Tháng 7/2023, Liu Luyang bước vào bệnh viện và cuộc đời anh thay đổi sau 30 phút. Hai vết rạch nhỏ biến anh trở thành một phần của 0,02% (con số nhỏ đến mức không được ghi nhận) nam giới chọn thắt ống dẫn tinh tại Trung Quốc.
Nhưng đó chỉ mới là bắt đầu.
Liu hướng máy quay về phía mình, biến hành động nổi loạn thầm lặng thành một tuyên bố công khai đầy táo bạo. Trong 6 tuần, anh đã đăng 6 video dài hai phút trên kênh của mình với chủ đề "Nhật ký triệt sản", ghi lại mọi bước từ phòng phẫu thuật đến quá trình hồi phục tại nhà.
Lời khen ngợi, sự khinh miệt và cả ý kiến trung lập cùng lúc ập đến kênh video của ông bố hai con.
Phụ nữ ca ngợi Liu là người dũng cảm và là một "đồng minh" hiếm có, trong khi đàn ông chế giễu và đặt câu hỏi về sự nam tính của anh, mỉa mai lựa chọn của anh bằng những lời lẽ chua cay như "Ông bạn đã kịp làm xét nghiệm quan hệ cha con chưa?".
Liu giữ vững lập trường của mình và tiếp tục đăng bài.
Liu, 26 tuổi, thẳng thắn chia sẻ với Sixth Tone rằng: "Với tôi, nam tính có nghĩa là chịu trách nhiệm, bảo vệ gia đình và giữ gia đình an toàn khỏi sự can thiệp từ bên ngoài, kể cả người lớn tuổi hay họ hàng".
Liu đăng quá trình thắt ống dẫn tinh của mình lên mạng xã hội. Ảnh: Xiaohongshu. |
Đó cũng là lập trường mà một bộ phận nhỏ nhưng ngày càng tăng trong số 0,02% nam giới đang theo đuổi tại Trung Quốc, nơi trách nhiệm sinh sản từ lâu được xem như gánh nặng của phụ nữ, và việc thắt ống dẫn tinh vẫn phải đối mặt với nhiều định kiến nặng nề.
Nhiều nam giới trong đó còn trẻ, chỉ sinh sau năm 2000. Thông qua mạng xã hội, họ muốn chia sẻ về lựa chọn của mình, đồng thời mở rộng bàn luận về chủ đề hiếm khi được đề cập ngoài đời.
Với sự tham gia của các bác sĩ chuyên ngành, nhóm cung cấp thông tin rõ ràng và giải đáp những nghi ngờ, những bài đăng về chủ đề trên nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem, khuấy động một cuộc đối thoại từ lâu bị giữ im lặng.
Sixth Tone đã trò chuyện với 3 người đàn ông có chia sẻ kinh nghiệm thắt ống dẫn tinh của họ trên mạng, thông qua các video và bài đăng trên các nền tảng như Xiaohongshu (tương tự Instagram) và Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc).
Một số người tập trung nói về thông tin thực tế: mô tả các quy trình của bệnh viện, chi phí phẫu thuật và thời gian phục hồi. Những người khác thể hiện giọng điệu thách thức hơn, đối mặt trực diện với những quan niệm sai lầm, phản đối niềm tin dai dẳng rằng "thắt ống dẫn tinh sẽ làm giảm nam tính hoặc sức mạnh của đàn ông".
Sau khi chia sẻ trải nghiệm của mình, họ cũng nhận nhiều tin nhắn từ người lạ hỏi về các thông tin liên quan. Và quan trọng là họ dám bắt đầu chia sẻ câu chuyện tại gia đình, vượt qua nỗi sợ về đáp ứng kỳ vọng của nửa kia, của người thân và của chính họ.
"Cuộc nổi loạn thầm lặng"
Liu và vợ anh, Zhai, đã bàn luận rất lâu trước khi quyết định đi thắt ống dẫn tinh.
