệm vụ chính trị và kinh doanh. Tổ chức kinh doanh vốn cần chịu trách nhiệm giao chỉ tiêu cụ thể về lợi nhuận và nhiệm vụ chính trị cho từng doanh nghiệp, thay vì tham gia duyệt từng hoạt động kinh doanh. Đồng thời, tổ chức này phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn.

Nếu doanh nghiệp để xảy ra thất thoát, giảm vốn chủ sở hữu, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, doanh nghiệp sẽ bị đánh giá là không hoàn thành kế hoạch, thậm chí đối mặt với cắt giảm vốn hoặc xử lý lãnh đạo. Trường hợp doanh nghiệp thua lỗ kéo dài từ 1-2 năm, lãnh đạo doanh nghiệp có thể bị cách chức; nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động; chuyển 18 tập đoàn, tổng công ty giao cho Ủy ban này quản lý về Bộ Tài chính; chuyển Tổng công ty Viễn thông MobiFone về Bộ Công an quản lý. Trước mắt, Ban Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xây dựng phương án tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ủy ban để quản lý 18 tập đoàn, tổng công ty này. Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa tháng 2/2025.

Ngoài ra, tổ chức kinh doanh vốn sẽ có quyền quyết định và bổ nhiệm lãnh đạo - người đại diện phần vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu tổ chức kinh doanh vốn không hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp.


Mạnh dạn trao quyền, trao trách nhiệm

Dự kiến trong tháng 2, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi). Theo ông, nên sửa đổi luật theo hướng nào để DNNN phát huy được vai trò của mình?

Hiện tại, các DNNN ở Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực cốt lõi như điện lực và dầu khí. Với tiềm năng phát triển lớn, DNNN có vị trí để trở thành những tập đoàn năng động nhất, nhưng để làm được điều đó, cần bổ sung nguồn lực và để các doanh nghiệp tự chủ hơn trong hoạt động. Nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tự vận hành, tự tính toán để đạt hiệu quả cao nhất. Nhà nước nên làm “bà đỡ” cho doanh nghiệp, thông qua việc đặt hàng và bảo đảm thị phần, từ đó giúp doanh nghiệp lớn mạnh và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Một khi các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất và cung cấp dịch vụ cho các dự án lớn, trình độ của họ sẽ được nâng cao đáng kể. Ví dụ, trong dự án đường dây 500kV mạch 3, Việt Nam đã tự làm chủ toàn bộ quá trình, từ công nghệ lắp ráp xây dựng cơ sở hạ tầng, không phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài.

Từ những vấn đề trên cho thấy, mấu chốt của việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là phân định rõ ràng giữa quản lý vốn đầu tư và quản trị doanh nghiệp. Cơ quan quản lý vốn chỉ cần giao nhiệm vụ, kế hoạch, mục tiêu chính trị, và chỉ tiêu cụ thể, đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ. DNNN phải được trao quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, từ việc lập kế hoạch đến triển khai thực tế, không bị can thiệp bởi các cơ quan quản lý vốn. Cơ quan quản lý không nên đi duyệt từng dự án của doanh nghiệp mà chỉ nên giao nhiệm vụ, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch, chính trị và giám sát xem doanh nghiệp làm đúng hay sai.

Thành công trong việc thực hiện dự án 500kV mạch 3 cho thấy, doanh nghiệp sẽ phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh khi được trao quyền tự chủ. Do đó, cần phải “cởi trói” cơ chế để trao quyền tự chủ thực sự cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tự hoạch định, mở rộng thị trường, ký kết hợp đồng quốc tế và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp trong nước mới có thể lớn mạnh…

ĐBQH Hoàng Văn Cường

Một trong những vấn đề quan trọng đối với DNNN là lựa chọn người đứng đầu. Theo ông, nên có cơ chế như thế nào trong việc lựa chọn người đứng đầu?

Tổ chức kinh doanh vốn cần chịu trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm, bổ nhiệm người lãnh đạo DNNN. Việc bổ nhiệm không nên dựa vào hình thức bình bầu như đối với công chức, vì điều này dễ dẫn đến việc chọn nhầm người thiếu năng lực nhưng có khả năng “vừa lòng” số đông. Một lãnh đạo yếu kém có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ và làm thất thoát vốn Nhà nước.

Ngược lại, việc bổ nhiệm đúng người, có năng lực và kinh nghiệm, sẽ bảo toàn vốn Nhà nước, tạo ra lợi nhuận hàng năm và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Do đó, cần có cơ chế tuyển chọn và bổ nhiệm minh bạch, rõ ràng, dựa trên các tiêu chí và điều kiện cụ thể. Lãnh đạo DNNN nên được lựa chọn đánh giá thông qua thi tuyển hoặc quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm thực tế.

Xin cảm ơn ông!


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/18-ong-lon-doanh-nghiep-nha-nuoc-ve-bo-tai-chinh-cach-nao-phat-huy-nguon-luc-trieu-ty-dong-a211063.html