Sức bật hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ: Tháo nút thắt, thúc tiến độ

Bên cạnh một số công trình giao thông kết nối liên vùng triển khai đúng tiến độ, vẫn còn các dự án chưa đạt kế hoạch do nhiều nguyên nhân

Theo các chủ đầu tư và nhà thầu thi công, nếu cơ quan chức năng không có những giải pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn thì một số dự án như đường Vành đai 3 - TP HCM, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… có nguy cơ khó bảo đảm đúng tiến độ.

Chờ mặt bằng, thiếu vật liệu

Dự án đường Vành đai 3 - TP HCM đoạn qua TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Một trong những trở ngại lớn nhất của địa phương này là dự án xây dựng khu tái định cư An Thạnh để đưa người dân vào ở còn gặp nhiều khó khăn.

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai bị chậm tiến độ do vướng khâu bồi thường giải phóng mặt bằng Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai bị chậm tiến độ do vướng khâu bồi thường giải phóng mặt bằng .Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Khu tái định cư An Thạnh có tổng diện tích 6,97 ha, khi hoàn thành sẽ đáp ứng 364 nền nhà, bên cạnh các hạng mục công viên, trường mầm non, khu thương mại… Dự án đang đấu thầu thi công và dự kiến nghiệm thu, đưa vào sử dụng trong quý IV/2025.

Địa phương đã chi trả bồi thường, hỗ trợ đối với 51 hộ gia đình, cá nhân với số tiền 349 tỉ đồng, giải ngân đạt 92% tổng số tiền phê duyệt. 10 hộ gia đình còn lại chưa được chi trả số tiền 31 tỉ đồng, trong đó 5 trường hợp khiếu nại về đơn giá, không hợp tác khi địa phương bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ngoài vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, dự án đường Vành đai 3 - TP HCM còn thiếu nguồn vật liệu san lấp, đắp nền nên khó hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai cũng chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng liên tục chậm trễ, phải gia hạn nhiều lần. UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá đối với khâu giải phóng mặt bằng dự án này, việc phê duyệt phương án bồi thường bảo đảm tiến độ. Thời gian qua, việc bàn giao mặt bằng dù có tiến triển nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu.

Là chủ đầu tư dự án thành phần 1 dài 16 km của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết đoạn này có 2 gói thầu chính là số 18 (TP Biên Hòa) và số 21 (huyện Long Thành). Đến nay, mặt bằng dự án thành phần 1 được bàn giao khoảng 104,1 ha, đạt 76%. Trong đó, TP Biên Hòa đã bàn giao 41,91/59,5 ha, đạt 70%; phần diện tích đang triển khai thi công khoảng 28 ha, đạt khoảng 47%. Huyện Long Thành đã bàn giao 62,25/78,1 ha, đạt 80%; phần diện tích đang triển khai thi công khoảng 54,5 ha, đạt khoảng 70%.

Theo ông Nguyễn Linh, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, liên danh nhà thầu đã huy động 20 mũi thi công, 200 máy móc thiết bị, 70 kỹ sư và hơn 300 nhân công. Dù khối lượng công việc rất lớn nhưng do vừa làm vừa chờ mặt bằng nên mới đạt gần 20%.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần 2 tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Ban Quản lý dự án 85), cho biết dự án thành phần 2 có 2 gói thầu xây lắp số 9 và 10. Các nhà thầu đã triển khai 52 mũi thi công, huy động 460 nhân sự, 228 đầu máy, thiết bị… phục vụ công trình.

Tuy nhiên, do chưa nhận được đủ mặt bằng, còn vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật và khó khăn về nguồn đất đắp nền đường nên nhà thầu đang tập trung thi công phần cầu. Tổng sản lượng thi công dự án thành phần 2 đạt khoảng 986 tỉ đồng trong tổng giá trị gần 4.300 tỉ đồng, đạt khoảng 23%.

Ông Hà thông tin: "Toàn bộ mặt bằng chủ yếu được bàn giao từ tháng 7-2024 đến nay - rơi vào cao điểm của mùa mưa nên dự án thành phần 1 và 2 đạt khối lượng rất thấp. Bên cạnh đó, vật liệu đất đắp nền chỉ đáp ứng được 1,2 triệu m3 trong tổng số 5,2 triệu m3. Nếu không bàn giao dứt điểm 100% mặt bằng và giải quyết đủ nguồn đất đắp nền đường trước tháng 2-2025 thì dự án khó bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội".

