Dịp cuối năm thường là thời điểm nhiều gia đình chọn ôtô làm phương tiện di chuyển về quê, du xuân, đón Tết. Để có được những hành trình an toàn và trọn vẹn, tài xế cần kiểm tra, chuẩn bị và lưu ý những gì?
Kiểm tra, bảo dưỡng một số hạng mục trên ôtô
Một số hạng mục trên ôtô cần được bảo dưỡng, kiểm tra trước khi thực hiện các chuyến hành trình dài, bởi đây là lúc ôtô phải trải qua giai đoạn hoạt động liên tục ở cường độ cao, nhiều khả năng cao hơn khá nhiều so với tần suất di chuyển thông thường.
Bốn bánh xe, lốp dự phòng, ắc-quy, dầu phanh, dầu động cơ hay nước làm mát, nước rửa kính là những chi tiết quan trọng trên ôtô cần được kiểm tra và bảo dưỡng đúng cách trước chuyến đi.
Các dụng cụ khác như dây câu bình ắc-quy, bộ đồ nghề thay lốp, thiết bị bơm lốp cũng nên có sẵn trên xe để kịp thời xử lý trong trường hợp xảy ra sự cố.
Lốp xe là một trong những hạng mục quan trọng cần được kiểm tra, bảo dưỡng trước các chuyến hành trình dài. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Ngoài ra, tài xế cũng cần kiểm tra hoạt động của cụm đèn chiếu sáng chính để đảm bảo xe có thể di chuyển an toàn vào ban đêm, khi điều kiện ánh sáng không đảm bảo. Các đèn tín hiệu ở đầu và đuôi xe cũng cần được kiểm tra để chắc chắn tất cả hoạt động bình thường.
Các thao tác kiểm tra này một mặt đảm bảo hoạt động ổn định, bình thường của xe trong quá trình di chuyển, mặt khác giúp tài xế tránh được một số lỗi vi phạm có thể bị phạt nặng theo nội dung Nghị định 168.
Chẳng hạn, việc không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn sẽ khiến tài xế bị phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Cụm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu cũng cần được kiểm tra. |
Mức phạt trên cũng áp dụng cho hành vi điều khiển ôtô không có tín hiệu báo hướng rẽ hoặc có tín hiệu báo hướng rẽ nhưng không sử dụng liên tục trong quá trình chuyển hướng.
Kiểm tra tài khoản ETC
Thu phí không dừng (ETC) đã được triển khai tại nhiều tuyến cao tốc ở Việt Nam, hoặc tại các sân bay như Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Nội Bài (TP Hà Nội).
Hình thức này giúp thu phí đường bộ, phí ra/vào sân bay, phí gửi xe... thông qua thẻ định danh, không cần phương tiện phải dừng lại thanh toán.
Để đảm bảo di chuyển thuận lợi, thông suốt trên hành trình lái ôtô về quê ăn Tết, tài xế cần kiểm tra tính khả dụng của tài khoản ETC, tình trạng thẻ ETC gắn trên xe đồng thời đảm bảo tài khoản ETC liên kết với thẻ định danh trên xe vẫn còn đủ tiền để trả phí khi lưu thông trên tuyến đường dự định đi.
Tài xế cần đảm bảo tài khoản ETC còn đủ tiền trước khi di chuyển vào các làn dành riêng cho phương tiện có dán thẻ ETC. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bên cạnh đó, bước kiểm tra này cũng giúp tài xế tránh khả năng phải đối diện khoản tiền phạt 2-3 triệu đồng.
Nội dung khoản 4, Điều 6 Nghị định 168 quy định mức phạt trên khi người điều khiển ôtô không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối) nhưng lại đi vào làn ETC. Lỗi này cũng khiến tài xế bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe.
Lên kế hoạch chi tiết chuyến đi
Dịp Tết Nguyên đán là lúc nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ thậm chí tỉnh lộ và các tuyến đường gom rơi vào tình trạng quá tải do lượng người về quê ăn Tết bằng phương tiện cá nhân là khá lớn.
Do đó, việc lên kế hoạch chi tiết về thời gian khởi hành và tuyến đường dự định đi sẽ giúp tài xế phần nào tránh được những điểm nghẽn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển.
