Xuất khẩu linh hoạt ứng phó chính sách mới của Mỹ

Một loạt chính sách mới ban hành cũng như dự báo tương lai của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump được nhận định sẽ mang lại cơ hội kèm thách thức cho Việt Nam.

Xuất khẩu sang Mỹ “thắng lớn”

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) thông tin, Mỹ và Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của nhau, với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 20%/năm. Thị trường Mỹ luôn là điểm đến tạo nên con số ấn tượng về doanh thu xuất khẩu cho nước ta.

Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhấn mạnh, thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chịu tác động mạnh từ các biến động của nền kinh tế thế giới, tuy nhiên hợp tác thương mại, đầu tư với Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực nhờ "đòn bẩy" từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và năng lực sản xuất của các nhà sản xuất tại Việt Nam ngày càng lớn.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong 10 tháng năm 2024 đạt 4,432 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó nhập khẩu là khoảng 2.708 tỷ USD, xuất khẩu 1.724 tỷ USD, nhập siêu đạt 1.000 tỷ USD.

Theo số liệu mới công bố của Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ trong 10 tháng năm 2024 đạt 112 tỷ USD, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 102 tỷ USD tăng khoảng hơn 26% so với cùng kỳ (chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 10% tổng thâm hụt thương mại của Mỹ). 

Trong đó, một số ngành hàng của nước ta hiện đã xây dựng được uy tín và đang có vị trí chiếm lĩnh thị trường Mỹ so với các đối thủ khác. Đơn cử như: nông lâm thủy sản, tính đến hết tháng 10 năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ đạt khoảng 12,3 tỉ USD, chiếm 21,7% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam ra toàn thế giới và 10% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, tăng 24,6% về giá trị so với cùng kỳ 2023. 

Đặc biệt là cá tra, Mỹ là 1 trong những thị trường nhập khẩu và tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Trong tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung, 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ đạt hơn 12 triệu USD, tăng 2182% (tương đương gấp 21 lần) so với cùng kỳ năm trước. Đây là kim ngạch xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, kể từ năm 2015.

Đáng chú ý, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm qua, hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh, các sản phẩm may mặc và giày dép, nội thất...Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, với hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm trước đó, chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, với 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2023, chiếm 18,4%. Xuất khẩu hàng dệt may đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 13,5%.

Linh hoạt thay đổi để thích nghi với chính sách mới

Xuất khẩu linh hoạt ứng phó chính sách mới của Mỹ- Ảnh 1.

Mỹ là 1 trong những thị trường nhập khẩu và tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam.

Ông Donald Trump vừa chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Trước sự kiện này, nhiều hà phân tích và chuyên gia kinh tế trong nước, toàn cầu đều nhận định, những chính sách mới của ông Trump sẽ có tầm ảnh hưởng và thay đổi toàn cầu. Trong đó, Việt Nam không ngoại lệ. 

Theo trao đổi nhanh của ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ (Bộ Công thương), những chính sách an ninh, kinh tế, đối ngoại tới đây của Tổng thống Donald Trump sẽ có thể làm thay đổi, đảo chiều tình hình chính trị, kinh tế - tài chính trên toàn thế giới. Qua chia sẻ của ông Trump có thể thấy rõ, những chính sách điều hành của vị tân Tổng thống này sẽ tập trung ứng phó với tình trạng lạm phát, thâm hụt thương mại, xử lý vấn đề người nhập cư, bảo vệ người lao động trước hành vi thương mại cạnh tranh không công bằng, xử lý các vấn đề về xã hội, giáo dục, y tế...

Vậy cụ thể, những chính sách mới nào sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam?

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa rất lớn, rất tiềm năng của Việt Nam. Song, hiện cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang châu Mỹ chủ yếu tập trung vào các mặt hàng của doanh nghiệp FDI, như điện thoại, linh kiện điện tử, máy vi tính, phương tiện vận tải - phụ tùng, dệt may và giày dép...Về lâu dài, doanh nghiệp nội cần vươn lên và đặt chân vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể xuất khẩu bền vững vào thị trường Mỹ.

