Cây xanh lá nõn, mai vàng, cờ ngũ sắc rực rỡ vườn ngoài, sân trong… 150 năm, từ Chasseloup Laubat - Jean Jacques Rousseau - Lê Quý Đôn là chặng lịch sử rất dài đối với một ngôi
Cổng trường Chasseloup Laubat những năm 1920 - Ảnh: Tư liệu
Những ngôi nhà chủ yếu bằng gỗ lợp lá cọ thấp, một số ít căn nhà khác được làm bằng đá, những mái ngói đỏ sáng lên và làm dịu mắt một chút. Phía sau đó là mái cong của một ngôi chùa. Trong các khu nhiều cây cau có một số nông trại của người An Nam cất theo lối ba gian hai chái, thanh lịch và kín đáo.
Con phố lầy lội, ổ gà, nhà cửa thưa thớt hợp lại thành một quang cảnh nghèo nàn... Đó là Gia Định Thành mà ta gọi là Sài Gòn. Có thể một ngày nào đó một thành phố đẹp đẽ và đông đúc sẽ mọc lên ở vị trí của cái làng An Nam bị trận chiến diệt chủng tàn phá mà ta đang thấy...".
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng chiếm thành Gia Định ngày 17-2-1859 và chưa đầy một tháng sau, 8-3-1959, họ đã cho nổ tung tòa thành.
"Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây..." (Chạy giặc -
Một lớp tiểu học những năm 1950. Giai đoạn này trường mở rộng tuyển sinh, nhận nhiều học trò người Việt - Ảnh: Tư liệu
Tuyến đường thiên lý xuyên thành Gia Định từ hướng đông bắc - tây nam xuyên suốt đến tận Chợ Lớn được nâng cấp và xây dựng sớm nhất, trở thành trục đường Chasseloup - Laubat, trung tâm của đồ án quy hoạch Sài Gòn.
Trên con đường này, khu vực giữa chùa Khải Tường với trường thi Gia Định - đối diện khu vườn đặt Dinh Thống đốc - được chọn làm nơi xây dựng nên ngôi trường đầu tiên để những người Pháp yên tâm đưa gia đình đến Sài Gòn, phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa.
Thống đốc Nam Kỳ, chuẩn đô đốc Pháp Jules Francois Emile Krantz ký nghị định thành lập một ngôi trường trung học ngày 14-1-1874. Công báo Nam Kỳ ra ngày 17-11-1874 đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia KV2 còn lưu ở trang 399:
"Thành lập trường Trung học bản xứ (Collège Indigène) với chương trình đào tạo 3 năm. Tuyển mỗi năm 100 học sinh nội trú và cả ngoại trú nếu đạt điều kiện thi tuyển. Học bổng toàn phần gồm cả ăn ở, đồng phục ở mức 20 franc/tháng trích từ ngân sách địa phương.
Trường sẽ do viên chức người Âu quản lý, giáo viên người Âu và có thể cả người An Nam". Khởi công và hoàn thành, hoạt động năm 1877, ít lâu sau trường được đổi tên Collège Chasseloup Laubat theo tên bộ trưởng Bộ Thuộc địa bấy giờ, cũng là tên con đường giữ vai trò trục ngang Sài Gòn.
Dạy chương trình Pháp và chỉ nhận học trò người Pháp, đến tận gần đầu thế kỷ XX, trường mới mở rộng để nhận thêm học trò người Việt, người Đông Dương với điều kiện mang quốc tịch Pháp, đào tạo từ tiểu học đến tú tài. Từ đây, trường cũng bắt đầu có những thầy giáo người An Nam đầu tiên, và những giờ Việt văn, Sử ký Việt Nam dạy cho trò Việt.
Bài Quốc sử giữa trường Tây
Hai dãy phòng học A - B được xây dựng đối diện nhau cách khoảng sân thật rộng. Dãy A (phía cổng chính Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ) với dãy hành lang rộng dài hun hút đặc trưng kiến trúc Pháp, gạch bông nổi bật được dành riêng cho trò Pháp.
Dãy B (phía đường Võ Văn Tần) với hành lang hẹp hơn, dãy phòng trên lầu 1 chỉ ngăn bằng tường thấp được dành cho học trò bản xứ. Những cây xà cừ nguồn gốc tận châu Phi theo chân người Pháp đến dần tỏa bóng trong sân.
