Quốc tế phản ứng thế nào trước việc ông Trump đòi lấy lại kênh đào Panama?

Kênh đào Panama một lần nữa trở thành tâm điểm của căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Panama, đặc biệt sau khi Panama khiếu nại lên Liên Hợp Quốc về tuyên bố mới đây của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập việc “lấy lại” kênh đào này.

Trong một lá thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, chính quyền Panama đã đề cập một điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc cấm bất kỳ thành viên nào "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực" chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của nước khác.

Bức thư được công bố cho báo giới cũng kêu gọi ông Guterres chuyển vấn đề này lên Hội đồng Bảo an song không yêu cầu triệu tập một cuộc họp. Trước áp lực từ Mỹ, Văn phòng kiểm toán Panama cũng cho biết sẽ tiến hành "một cuộc kiểm toán toàn diện nhằm đảm bảo việc sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn lực công" tại Công ty Cảng Panama.

Quốc tế phản ứng thế nào trước việc ông Trump đòi lấy lại kênh đào Panama?- Ảnh 1.

Kênh đào Panama. Ảnh: Itln.

Trước đó, trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ “lấy lại” Kênh đào Panama khi cho rằng Trung Quốc đang "điều hành" tuyến đường thủy mà Mỹ đã trao trả vào cuối năm 1999 này. Trong một tuyên bố ngay sau đó, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino khẳng định tuyến đường thủy liên đại dương quan trọng này “đang và vẫn sẽ” thuộc về Panama, đồng thời tuyên bố “không có sự hiện diện và can thiệp của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới” đối với Kênh đào Panama.

Hôm qua (22/1), ông Jose Raul Mulino một lần nữa nhắc lại các tuyên bố này tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ: “Kênh đào Panama thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama . Kênh đào này không phải là một sự nhượng bộ hay một món quà từ Mỹ. Kênh đào Panama ra đời vào năm 1914, sau một hiệp ước song phương vào năm 1903 khi chúng tôi giành được độc lập với Colombia."

Cũng trong ngày hôm qua, Trung Quốc tuyên bố nước này "chưa từng can thiệp vào các vấn đề của kênh đào". Lập trường này vẫn được Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh trong thời gian qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Minh cho biết: “Trung Quốc luôn ủng hộ người dân Panama trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền đối với kênh đào Panama. Trung Quốc sẽ luôn tôn trọng chủ quyền của Panama đối với kênh đào này và công nhận nó là tuyến đường thủy quốc tế trung lập vĩnh viễn. Chúng tôi tin rằng với sự vận hành hiệu quả của Panama, kênh đào sẽ tiếp tục có những đóng góp mới cho việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập và trao đổi giữa người dân các quốc gia khác nhau cũng như nâng cao phúc lợi của nhân loại.”

Quốc tế phản ứng thế nào trước việc ông Trump đòi lấy lại kênh đào Panama?- Ảnh 2.

Không chỉ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã lên tiếng rằng, kênh đào Panama về mặt pháp lý thuộc về Panama, đồng thời cảnh báo Mỹ không nên cố gắng đòi lại nó, dù bằng cách cưỡng ép quân sự hay kinh tế.

Kênh đào Panama dài 82km nối liền hai đại dương được Mỹ xây dựng và khánh thành vào năm 1914, đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa và năng lượng của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ và Panama đã nảy sinh mâu thuẫn về vấn đề quyền kiểm soát kênh đào này. Nhiều năm đàm phán để đạt được một thỏa thuận công bằng hơn đã dẫn đến 2 hiệp ước dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter.

Các thỏa thuận tuyên bố kênh đào trung lập và mở cửa cho tất cả các tàu thuyền và quy định quyền kiểm soát chung giữa Mỹ và Panama cho đến cuối năm 1999, khi Panama được trao toàn quyền kiểm soát. Hiện Mỹ là bên sử dụng chính của kênh đào, tiếp theo là Trung Quốc. Kể từ năm 2000, tuyến đường thủy này đã đóng góp hơn 30 tỷ USD vào ngân khố nhà nước của Panama, với gần 2,5 tỷ USD trong năm tài chính trước.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/quoc-te-phan-ung-the-nao-truoc-viec-ong-trump-doi-lay-lai-kenh-dao-panama-a211932.html