Có thể thấy, Mỹ là thị trường khó tính và đòi hỏi nhiều quy định khắt khe, phức tạp, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Do đó, doanh nghiệp Việt cần tập trung chú ý nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn và nhất là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho hàng hóa. 

Về vấn đề này, theo ông Trần Việt Anh - chủ một doanh nghiệt xuất khẩu dệt may sang Mỹ, điều quan trọng hàng đầu trong bối cảnh chính sách mới là doanh nghiệp cần giải quyết tốt về công tác quy tắc xuất xứ hàng hóa. Lưu ý, hệ thống thuế nhập khẩu của Mỹ khá đa dạng, có các mức thuế khác nhau áp dụng với các nhóm nước khác nhau. Doanh nghiệp cần nắm rõ và cập nhật thường xuyên những thông tin này. Nếu như vi phạm qui định về xuất xứ, hàng nhập khẩu sẽ bị Hải quan Mỹ giữ lại, gây tổn hại tài chính. Còn doanh nghiệp có thể bị Hải quan Mỹ lưu vào “sổ đen”, để kiểm tra khắt khe hơn các lô hàng sau. Điều này rất bất lợi cho tương lai xuất khẩu của mã hàng vào thị trường này.

Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ là yếu tố ảnh hưởng quan trọng bậc nhất trong chính sách của ông Trump. Theo ông Linh, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đối với nhiều mặt hàng chủ đạo tăng mạnh. Tuy nhiên, trong đó, có rất nhiều linh kiện, nguyên phụ liệu nước ta phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, nguy cơ về gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại mà hải quan Mỹ áp dụng với một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, là điều các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý.

Ở khía cạnh này, Tham tán thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, việc tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ thời gian qua đòi hỏi doanh nghiệp Việt không được chủ quan. Ngược lại, cần phải chú trọng hơn việc tuân thủ các quy định trong thương mại, tránh nguy cơ bị khởi kiện điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế cũng như các hạn chế khác mà Mỹ có thể đặt ra để hỗ trợ sản xuất trong nước.

Hơn thế nữa, thực tế cho thấy, năm 2024 là năm bầu cử Tổng thống tại Mỹ, các Đảng phái đều ra sức vận động để tranh thủ thêm lá phiếu cử tri nên chính sách của Mỹ có phần bảo hộ nhiều hơn. Bên cạnh các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng đáng kể (10 vụ việc với Việt Nam), Mỹ cũng triển khai mạnh mẽ Đạo luật chống lao động cưỡng bức người, do vậy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phần nào đó bị ảnh hưởng, có thể bị trả lại hoặc chậm thông quan khiến giá thành tăng cao, giảm bớt lợi thế cạnh tranh.

Cuối cùng, theo thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ dự báo, trong 4 năm tới, chính quyền mới của Mỹ dự kiến sẽ giảm bớt sự tham gia vào các mô hình hợp tác kinh tế đa phương, coi đây là yếu tố tiêu cực đối với sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Thay vào đó, Mỹ sẽ ưu tiên hợp tác song phương với từng đối tác, dễ dàng trong đàm phán, quản lý và thực hiện các hiệp định bảo đảm lợi ích kinh tế cho Mỹ. cũng theo nhiều phân tích cho thấy, xu hướng tiêu dùng như trong thời gian qua bất chấp lạm phát sẽ khó có thể giữ được lâu và người Mỹ sẽ sớm thắt chặt chi tiêu nếu tình hình không được cải thiện. Đây là các yếu tố quan trọng để doanh nghiệp Việt tính đến trong các chiến lược kinh doanh của mình./.

Nhân dịp ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ngày 21/1 (giờ Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược./.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/xuat-khau-linh-hoat-ung-pho-chinh-sach-moi-cua-my-a211823.html