Không rõ đã có những gì diễn ra trên khoảng sân vừa để hòa hợp vừa để ngăn cách ấy, nhưng rất nhiều học sinh người Việt trong ngôi trường Tây, nói tiếng Tây, bị buộc phải học câu vỡ lòng "tổ tiên ta là người Gô-loa" lại đã trở thành những người tiên phong, đi đầu trong phong trào yêu nước, chống Pháp: Nguyễn An Ninh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Hưởng, Kha Vạng Cân, Cao Triều Phát, Lưu Văn Lang, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Tạo, Phạm Ngọc Thảo, Dương Quỳnh Hoa...
Để hiểu điều có vẻ như trái khoáy này, hãy nghe học giả Vương Hồng Sển, học trò của trường những năm 1919-1923, kể về một người thầy: "Điển hình nhóm trí thức Sài Gòn có ông Diệp Văn Cương.
Thuở nhỏ tân cần khổ sở nhưng học hay, sớm đỗ bằng trung học, chánh phủ Pháp cấp học bổng sang Pháp học thêm, đỗ tú tài đôi, về dạy Trường Chasseloup Laubat, rồi được mời ra Bắc giúp việc cho toàn quyền Pháp, được vua Đồng Khánh chọn làm thầy. Ông làu thông Hán tự, văn Pháp thì khỏi nói - đời ấy là số một.
Gần tuổi về hưu, ông trở lại dạy Việt văn, Sử học tại Chasseloup Laubat như trước. Kẻ viết bài này khi còn học lớp dưới từng đứng nghe lóm ngoài cửa mà ân hận không được thọ giáo cùng ông.
Dạy sử, ông lấy Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát ra bình chú, dạy Việt văn ông đem những đoạn xuất sắc trong Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên ra giải thích. Người ông nẫm thấp hùng vĩ, lịch duyệt Bắc Nam, ông ngâm thi sang sảng, nói tiếng Tây rất giòn, bình sanh sở thích hát bội, roi chầu bóng bẩy rất mực phong lưu, tuồng hát nằm lòng..." (trích Sài Gòn năm xưa).
Thầy Nguyễn Ngọc Hy - một thầy giáo của tôi, từng dạy ở Lê Quý Đôn từ năm 1972 - kể bài học đầu tiên thầy học từ những người đồng nghiệp đàn anh của mình khi mới về trường: "Đây là ngôi trường xưa nhất Sài Gòn, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, kể cả thay tên đổi họ (năm 1954, kết thúc thời kỳ thực dân, trường được đổi tên thành Jean Jacques Rousseau - một nhà triết học Pháp; năm 1967, trong phong trào Việt hóa giáo dục, trường một lần nữa đổi tên thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn), tôn chỉ của chúng tôi luôn luôn là dạy cho học trò tinh thần khoa học liêm chính và không bao giờ tách rời truyền thống dân tộc, bồi đắp lòng yêu đất nước của mình".
Rồi đến lượt thầy Nguyễn Ngọc Hy cũng cùng ngôi trường trải qua bước ngoặt lịch sử năm 1975. Đứng lớp khi trường chẳng còn là "trường Tây", giữa bao thiếu thốn, khó khăn, tâm tình Việt Nam vẫn chưa bao giờ rời bài giảng văn của thầy. Thầy cũng là người đã bao năm tâm huyết tích lũy tư liệu, chuẩn bị cho phòng truyền thống Lê Quý Đôn từ ngày mới chỉ là một chiếc tủ đặt trong phòng giáo viên...
****************
Giữa những mục đích chính trị và kinh tế của công cuộc khai thác và xây dựng thuộc địa, giáo dục được coi là một trong những khía cạnh tinh thần của sứ mệnh khai hóa. Trường Chasseloup Laubat được thành lập và nhận các học trò người Đông Dương trong mục đích ấy, nhưng giáo dục luôn là những giá trị độc lập và mạnh mẽ…
>> Kỳ tới: Lẫy lừng tên tuổi
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/150-nam-truong-xua-chasseloup-laubat-le-quy-don-ky-1-150-nam-truong-tay-nguoi-ta-a211157.html