Là một giáo viên mẫu giáo 33 tuổi, Zhai nghiên cứu kỹ lưỡng về quy trình triệt sản nam và thảo luận với Liu. Nhưng cô không áp đặt anh.
"Tôi lo anh ấy có thể đưa ra quyết định vội vàng vì vậy đã khuyên chồng nên suy nghĩ kỹ. Bây giờ anh ấy đã quyết định và làm xong, chúng tôi không hối hận", Zhai nói.
Sự lựa chọn là của hai vợ chồng, nhưng cơn tức giận từ người thân lại đổ dồn vào một mình Zhai.
"Sao con có thể để chồng làm thế?", mẹ đẻ của Zhai mắng cô, nói rằng đó là một hành động sai lầm. Vợ chồng cô đã có hai cậu con trai, nhưng mẹ cô lại muốn có thêm một cháu gái.
"Bà ấy khăng khăng bắt vợ tôi đặt vòng tránh thai", Liu nhớ lại.
Liu cho rằng trách nhiệm về sinh sản nên san sẻ ở cả vợ và chồng. Ảnh: Xiaohongshu. |
Nhưng Liu đã tiến hành phẫu thuật ở Thượng Hải, không hề nao núng trước việc liệu mẹ vợ anh có phát hiện ra hay không. "Bà ấy không dám hỏi tôi. Trong xã hội hiện đại, trách nhiệm sinh sản không nên chỉ nằm ở một cá nhân, mà phải tìm cách chia sẻ công bằng hơn".
Ở Trung Quốc, số liệu cho thấy triệt sản luôn là gánh nặng của phụ nữ.
Mặc dù không có dữ liệu kế hoạch hóa gia đình cụ thể sau năm 2021, hồ sơ chính thức cho thấy rằng vào năm 2020, tổng cộng có 14,7 triệu ca phẫu thuật tránh thai được thực hiện tại Trung Quốc. Trong số đó, 61% là phá thai, 17% là đặt vòng tránh thai và 1,3% là thắt ống dẫn trứng.
Ngược lại, chỉ có 2.626 ca, tương đương 0,02%, là thắt ống dẫn tinh.
Trong các thủ thuật xâm lấn ở nữ đều gây đau đớn, yêu cầu phẫu thuật bụng và có nhiều rủi ro cũng như thời gian phục hồi lâu hơn, thì cắt ống dẫn tinh tương đối đơn giản, ít xâm lấn và ít biến chứng hơn nhiều.
Liao Xuefen, bác sĩ trưởng khoa tại Bệnh viện Liễu Châu thuộc Trung tâm y tế phụ nữ và trẻ em Quảng Châu, nhấn mạnh rằng triệt sản nam đơn giản hơn và ít xâm lấn hơn triệt sản nữ, không ảnh hưởng đến hoạt động tình dục.
Ngày càng có nhiều bác sĩ hưởng ứng thông điệp ủng hộ triệt sản nam trên mạng xã hội. Họ nhấn mạnh tính an toàn, giá cả phải chăng và tác động vật lý tối thiểu so với các phương pháp thay thế cho phụ nữ, nhằm mục đích thay đổi cả nhận thức và thực hành của công chúng.
Trong khi thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật đơn giản, tiết kiệm chi phí, nhận thức của công chúng thường phóng đại rủi ro của nó.
"Giải thích trước phẫu thuật và hỗ trợ sau phẫu thuật rất quan trọng đối với quá trình phục hồi về mặt tinh thần và thể chất", Liao cho biết, đồng thời nhấn mạnh vai trò của bệnh viện và phương tiện truyền thông xã hội trong việc phá vỡ những quan niệm sai lầm và bình thường hóa thủ thuật này.
Trong các video của mình, Liu liên tục nhắc lại điều tương tự: thắt ống dẫn tinh an toàn, hiệu quả và ít xâm lấn. Anh hướng dẫn người xem thực hiện quy trình, trực tiếp giải quyết những nỗi sợ hãi và quan niệm sai lầm phổ biến.