Chẳng hạn, việc khởi hành vào khung giờ sáng sớm có thể giúp tài xế tránh được luồng giao thông di chuyển ra khỏi các thành phố lớn. Tuy nhiên, mẹo này có thể "phản tác dụng" khi có quá nhiều người cùng chọn phương án di chuyển sớm để "né" kẹt xe.
Một trong những giải pháp đáng cân nhắc là sử dụng các ứng dụng điều hướng trên thiết bị di động, chẳng hạn Google Maps, Apple Maps hoặc Here Maps. Các ứng dụng này cung cấp nhiều phương án di chuyển, tài xế có thể theo đó lựa chọn cung đường phù hợp nhất cho hành trình của mình.
Công nghệ có thể hỗ trợ tài xế lựa chọn tuyến đường phù hợp nhất, tránh tình trạng kẹt xe. Ảnh: Xuân Sang. |
Bên cạnh mối quan tâm về các điểm ùn tắc, tài xế ôtô cũng cần quan tâm cung đường dự định di chuyển có sẵn các điểm tiếp nhiên liệu nếu lái xe xăng, dầu, hoặc trạm sạc công cộng nếu dự định cầm lái ôtô điện hay không.
Các tài xế xe xăng, dầu sẽ "nhàn" hơn bởi cơ sở kinh doanh nhiên liệu xăng dầu có số lượng khá lớn, và gần như có thể bắt gặp trên bất kỳ tuyến đường nào.
Việc mang theo xăng dự phòng không được khuyến khích do rủi ro cháy nổ, nhưng nếu cần thiết, tài xế cần chuẩn bị dụng cụ lưu trữ xăng dầu chuyên dụng đã được chứng nhận an toàn.
Đối với xe điện, tài xế cần tính toán cung đường di chuyển phù hợp nếu đang cầm lái dòng xe chưa có nhiều lựa chọn sạc công cộng.
Tài xế ôtô điện cần chuẩn bị lịch trình chi tiết hơn để đảm bảo xe không rơi vào tình trạng cạn năng lượng khi đang di chuyển. Ảnh minh họa: Phúc Hậu. |
Với những hành trình có quãng đường không cao hơn phạm vi hoạt động tối đa của xe, điểm đến phải có trạm sạc công cộng hoặc nơi dừng chân cần có thể sử dụng sạc qua đêm tại nhà.
Với các chuyến hành trình xa hơn, tài xế cần chọn một điểm dừng có trạm sạc công cộng giữa chuyến đi để cắm sạc xe, đồng thời tranh thủ nghỉ ngơi.
Việc "chia nhỏ" hành trình cũng được khuyến khích khi di chuyển bằng phương tiện giao thông cá nhân, cả xe điện lẫn xe xăng bởi sẽ giúp xe, tài xế và hành khách đều được nghỉ ngơi, "sạc" lại năng lượng trước khi tiếp tục di chuyển.
Lái xe an toàn
Lưu ý quan trọng nhất khi cầm lái ôtô hay bất kỳ phương tiện nào là phải đặt tính an toàn lên hàng đầu.
Tài xế cần đảm bảo duy trì tốc độ xe không vượt quá giới hạn tối đa cho phép ở từng đoạn đường, khu vực.
Việc quan sát kỹ biển báo, chỉ dẫn, vạch kẻ đường và tuân thủ đèn tín hiệu giao thông cũng cần thiết, trước mắt để đảm bảo an toàn, sau để tránh các khoản phạt nặng theo quy định tại Nghị định 168.
Tính an toàn luôn cần được đặt lên hàng đầu khi tham gia giao thông. Ảnh: Phúc Hậu. |
Người lái xe cũng cần tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn để đảm bảo an toàn cho bản thân, hành khách và những người cùng tham gia giao thông trên đường.
Nếu khiển ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ dẫn đến mức phạt tối đa 20 triệu đồng, trừ 10 điểm bằng lái. Mức phạt tương tự cũng áp dụng khi người điều khiển ôtô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, vượt đèn đỏ.
Còn với hành vi điều khiển ôtô quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h, tài xế sẽ bị phạt tối đa 1 triệu đồng, trừ 2 điểm giấy phép lái xe. Khi tốc độ xe vượt quy định trên 35 km/h, mức phạt tăng lên 12-14 triệu đồng, trừ 6 điểm vào bằng lái.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/lai-oto-ve-que-an-tet-va-nhung-luu-y-a212126.html