Đưa vào chính sách chung, có hệ thống điều phối

Từ những vướng mắc nêu trên, Ban Quản lý dự án 85 kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ để bàn giao những vị trí còn lại trong tháng 2-2025 đối với dự án thành phần 1. Về dự án thành phần 2, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 2-2025.

Theo Ban Quản lý dự án 85, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư; bố trí tạm cư và thực hiện hỗ trợ theo quy định để bảo đảm ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Những đơn vị liên quan cần hoàn thành việc di dời người dân trong tháng 2-2025.

Ban Quản lý dự án 85 kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Long Thành và những đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục rà soát hồ sơ, xác định độ sâu khai thác các mỏ vật liệu; hướng dẫn nhà thầu lập hồ sơ theo Luật Khoáng sản 2024. Bên cạnh đó, có ý kiến chính thức về phương án sử dụng nguồn đất đắp nền tại khu vực quy hoạch nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Liên quan việc này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản tiếp tục chấp thuận bổ sung 6 khu vực khai thác vật liệu san lấp nền đường với trữ lượng khoảng 3,75 triệu m3 đất để phục vụ thi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ông Nguyễn Linh cho hay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai sẽ chủ động phối hợp với các nhà thầu xác định trữ lượng, kế hoạch huy động vật liệu để làm việc với những đơn vị quản lý các mỏ đá trên địa bàn nhằm bảo đảm cung ứng cho dự án.

Đề cập những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng tại các dự án giao thông kết nối vùng, KTS Lương Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng), cho rằng đây là vấn đề chung trong các dự án nhà nước.

Theo ông Phương, chính sách bồi thường chưa tiếp cận được nhu cầu và khả năng của thị trường nên có những mâu thuẫn nhất định. Khác với các dự án thương mại - doanh nghiệp đứng ra bồi thường bằng hoặc cao hơn giá thị trường, những dự án chung vẫn đang áp dụng cơ chế nhà nước đứng ra thu hồi đất. Cho nên, cần nghiên cứu để nâng giá đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng. Bởi lẽ, khi dự án chậm tiến độ thì nguồn lực đầu tư cũng sẽ tăng lên nhiều, chưa nói đến việc tác động tiêu cực đến xã hội.

Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội nhấn mạnh nếu chuyện liên kết vùng được các bên nhìn nhận là quan trọng đối với vùng và địa phương thì phải đưa vào chính sách chung, có hệ thống điều hành, điều phối. Còn nếu địa phương này thấy quan trọng, địa phương kia thấy chưa cần thiết thì các cơ quan trung ương phải đứng ra điều phối, thúc đẩy. 

(Còn tiếp)

Đội vốn, gây lãng phí

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng khoảng 6.280 tỉ đồng. Nguyên nhân là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng 4.080 tỉ đồng so với dự toán ban đầu.

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng cần điều chỉnh phạm vi đầu tư, bổ sung nút giao Mỹ Xuân - Ngãi Giao tại dự án thành phần 3 với chi phí gần 1.600 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng được cập nhật, bổ sung các cầu trong nút giao, hệ thống trạm thu phí và trạm kiểm soát tải trọng xe, tổng cộng khoảng 600 tỉ đồng.

Công nhân thi công tại nút giao Tân Vạn thuộc dự án Vành đai 3 - TP HCM  Ảnh: THANH THẢO

Công nhân thi công tại nút giao Tân Vạn thuộc dự án Vành đai 3 - TP HCM .Ảnh: THANH THẢO

Bộ Giao thông Vận tải đang tổ chức thẩm định nội bộ hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và hoàn thiện các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định. Chính phủ cũng đã đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, nhằm bảo đảm đủ nguồn vốn để triển khai đúng tiến độ.

Ông Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cho rằng khó khăn chung thường gặp ở các dự án giao thông là khâu giải phóng mặt bằng. Việc này sẽ phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Khi thời gian kéo dài, công trình chắc chắn bị đội vốn, gây lãng phí.


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/suc-bat-ha-tang-giao-thong-vung-dong-nam-bo-thao-nut-that-thuc-tien-do-a211809.html