Trong một video có tựa đề "Cuối cùng tôi đã được thắt ống dẫn tinh ở tuổi 25", Liu kể chi tiết về một ngày của mình: đến bệnh viện lúc 8h, thay áo choàng lúc 9h và sau đó hoàn thành thủ thuật vào lúc 13h. Khi vợ anh do dự, nước mắt lưng tròng, không chắc họ có nên thực hiện hay không, Liu đã trấn an cô.
Sau nửa tiếng, thủ thuật hoàn tất. Nằm trên giường, nhắm mắt, anh nói: "Nó ít xâm lấn nhưng vẫn hơi đau". Y tá đảm bảo với anh rằng không cần dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc mỡ. Sau một thời gian ngắn theo dõi, anh được về nhà.
Trong một video khác, Liu dẫn dắt người xem từng bước trong quá trình phẫu thuật và hồi phục của anh. Anh giải thích sự đơn giản của quy trình: đánh giá trước phẫu thuật bao gồm chụp X-quang ngực, điện tâm đồ, xét nghiệm máu và phân tích tinh trùng. Toàn bộ quá trình mất khoảng nửa giờ tuy nhiên, phẫu thuật mở ống dẫn tinh sẽ phức tạp hơn nhiều, mất ít nhất 4 giờ.
Tổng chi phí cho ca phẫu thuật và các xét nghiệm trước phẫu thuật là khoảng 1.600 nhân dân tệ (219 USD), tất cả đều được bảo hiểm y tế chi trả.
"Trước khi phẫu thuật, bác sĩ liên tục nhấn mạnh rằng miễn là tôi chưa vào phòng phẫu thuật, tôi có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào, ngay cả sau khi đã ký vào giấy đồng ý", Liu nói.
Anh đăng tải video của mình để chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và gửi đi thông điệp: khi cả hai vợ chồng quyết định không muốn có thêm con nữa, đàn ông cũng có quyền lựa chọn triệt sản như phụ nữ.
Kể từ khi đăng tải video, chủ đề về phẫu thuật cắt ống dẫn tinh ở nam giới đã thu hút sự chú ý đáng kể trên Xiaohongshu, đạt hơn 230 triệu lượt xem và 1,38 triệu cuộc thảo luận.
Chia sẻ trách nhiệm
Đối với Lin Sen (28 tuổi) bước ngoặt đến vào đầu năm 2024, khi vợ anh mang thai ngoài ý muốn và buộc anh phải đưa ra quyết định khó khăn. Gánh nặng cảm xúc khi có khả năng sinh đứa con thứ hai đè nặng đã khiến cặp đôi này quyết định phá thai.
Triệt sản nam ít đau đớn và ít biến chứng hơn so với ở nữ. Ảnh: SCMP. |
Trải nghiệm đó đã để lại căng thẳng cảm xúc lâu dài cho cả hai người, đặc biệt là vợ anh, người đang phải vật lộn với những tác động về thể chất và tâm lý của việc mang thai.
"Vấn đề này được xem là quyết định cá nhân, cả hai chúng tôi đều tự tin vào lựa chọn của mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài", Lin nói.
Theo anh, triệt sản không nên là quyết định vội vàng mà là lựa chọn có chủ đích trong mối quan hệ đối tác cam kết để có trải nghiệm thân mật an toàn và thoải mái hơn.
Sau khi trải qua thủ thuật tại bệnh viện ở tỉnh Tứ Xuyên, quá trình hồi phục của Lin diễn ra suôn sẻ và anh nhanh chóng trở lại các hoạt động bình thường. Nhưng tác động thực sự của anh đến từ mạng xã hội.
Lin cũng ghi lại trải nghiệm của mình trên Xiaohongshu, nơi có hơn 110.000 người theo dõi hành trình và bị hấp dẫn bởi những cuộc thảo luận thẳng thắn của anh về quy trình và quá trình hồi phục.
Các bài đăng của Lin mô tả chi tiết về cả việc đến ngày thứ 15 sau phẫu thuật, anh đã tiếp tục hoạt động tình dục bình thường và một cuộc kiểm tra chỉ chưa đầy hai tháng sau đó đã xác nhận rằng quy trình này đã thành công.
Tuy nhiên, Joy Lin, người sáng lập sáng kiến liên quan đến giới Wequality có trụ sở tại Thượng Hải, cảnh báo rằng mặc dù triệt sản nam có thể là giải pháp tránh thai lâu dài nhưng vẫn có những rào cản đáng kể về mặt văn hóa và xã hội.
Bà cho biết: "Theo quan điểm của người Trung Quốc, do cuộc khủng hoảng dân số già và sự miễn cưỡng hoặc sợ sinh con của phụ nữ trẻ, việc thúc đẩy triệt sản nam giới, hoặc bất kỳ biện pháp tránh thai dài hạn nào, có thể gặp phải sự phản đối đáng kể".
Theo Joy Lin, các chuẩn mực văn hóa thường đặt gánh nặng tránh thai lên vai phụ nữ. "Vì đứa trẻ không được sinh ra từ người đàn ông, nên người đàn ông được coi là ít kết nối với đứa trẻ và ít trách nhiệm hơn so với người mẹ", bà nói.
Phá vỡ các chuẩn mực cố hữu, Jiang Yijun, một chuyên gia y khoa 35 tuổi đến từ Tứ Xuyên, đã tiếp cận việc triệt sản một cách tự tin và rõ ràng. Với một cô con gái 2 tuổi, anh thấy quy trình này là giải pháp thực tế cho nhu cầu của gia đình mình, không còn nghi ngờ gì về tính an toàn hoặc tính đơn giản của nó.
Tuy nhiên, thay đổi những kỳ vọng về mặt văn hóa xung quanh lựa chọn của anh không hoàn toàn dễ dàng.
Jiang chỉ nói về quyết định của mình với cha mẹ sau ca phẫu thuật. Mặc dù ban đầu rất kinh ngạc, phụ huynh đã kiềm chế không can thiệp, tôn trọng quyền tự chủ của con khi đã trưởng thành.
"Đối với nhiều bậc cha mẹ, miễn là con cái họ khỏe mạnh và hạnh phúc, không phụ thuộc vào họ, thì việc họ có sinh con không còn quá quan trọng nữa", anh nói.
Jiang đã nhận thấy sự thay đổi ở những thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z.
"Đối với nhiều người trẻ có thu nhập hạn chế, chi phí cao và áp lực liên quan đến việc nuôi dạy con cái khiến quyết định không sinh con trở nên hấp dẫn. Họ thích tận hưởng lối sống tập trung vào sự thỏa mãn cá nhân", anh nói.
Joy Lin coi sự thay đổi này là biểu tượng của những thay đổi lớn hơn trong thái độ đối với vai trò giới tính truyền thống và biện pháp tránh thai. Bà cho biết: "Bình đẳng giới ngày càng trở thành cách để nam giới thể hiện sự tiến bộ, chấp nhận những điều mới mẻ, trình độ học vấn và đẳng cấp trong việc lựa chọn bạn đời".
Jiang nói thêm rằng trong khi các thế hệ cũ có thể bám víu vào quan niệm "nuôi con cái đến già", giới trẻ ngày nay lại ưu tiên hạnh phúc và sự độc lập của riêng mình.
"Thái độ không còn quan tâm đến ý kiến bên ngoài này thực sự phản ánh sự tiến bộ trong suy nghĩ và hiểu biết rõ ràng hơn về cuộc sống, biết mình muốn gì và kiên định hơn trong lựa chọn của mình", anh nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/dang-sau-lan-song-dan-ong-trung-quoc-di-triet-san-a212073.html